Hồi ức về những ngày tiếp quản ngành Điện miền Nam sau giải phóng

Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất của người dân Việt Nam, trong đó có những người làm điện. Tuy nhiên, sau niềm vui sum họp Bắc - Nam, hàng núi công việc đang chờ những người làm điện…

Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngành Điện của nước Việt Nam thống nhất bước sang một giai đoạn mới. Ngoài việc tiếp tục đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống nguồn và lưới điện phía Bắc, ngành Điện miền Bắc còn phải hỗ trợ nhân lực, vật lực để hoàn thành sớm việc tiếp quản và cải tạo hệ thống điện các tỉnh phía Nam, tiến tới xây dựng hệ thống điện thống nhất cả nước. Hàng trăm cán bộ, công nhận điện miền Bắc được giao nhiệm vụ vào Nam tham gia tiếp quản, điều hành các cơ sở sản xuất kinh doanh của ngành Điện. Từ đó, tiến hành điều tra, khảo sát, tình hình hoạt động của hệ thống điện phía Nam, lập các phương án đầu tư cải tạo, xây dựng, liên kết các nguồn và lưới điện ở miền Nam.

Một thời gian ngắn sau giải phóng, ngành Điện miền Nam được chuyển giao hoàn toàn cho lực lượng quân quản tiếp tục quản lý, điều hành. Hầu hết cán bộ, công nhân ngành Điện thuộc chế độ cũ đều rất phấn chấn, vui mừng trước những đổi mới thần kỳ này. Từ thân phận những người làm thuê, giờ đây, công nhân, kỹ sư chế độ cũ đã được giao làm chủ nhà máy, xí nghiệp. Tuy nhiên, có một bộ phận, lúc đầu không khỏi bỡ ngỡ, mặc cảm, vì thời cuộc biến đổi “thần tốc” quá. Người thì lo ngại về vị trí công việc, nơi ăn chốn ở, lương bổng và cuộc sống gia đình, người thì băn khoăn “đi hay ở”, có người xuất hiện tư tưởng vượt biên…

Trước tình hình đó, những cán bộ vào tiếp quản đã phải gặp gỡ, giải thích kỹ về chính sách nhân đạo của Nhà nước ta, về sự đoàn kết, hợp tác, hòa hợp dân tộc…, không áp đặt, đối xử định kiến cho dù trước đây họ có những chính kiến khác nhau. Cán bộ cách mạng đã nói thẳng, nói thật, giải thích rõ ràng cho một số người chưa thật tin tưởng vào đường lối và chính sách nhân đạo của Nhà nước, đồng thời chân thành khuyên nhủ: Hãy ở lại xây dựng ngành Điện và phụng sự Tổ quốc.

Phục hồi đường dây 230 kV Đa Nhim - Sài Gòn. Nguồn: Sưu tầm

Nhiều anh em sau khi bộc lộ những suy tư của mình, được cán bộ tiếp quản tư vấn đã cảm thấy thanh thản và phấn chấn hơn, tình nguyện tham gia xây dựng ngành Điện. Mối quan hệ cũ, mới giữa các đồng nghiệp được cải thiện rõ rệt. Nhiều cán bộ, kỹ sư, “thời cũ” đã hiến kế và chuyển giao những phương án, kế hoạch cho Ban Quân quản. Thậm chí, có người đã giúp cán bộ lãnh đạo lập danh sách những anh em chưa “thật tâm” làm việc, cá biệt còn xuyên tạc chính sách, chế độ. Nhờ đó mà Ban Quân quản đã kịp thời gặp gỡ, giải quyết cụ thể, thật thấu tình đạt lý về lập trường tư tưởng, về quan điểm nhìn nhận sự việc trong bối cảnh đất nước vừa mới bước qua chiến tranh. Nhiều người sau này đã giác ngộ, tự nguyện làm việc với một tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thành tốt những công việc được giao.

6 tháng sau khi tiếp quản, ngành Điện phía Nam (cuối 1975), đã hoàn thành nhiều công việc một cách nhanh gọn, hiệu quả, đem lại lợi ích về kinh tế - kỹ thuật, mang lại lòng tin trong quần chúng nhân dân. Đó là việc sửa chữa thành công đường ống thủy áp của Thủy điện Đa Nhim và đường dây 230 kV Đa Nhim – Sài Gòn (Thủ Đức), duy trì liên tục nguồn điện, lưới điện cho hầu khắp các địa phương quan trọng của miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn và các vùng lân cận.

 Nhiều cán bộ, công nhân, kỹ sư đã từng làm việc cho chế độ cũ cũng đem hết nhiệt tình và trí tuệ, không quản ngại khó khăn, gian khổ, tiếp tục đóng góp công sức vào việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình nguồn điện, lưới điện. Trong đó có những người đã từng đảm nhiệm giám đốc của các nhà máy, công ty lớn, chuyên viên cao cấp hoặc là những công nhân ưu tú, giỏi nghề như: Ông Trịnh Phi Anh (nguyên giám đốc Công ty Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi); ông Nguyễn Như Trường (nguyên Trưởng phòng Nguồn điện, Công ty Tư vấn Xây dựng điện 3); ông Võ Thành Ngôn (nguyên cán bộ Công ty Truyền tải điện 4, đã có một thời ở Thủy điện Đa Nhim tham gia phối hợp cùng đoàn cán bộ miền Bắc khôi phục đường ống thủy áp Đa Nhim năm 1975 thành công vang dội)… Và còn rất nhiều cán bộ, công nhân khác đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển ngành Điện Việt Nam.


  • 27/05/2016 03:11
  • Nguồn:Tạp chí Điện lực - Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1459