Chuyện đời sau cái công tơ đo xa

Kể từ tháng 5/2020, Điện lực Thủ Đức sẽ không cử nhân viên đến nhà khách hàng ghi chỉ số, sẽ thông báo tiền điện qua số điện thoại mà khách hàng đã đăng ký. Thế những nhân viên ghi điện sẽ làm gì? Thất nghiệp à?

Đó là băn khoăn của một bạn đọc đa cảm gởi đến báo Tuổi Trẻ. Từ băn khoăn này, PV đã tìm hiểu về đề án chuyển đổi nghề nghiệp rất nhân văn của Tổng Công ty Điện lực TP.HCM. 

Anh Trần Việt Quốc - Công ty Điện lực Sài Gòn - thay côngtơ đo xa cho khách hàng ở quận 3, TP.HCM

Đến năm 2022 không còn nghề đi ghi chỉ số điện 

Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển, nhiều hệ thống thông minh giúp ngành điện quản lý các khối công việc nhanh chóng, hiệu quả và chính xác hơn. Việc áp dụng khoa học công nghệ đồng nghĩa với việc một bộ phận anh em công nhân sẽ được thay thế bằng máy móc. 

Điển hình trong việc chuyển đổi này là sự xuất hiện của côngtơ điện tử (đo xa) giúp lấy chỉ số điện thông qua các hệ thống kết nối như WiFi, 3G... Tuy nhiên, với phương châm không để anh em mất việc, ngành Điện TP.HCM đã tổ chức đào tạo để bố trí công việc mới cho các nhân viên ghi điện. 

Theo ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, đơn vị này đang triển khai thay thế côngtơ loại thường đang lắp đặt tại nhà khách hàng bằng công tơ có chức năng thu thập dữ liệu từ xa theo nội dung chỉ đạo của Chính phủ và lộ trình phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam. 

Hiện nay, tổng số công tơ điện tử có chức năng thu thập dữ liệu từ xa đang lắp đặt cho khách hàng là khoảng 1.203.501 công tơ, chiếm tỉ lệ 46,8 trên tổng số 2.561.021 công tơ khách hàng. 

Tổng công ty sẽ tiếp tục cân đối chi phí để thực hiện lộ trình thay công tơ điện tử có chức năng thu thập dữ liệu từ xa, phấn đấu 100% khách hàng sẽ được lắp đặt công tơ có chức năng thu thập dữ liệu từ xa vào năm 2022.

Với khách hàng, việc chuyển đổi này sẽ xóa đi sự phiền hà khi nhân viên ghi điện hằng tháng phải gõ cửa từng nhà để ghi chỉ số. 

Chưa hết, các sự cố về điện sẽ được giải quyết nhanh nhất vì ngành Điện sớm phát hiện sự cố qua số liệu trực tuyến và xử lý kịp thời do côngtơ đo xa báo về. Ngoài ra, khách hàng có thể theo dõi và giám sát được tình hình tiêu thụ điện tức thời, từ đó có cơ sở để thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. 

Chất lượng điện năng cung cấp cho khách hàng ngày càng được nâng cao và ổn định, hạn chế tối đa tình trạng hư hỏng thiết bị điện xuất phát từ nguyên nhân do ảnh hưởng của chất lượng điện năng cung cấp. 

Còn đối với ngành Điện, ông Kiên chia sẻ công tơ đo xa giúp giám sát được trực tuyến tình trạng cung cấp điện, phát hiện ngay các trường hợp bất thường để xử lý, từ đó phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn. Quản lý, dự báo được nhu cầu sử dụng điện của khách hàng để có kế hoạch đầu tư, sửa chữa và nâng cấp hệ thống điện phù hợp; có giải pháp giảm thời gian mất điện của khách hàng. Đồng thời góp phần nâng cao năng suất lao động trong sản xuất và kinh doanh điện năng.

