ASEAN tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo an ninh năng lượng

Thông tin trên là kết quả đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 36, tổ chức tại Singapore ngày 29/10/2018.

Các lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - Ảnh: Nguồn Internet.

Theo đó, ASEAN nhất trí tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, hướng tới sử dụng các nguồn năng lượng sạch và bền vững.

Hội nghị đã ghi nhận các kết quả nổi bật trong hợp tác năng lượng ASEAN, trong đó về lĩnh vực giảm cường độ năng lượng, năm 2016 ASEAN đã giảm 21,9% so với năm 2005, vượt mục tiêu ban đầu của ASEAN là giảm 20% vào năm 2020.

Dự án liên kết đường ống dẫn khí ASEAN đạt tổng chiều dài đường ống kết nối 6 quốc gia (Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và Việt Nam) là 3.673 km và trong khu vực đã có 8 trung tâm khí tự nhiên hóa lỏng LNG với tổng công suất là 36,3 triệu tấn/năm.

Giai đoạn 1 của dự án trao đổi điện đa phương đầu tiên trong ASEAN giữa Lào, Thái Lan, Malaysia và Singapore đã chính thức thực hiện từ tháng 1/2018 đến nay lên tới 15,97 GWh. Các thành viên ASEAN thống nhất tăng thêm các dự án kết nối lưới điện để giúp tăng gấp đôi công suất trao đổi điện ở mức hiện tại 5.200 MW lên 10.800 MW vào năm 2020 và tăng lên hơn 16.000 MW sau 2020.

Ông Lim Jock Hoi - Tổng thư ký ASEAN cho biết: "ASEAN tăng cường hợp tác và xây dựng lộ trình để thúc đẩy việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Đó là những lĩnh vực chúng tôi đang làm việc với các cơ quan năng lượng quốc tế nhằm giải quyết các thách thức từ biến đổi khí hậu đang phải đối mặt".

ASEAN và Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời thông qua chương trình hành động thực hiện Biên bản ghi nhớ này tạo điều kiện hỗ trợ ASEAN sớm đạt được mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên mức 23% vào năm 2030.

Hội nghị cũng cho thấy nỗ lực của ASEAN hướng tới các tiêu chuẩn chung như Bộ quy chuẩn công trình xanh hay chủ trương dùng khí gas tự nhiên và gas tự nhiên hóa lỏng nhằm mang lại cơ hội thương mại cũng như đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài cho khu vực.


  • 30/10/2018 02:26
  • Minh Phương
  • 2121