Huyện biên giới Tây Giang (Quảng Nam): 6/10 xã đạt tiêu chí về điện trong xây dựng nông thôn mới

Tây Giang là huyện vùng cao biên giới, khoảng cách giữa các thôn, xã khá lớn, dân cư lại phân tán, suất đầu tư điện trên một hộ dân khá cao, có nơi lên đến 200 triệu đồng/hộ.

Hiện toàn huyện chỉ có 6/10 xã có lưới điện quốc gia. Nếu tính cả 2 xã có thủy điện tại chỗ thì số hộ có điện của huyện mới đạt khoảng 75%. Riêng điện lưới quốc gia đã cấp cho 68% số hộ.

6 xã có điện lưới quốc gia về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, an toàn. Tuy nhiên, mới chỉ có 4 xã đạt 100% số hộ dân có điện, 2 xã có điện trên 80%. Trong giai đoạn 2013 - 2015, UBND huyện Tây Giang đã đầu tư xây dựng thêm 17 công trình lưới điện trung, hạ áp về các thôn, xã, phấn đấu để toàn huyện đạt 100% số xã có điện vào cuối năm nay; đồng thời về lâu dài, huyện cũng đã tính toán đầu tư đảm bảo cấp điện cho 100% số hộ vào cuối năm 2020.

Nhờ có điện lưới quốc gia, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Tây Giang có chuyển biến khá tích cực: Xã Anông trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện sau khi hoàn thành 19 tiêu chí vào cuối năm 2014. Xã Lăng đạt 14 tiêu chí, Atiêng 12, Bhalêê 9, Axan 8, Avương 6, còn lại 4 xã đạt 2 - 3 tiêu chí.

Một góc khu dân cư thôn Anoonh, xã nông thôn mới Anông (Tây  Giang)

Nhờ được cung cấp điện ổn định, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được cải thiện. Huyện đã lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án trên địa bàn như các chương trình 30a, 134, 135 và từ nguồn vốn huy động trong dân, triển khai xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng ở các xã. Phong trào các hộ dân giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng phát triển khắp nơi, số hộ vươn lên thoát nghèo, có đời sống khá ngày càng tăng.

Từ khi có lưới điện quốc gia, UBND huyện Tây Giang đã đầu tư phát triển ngành nghề truyền thống; khuyến khích mua sắm và hỗ trợ đầu tư máy cày, máy xay xát, máy tuốt lúa, dụng cụ canh tác cho đồng bào để tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhất là ở những khu vực khó khăn.

Tổng cộng có trên 3.600 hộ dân được hưởng lợi trực tiếp từ các chương trình đầu tư, trong đó có trên 2.800 hộ hưởng lợi về điện và các dịch vụ về điện, với tổng mức tiêu thụ điện lên đến 2,2 triệu kWh trong năm 2014. Song song với phát triển lưới điện, UBND huyện còn tập trung vốn xây dựng các công trình hạ tầng dân sinh, nâng cấp và bê tông hóa 27 km đường nông thôn, xây dựng kiên cố 7,2 km kênh mương; cải tạo nâng cấp 14 công trình trường học và 1 trường đạt chuẩn quốc gia ở mức độ 1; đầu tư xóa nhà tạm; san ủi mặt bằng 64/70 thôn để làm khu dân cư bố trí chỗ ở ổn định cho dân. Những việc làm trên đã tác động không nhỏ đến chủ trương xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho đồng bào, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 69,7% năm 2010 xuống còn khoảng 50% năm 2014.
 


  • 22/07/2015 02:49
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3724


Gửi nhận xét