Bàn về cuộc sống nơi làm việc

Có một thực tế là, khoảng nửa thời gian một ngày làm việc của người lao động trí óc diễn ra trong văn phòng. Tuy nhiên, có rất ít lãnh đạo và doanh nghiệp quan tâm đến nhu cầu được hưởng thụ chất lượng cuộc sống tại nơi làm việc của họ.

Tủ hồ sơ theo tiêu chuẩn 5S tại văn phòng Ban Quản lý đầu tư vốn EVN - Ảnh: Ngọc Tuấn

Thông thường, cuộc sống của CBCNV được chia làm 3 phần với thời lượng tương đương: Một phần làm việc tại công sở, cơ quan, một phần hoạt động ở ngoài cơ quan, công sở và phần còn lại dành cho giấc ngủ. Nhưng bản chất cuộc sống là sử dụng nhiều giác quan, là sự sống động của thể chất và tinh thần theo đuổi mục đích hay sở thích của mình, nên sống thật, sống phong phú chỉ khi chúng ta thức chứ không phải khi ngủ. 

Vậy nên, đối với những người làm việc văn phòng thì 5 hay 6 ngày trong 1 tuần và 8 đến 10, thậm chí đến 12 giờ mỗi ngày, quá nửa cuộc sống diễn ra nơi làm việc. Thế nhưng, hãy nhìn vào cái bàn, cái góc làm việc của đa số CBCNV hiện tại, sẽ không tránh khỏi cảm giác đơn điệu, buồn chán: Trên bàn với nhân vật trung tâm là chiếc máy tính đen sì, một chồng giấy tờ, văn bản dở dang cùng một vài cuốn sách hướng dẫn, bên cạnh là tài liệu, sách vở và các thứ linh tinh... 
 
Vậy thì chất lượng cuộc sống và nguồn cảm hứng làm việc ở đâu? Cuộc sống phong phú, tươi đẹp là như thế nào với người làm việc văn phòng? Vì công việc văn phòng diễn ra tất bật, lặp đi lặp lại hàng ngày nên những vấn đề trên ít được đặt ra? Hay là cuộc sống văn phòng đã và vẫn diễn ra quá gấp, quá nhạt, chúng ta mặc nhiên chấp nhận đó là thời gian sống tạm nên không đề xuất những yêu cầu làm cho tốt đẹp hơn hoặc có văn hoá hơn?
 
Từ góc độ lý luận văn hoá, kiến trúc trụ sở, bố trí nơi làm việc của tập thể, góc làm việc của cá nhân… là các yếu tố thuộc về văn hoá vật thể của doanh nghiệp “dễ nhận biết song khó lý giải”. Các yếu tố này cần thoả mãn các nhu cầu cá nhân của mỗi người theo các chuẩn mực của cái đẹp, văn minh  đồng thời có cái chung của sắc thái, phong cách của một hệ thống văn hoá và thương hiệu doanh nghiệp cụ thể, như có sự thể hiện về sứ mệnh, logo, slogan để nhắc nhở mục đích của công việc và sự nghiệp chung. Cái đẹp nơi văn phòng cũng có yếu tố phi vật thể hay phần hồn của DN, không chỉ gồm ngôn ngữ thiết kế, sắp xếp, màu sắc đồ vật… mà còn là ngôn ngữ giao tiếp, hành vi của người làm việc và cái tâm, cái tình của chủ nhân những đồ vật ấy. 
 
Hiện tại, nơi làm việc cho nhân viên và cán bộ quản lý cấp cơ sở thường được bố trí cùng một phòng ngăn thành nhiều cabin nhỏ để tiết kiệm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi kết nối, phát triển tinh thần đội, nhóm… Với các vách ngăn, bàn ghế giống nhau, cùng màu, khiến nhiều văn phòng có dáng vẻ như một phân xưởng sản xuất theo dây chuyền hơn là nơi làm việc sáng tạo và chất lượng. Thật khó nói đến niềm vui nơi văn phòng nếu nhân viên cứ phải nhốt mình cả ngày trong các cabin hay góc làm việc như vậy! Việc nhân viên mang vào bàn làm việc của mình một bình/chậu hoa nhỏ hay một chậu xương rồng xinh xắn cùng vài tấm ảnh gia đình, bạn bè… cũng là xuất phát từ nhu cầu cơ bản của người lao động trí óc. 
 
Đối với nhiều bà mẹ làm việc văn phòng, khi nhìn thấy ảnh con cười trên bàn làm việc hay trong điện thoại cầm tay là một niềm vui và nguồn động viên lớn, giúp làm việc tích cực hơn. Tuy nhiên, nơi làm việc cũng phải bố trí theo các nguyên tắc chung: An toàn, gọn gàng, thuận tiện, sạch sẽ … Nói đúng hơn là thực hiện theo 5S và Quản trị tinh gọn. Không để dây điện loằng ngoằng, các vật dụng dễ tạo nguy cơ chập điện, cháy nổ… 
 
Vì vậy, việc cấm hút thuốc, cấm đốt hương và thờ cúng trong phòng làm việc là rất cần thiết. Một nơi làm việc thật đẹp, đáng sống, cần một sự kết nối liên thông hoặc thuận tiện giữa phòng làm việc và chỗ nghỉ ngơi, thư giãn với ghế êm, cây xanh, thảm cỏ, hồ nước, cảnh quan đẹp. Muốn tham khảo những “văn phòng đẹp như mơ” này như thế nào chúng ta có thể vào internet xem nơi làm việc của Google, Apple, Microsoft… 
 
Đối với các cấp lãnh đạo được bố trí phòng làm việc riêng sẽ có điều kiện tốt hơn để làm đẹp cuộc sống và làm đậm đà hơn bản sắc văn hoá văn phòng của mình. Tuy nhiên, cũng cần tránh thói cầu kỳ, xa hoa quá mức. Sẽ là phản cảm, phản tác dụng nếu phòng làm việc của giám đốc doanh nghiệp trang bị xa hoa, tốn kém hơn của tỷ phú hay bộ trưởng, thủ tướng, tổng thống các nước phát triển. Tôi cũng có cảm giác buồn khi đến những phòng làm việc, nơi tiếp khách được chủ nhân khoe những bộ bàn ghế bằng gỗ quý hiếm tự nhiên, những khối ngọc/đá quý làm theo phong thuỷ… trị giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng; càng buồn hơn khi nhìn thấy các “sếp” lấy tượng Quan Công, Khổng Minh, ông Thần tài Trung Quốc để trang trí, nhưng lại không có tượng Đức thánh Trần, Chủ tịch Hồ Chí Minh…. Thị hiếu tiêu dùng, hưởng thụ văn hoá có liên quan mật thiết với tầm nhìn, tư tưởng và lối sống của người lãnh đạo, quản lý. Muốn nhân viên tin tưởng lãnh đạo “nói đi đôi với làm” và muốn xây dựng VHDN thực chất, thì bản thân người lãnh đạo phải là tấm gương cho cấp dưới. Người lãnh đạo cần có lối sống đẹp, sống trung thực, giản dị, trong sáng trong công việc, sinh hoạt và cả trong đời sống cá nhân. 
 


  • 22/04/2015 09:09
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN tháng 3/2015
  • 2583


Gửi nhận xét