Chuyển dịch năng lượng – Con đường hướng tới Net-Zero năm 2050

Là chủ đề hội thảo diễn ra ngày 05/08/2022 do Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với dự án Năng lượng sạch, giá cả phù hợp và bền vững cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE), được quản lý bởi Tổ chức hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam, tổ chức. Hội thảo diễn ra kết hợp 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: GIZ

Mục tiêu của hội thảo là chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng thế giới và Đức nhằm đẩy mạnh quá trình thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như cung cấp bức tranh tổng quan các chính sách của Việt Nam đã và đang thúc đẩy chuyển dịch bền vững.

Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày những nội dung: Xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới và các chính sách ưu tiên thúc đẩy chuyển dịch năng lượng; chuyển dịch năng lượng tại Đức, bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; lộ trình để đạt được mục tiêu Net-Zero của Việt Nam và vai trò của ngành năng lượng; chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam – Khung chính sách dài hạn; tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng hỗ trợ xu hướng chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam…

Biến đổi khí hậu đang đặt ra thách thức ngày càng nghiêm trọng với các ngành kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã và đang áp dụng những mô hình phát triển mới dựa trên hai lộ trình: thích ứng với biến đổi khí và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong quá trình trăng trưởng bằng cách cắt giảm lượng phát thải từ các hoạt động của nền kinh tế. Tốc độ chuyển dịch năng lượng sang các nguồn năng lượng sạch sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giảm phát thải carbon của Việt Nam.

Chuyển dịch năng lượng sẽ tiếp tục diễn ra sâu rộng không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn ở các lĩnh vực khác như giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp. Nhu cầu năng lượng sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ xăng, dầu, than sang điện, khí và các dạng năng lượng mới.

Quá trình chuyển dịch năng lượng được tạo đà bởi các chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng cùng với việc lên kế hoạch từng bước giảm dần các khoản đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch tác động trực tiếp đến chiến lược cắt giảm phát thải quốc gia.