Nữ kỹ sư Lê Thu Lan và niềm đam mê bất tận với rơ-le

Trong suy nghĩ của nhiều người, ngành nghề kỹ thuật thường chỉ dành cho phái mạnh, tuy nhiên trường hợp đó không đúng với chị Lê Thu Lan, kỹ sư thí nghiệm điện, Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN. Là một trong những gương mặt nổi bật trong phong trào thi đua "Lao động giỏi - Lao động sáng tạo" với nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật dành riêng cho rơ-le (Relay), chị Lan đã minh chứng cho câu nói "Phái yếu nhưng không yếu"...

Đam mê và cơ duyên

Kỹ sư thí nghiệm điện Lê Thu Lan (bên trái) luôn được đồng nghiệp yêu mến bởi tình yêu nghề và sự sáng tạo trong công việc. Ảnh: NVCC.

Trái ngược hẳn với những mường tượng ban đầu về một nữ vận hành điện lực mạnh mẽ, chị Lê Thu Lan - kỹ sư thí nghiệm điện, Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN có nước da trắng, phong thái nhẹ nhàng, ánh mắt sáng và nụ cười rất tươi. Cách nói chuyện của chị cũng hết sức mộc mạc, giản dị và gần gũi.

Chị Lan bước chân vào ngành Điện khi mới 23 tuổi. Chị tâm sự, lúc ấy mình chỉ có chút kiến thức trên giảng đường và niềm đam mê với nghề điện. Ngày còn là học sinh phổ thông, khi chưa hiểu biết nhiều về điện, chị đã tự mình sửa chữa khi bếp điện bị hỏng, hoặc tự tay nối lại cầu chì bị đứt...Chính vì thế, khi được nghe giới thiệu về Trường trung học Kỹ thuật điện, chị đã quyết tâm theo học trường này.

Với suy nghĩ, dù ở bất kỳ cương vị nào cũng đều cần nỗ lực, học hỏi, bổ sung thêm kiến thức, ngay từ những ngày đầu công tác tại Phòng Kỹ Thuật, Phân xưởng điện tự động, Công ty Thuỷ điện Trị An, chị đã thể hiện là một người năng động, không ngại khó, ngại khổ.

"Tất cả đối với tôi lúc ấy đều rất mới mẻ, xa lạ và khó khăn, từ việc vệ sinh thiết bị, kéo cáp dưới hầm, trèo cao trên máy biến thế, máy cắt, cần cẩu để kiểm tra thiết bị. Thế nhưng đó là những chuỗi ngày để lại nhiều kỷ niệm với đồng nghiệp và công việc mà tôi nhớ mãi…” - chị Lan tâm sự và cho biết thêm, nhờ công việc của một kỹ sư thí nghiệm điện, chị đã có dịp được “mổ xẻ, tiếp xúc” với nhiều loại Relay khác nhau, từ những loại Relay điện từ cho đến những Relay điều khiển, bảo vệ kỹ thuật số tiên tiến nhất hiện nay.  

Relay thân thuộc với chị đến mức, ngay cả khi nhắm mắt chị cũng có thể tưởng tượng ra được từng chi tiết, ngóc ngách của nó. Qua thực tế nhiều đợt kiểm tra, thử nghiệm Relay, cũng như phân tích, đánh giá sự cố, chị Lan nhận thấy, khi thao tác đóng cắt nguồn nuôi nhiều lần, phần lớn Relay kỹ thuật số thường xảy ra lỗi hoặc dẫn đến những hư hỏng như: hư hỏng khối nguồn, Relay thường bị treo, thời gian thực của Relay sai lệch.

Trăn trở với lỗi sai này của Relay, chị Lan luôn suy nghĩ làm thế nào để sửa được lỗi sai, tránh phải sửa chữa, thay thế bộ nguồn phức tạp, vừa mất thời gian lại gây gián đoạn hoạt động của hệ thống.