Nghề ra nghề, công nhân phấn khởi 

Vừa cùng các đồng nghiệp hoàn thành việc nối cáp tại một tủ điện trên đường Võ Văn Kiệt, anh Trần Đình Thảo, công nhân quản lý lưới điện Công ty Điện lực Sài Gòn, hào hứng chia sẻ với chúng tôi về công việc mới. 

Anh Thảo đã có 22 năm gắn bó với công việc đi ghi điện. Tuy đó cũng là công việc nhưng thật khó gọi là nghề vì chỉ có việc đi đến gõ cửa từng nhà, đọc chỉ số tiêu thụ là xong. 

Một công việc chỉ cần biết đọc biết viết khó có thể gọi là một nghề đúng nghĩa. Vì vậy, khi được công ty cho đi học nghề thợ điện thật sự, anh rất mừng. Và nay anh đã khá quen việc với chuyện đi kiểm tra trạm, kiểm tra lưới, nối cáp, nối dây… 

“Công việc mới tuy chưa thật quen nhưng tôi sẽ cố gắng. Đặc biệt, lương cho công nhân kỹ thuật cũng cao hơn so với ghi điện nên cuộc sống gia đình tôi được cải thiện hơn so với trước đây. Cứ tưởng sau khi áp dụng gắn công tơ đo xa anh em bị thất nghiệp, nhưng đến nay tôi rất hài lòng với công việc mới”, anh Thảo chia sẻ. 

Cũng chuyển đổi từ vị trí nhân viên ghi điện qua đội dịch vụ khách hàng sau 20 năm gắn bó, anh Trần Minh Ẩn - Công ty Điện lực Thủ Đức - kể khi mới chuyển qua vị trí mới cũng còn nhiều cập rập, nhưng thời gian quen việc mọi thứ đã vào guồng hơn. Công việc mới của anh Ẩn hằng ngày là liên hệ khách hàng để hỗ trợ họ sang tên đồng hồ, kiểm tra định mức... 

“Vợ chồng tôi có hai con, vợ làm nội trợ, thu nhập cứng chủ yếu dựa vào công việc của tôi. Thu nhập ghi điện phụ thuộc vào khối lượng công việc, khi thành phố áp dụng côngtơ đo xa thì khối lượng công việc ít đi, thu nhập cũng giảm. Sau khi bố trí qua công việc mới có khoản lương cứng và hệ số lương cao hơn nên chi tiêu hằng tháng của gia đình cũng dễ thở phần nào”, anh Ẩn bộc bạch.

Sau hoang mang là hạnh phúc

Gặp chúng tôi vào một chiều giữa tháng 8, anh Trần Việt Quốc (48 tuổi) thuộc Công ty Điện lực Sài Gòn chia sẻ về công việc mới sau khi Công ty chuyển đổi hoàn toàn công tơ đo xa cho khách hàng. 25 năm gắn bó với công việc ghi điện, sổ sách, giấy tờ… khiến anh Quốc gặp chút trở ngại khi chuyển đổi qua công việc có đặc thù kỹ thuật. Theo lời anh kể, đó là những ngày theo chân các “tiền bối” đồng nghiệp quan sát, học hỏi từng mối nối, mạch điện.

Tốt nghiệp cấp 3 năm 1995, anh Quốc gửi đơn xin việc nhiều chỗ nhưng không nhận được phản hồi. Trong thời gian chờ đợi, anh trải qua đủ thứ công việc phổ thông từ phụ hồ, khuân vác… Thế rồi có thông tin ngành điện tuyển nhân viên ghi điện, anh gửi hồ sơ ứng tuyển. Vượt qua kỳ kiểm tra, anh được sắp xếp vào công việc ghi điện tại địa bàn quận 1, 3 thuộc Công ty Điện lực Sài Gòn quản lý.

Công việc của anh và một số đồng nghiệp khác là lấy chỉ số điện tại nhà khách hàng theo các phiên ghi điện. Mỗi phiên, tổ của anh chia nhau lấy chỉ số khoảng vài trăm khách hàng tùy vào đặc thù của các khu dân cư. Sau đó ngành điện có chủ trương chuyển đổi côngtơ điện tử đo xa cho khách hàng, nên anh cùng các đồng nghiệp được sắp xếp đi học nghề để chuẩn bị cho việc chuyển đổi công việc.

“Lúc chưa có thông tin chính thức, chỉ nghe thông tin anh em rỉ tai với nhau ai cũng hoang mang. Hoang mang vì không biết cơ quan sắp xếp công việc cho mình như thế nào, mình có thích ứng công việc mới hay không. Anh em ai cũng qua 40 tuổi, nghĩ tới cảnh đi học cũng ngán vì sợ không tiếp thu nổi. Về kể với gia đình thì người nhà lo đang làm ghi điện chuyển qua kỹ thuật điện không biết làm dễ bị điện giật, nguy hiểm tính mạng…

Sau đó công ty tổ chức nghe nguyện vọng, giải thích về chủ trương và hướng giải quyết công việc cho anh em ghi điện. “Năm 2015, tôi và mấy anh em khác được cho đi học nghề tại Trường cao đẳng Điện lực TP.HCM. Sau đó đến năm 2017 thì cả tổ tốt nghiệp và bắt đầu chuyển đổi công việc. Tôi được sắp xếp công việc là gắn công tơ mới, thay đổi công tơ lỗi cho khách hàng, ứng trực các sự cố về công tơ”, anh Quốc nhớ lại.

Cũng theo anh Quốc, những ngày đầu làm công việc mới, áp dụng từ lý thuyết qua thực tế tay chân lóng ngóng không biết bắt đầu từ chỗ nào. Công ty cũng hiểu nên sắp xếp cho anh đi cùng các anh em có kinh nghiệm để học hỏi. Đến thời điểm hiện tại, anh Quốc đã thạo các công việc được giao. Anh cũng phấn khởi khi lương, bảo hiểm và các chế độ khác khi chuyển qua công việc mới được tăng lên đáng kể.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Huỳnh Thị Tươi, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Công ty Điện lực Sài Gòn, cho biết anh em gắn bó với nghề lâu năm nên khi có chủ trương chuyển đổi cho anh em công ty cũng có chút băn khoăn. Từ công việc ghi điện qua công việc kỹ thuật, tiếp xúc khách hàng… Công ty sợ anh em sẽ không thích ứng được. Trong quá trình đi học và làm công việc mới, Công ty vẫn thường tổ chức các buổi gặp gỡ để lắng nghe nguyện vọng, khó khăn của anh em và có hướng giải quyết. May mắn đến hiện tại các anh em được chuyển đổi đều làm tốt công việc và hài lòng với công việc mới của mình.

Tổ chức đào tạo, sẵn sàng chuyển đổi

Theo ông Nguyễn Tấn Hưng - Trưởng ban Tổ chức nhân sự Tổng công ty Điện lực TP.HCM, khi các công ty lắp đặt công tơ đo xa đã tính đến số lao động ghi chỉ số hằng tháng và kế hoạch sắp xếp công việc mới để anh em ổn định. Cả TP.HCM có 359 ghi điện viên cần đào tạo, sắp xếp lại công việc đã được Công ty tổ chức cho đi học các lớp nghiệp vụ trước khi chuyển đổi công việc.

Sau khi hoàn thành các lớp học, anh em sẽ được sắp xếp vào các đội vận hành lưới điện, đội quản lý lưới điện, đội quản lý đo đếm (phòng sự cố mất kết nối hệ thống), đội quản lý thu ghi, đội dịch vụ khách hàng… Ngoài ra, Tổng Công ty cũng tổ chức hội nghị để lắng nghe nguyện vọng của người lao động trước khi chuyển đổi để họ chọn công việc phù hợp.

 

Link gốc


  • 04/09/2020 11:23
  • Nguồn: tuoitre.vn
  • 583