Hạt giống của phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"

Suốt một thời gian dài trăn trở với mục tiêu đảm bảo cho hệ thống Relay điều khiển, bảo vệ kỹ thuật số được cung cấp nguồn liên tục, không bị gián đoạn, tránh được các hư hỏng hoặc lỗi vận hành phát sinh do đóng cắt nguồn, năm 2015, khi còn công tác tại Công ty Thủy điện Trị An, kỹ sư thí nghiệm điện Lê Thu Lan đã mạnh dạn đề xuất giải pháp “Thiết kế mạch tự động chuyển nguồn nuôi cho Relay điều khiển, bảo vệ kỹ thuật số”. Giải pháp kỹ thuật này được thực hiện với sơ đồ thiết kế đơn giản, tiết kiệm chi phí, thi công dễ dàng trên tất cả các thiết bị.

Đam mê chuyên môn, yêu công việc, không ngừng cố gắng học hỏi, làm tận tâm, hết mình một cách tự nhiên thì những điều tốt đẹp sẽ đến”.

Chị Lê Thu Lan

 

“Để biến ý tưởng thành giải pháp, sáng kiến thực sự, tôi đã phải kiên trì đeo đuổi, trăn trở nhiều năm. Sáng kiến chính là để phục vụ công việc. Và phải có đam mê, yêu thích công việc thì quá trình làm mới phát hiện ra khâu nào chưa hợp lý để suy nghĩ làm sao cho nó tốt hơn. Từ đó, sáng kiến khắc ra đời” - Chị Lan tâm sự và cho biết thêm giải pháp trên đã được Công ty Thủy điện Trị An công nhận sáng kiến, áp dụng trong thực tế mang lại giá trị kinh tế hàng tỷ đồng, đồng thời tăng cao độ tin cậy của các Relay kỹ thuật số. Giải pháp này sau đó đã được mở rộng cho toàn bộ thiết bị kỹ thuật số với nguồn cung cấp đơn tại nhiều đơn vị thuộc EVN. Điều đó đã mang lại cho chị giải đặc biệt tại cuộc thi “Phụ nữ EVN sáng tạo” năm 2017.

Ngoài ra, chị Lan còn tham gia đề tài “Nâng cấp hệ thống tự động, kích từ, điều khiển, giám sát và bảo vệ của Công ty Thuỷ điện Trị An”. Để hoàn thành đúng tiến độ, có thời điểm, thời gian làm việc của chị Lan bắt đầu từ 7h sáng cho tới đến 22h đêm mới kết thúc, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Biết là vất vả như vậy, nhưng với nhiệt huyết và đam mê công việc, chị Lan vẫn làm việc hết mình, cùng với các đồng nghiệp quyết tâm hoàn thành công trình và đưa vào áp dụng thực tế năm 2019.

Là người có nhiều dấu ấn trong các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất” với nhiều sáng kiến được công nhận, áp dụng thực tế, nhưng kỹ sư Lê Thu Lan là một người yêu thích sự nhẹ nhàng, nữ tính. Chị Lan tâm niệm, có được thành công ngày hôm nay, chị không thể quên được sự giúp đỡ của đồng nghiệp và của gia đình. Chị cho biết, đối với phụ nữ, gia đình luôn chiếm vị trí hết sức quan trọng, vì khi có một gia đình bền chặt, một tổ ấm hạnh phúc, sẽ là nguồn động lực giúp công việc tốt hơn, mang lại hiệu quả hơn.

Trải qua gần 30 năm, chị Lan luôn gắn bó với công việc thí nghiệm điện, với hành trình đi tìm sự “hoàn hảo” cho các Relay, và trên hết là được cống hiến, sáng tạo nhiều hơn trong công việc mà chị yêu thích.

Chị Lê Thu Lan:

- Sinh ngày: 3/4/1968                               

- Tháng 9/1990 - 2018: Công tác tại Công ty Thủy điện Trị An 

- Từ 1/2019 đến nay:  Kỹ sư thí nghiệm điện, Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN


  • 24/08/2020 01:00
  • Thanh Huyền
  • 2353