Diện mạo mới cho lưới điện miền Trung – Tây Nguyên

Hơn 5 năm sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và bán lẻ điện đến từng hộ dân, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) đã huy động mọi nguồn vốn vay ưu đãi, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn, tạo diện mạo mới cho lưới điện miền Trung – Tây Nguyên.

Hơn 2.732 tỷ đồng

Tính đến tháng 11/2013, EVN CPC đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại 573 xã, với 7.082 km đường dây hạ thế và 715.673 khách hàng. Tuy nhiên, khi tiếp nhận, lưới điện hạ áp nông thôn đã cũ nát, không đảm bảo các yêu cầu về thiết kế kỹ thuật cũng như độ an toàn sử dụng điện, dẫn đến tổn thất điện năng cao. Đó là tình trạng chung của lưới điện hạ áp nông thôn khu vực miền Trung – Tây Nguyên sau khi được bàn giao cho ngành Điện quản lý. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng phụ tải ngày càng cao, đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện khu vực miền Trung – Tây Nguyên, trong đó có lưới điện hạ áp nông thôn.

Theo ông Thái Văn Thắng – Phó tổng giám đốc EVN CPC, bên cạnh nguồn vốn tự có, EVN CPC đã tích cực tìm kiếm nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, thời gian hoàn trả vốn dài từ các tổ chức tín dụng nước ngoài  như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW). Tuy nhiên, khối lượng lưới điện cần cải tạo rất lớn, trong khi nguồn vốn có hạn, nên EVN CPC phải lựa chọn khu vực và những công trình ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư. Những năm qua, lưới điện các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông… luôn được ưu tiên hàng đầu. Tổng số vốn đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống điện khu vực miền Trung – Tây Nguyên sau hơn 5 năm khoảng 2.733 tỷ đồng, riêng 11 tháng đầu trong năm 2013 là hơn 256 tỷ đồng.

Lưới điện miền Trung đã được đầu tư, cải tạo nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp điện - Ảnh: Phan Trang

Giải phóng mặt bằng hiện là trở ngại lớn đối với EVN CPC trong quá trình thi công các công trình điện. Lưới điện chạy dài theo từng tuyến, qua nhiều địa phương, trong khi cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng ở mỗi địa phương lại khác nhau, đặc biệt là về đơn giá bồi thường. Bên cạnh đó, nhân lực phục vụ cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các địa phương cũng rất mỏng, không thể đáp ứng kịp tiến độ thi công. EVN CPC đã chỉ đạo Ban QLDA điện nông thôn miền Trung thường xuyên bám sát hiện trường, chủ động xử lý, tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm từng vấn đề vướng mắc. Quan trọng hơn, theo ông Thái Văn Thắng, phải kiên trì vận động, thuyết phục người dân trong vùng dự án bằng hiệu quả kinh tế - xã hội do dự án sẽ mang lại.

Ngày 14/10/2013, Bộ Công Thương đã phê duyệt Dự án đầu tư “Cấp điện từ hệ thống điện lưới quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm”. Tổng vốn đầu tư dự án là 652,5 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách trung ương và vốn hỗ trợ của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam chiếm 85%, vốn của Tổng công ty Điện lực miền Trung 15%). Ông Thái Văn Thắng khẳng định: “Đây là dự án đặc biệt quan trọng cấp điện cho khu vực biển đảo, vì vậy EVN CPC tích cực phối hợp với các đơn vị, khẩn trương tìm các nguồn vốn, đảm bảo Dự án được triển khai và nghiệm thu đóng điện toàn bộ công trình vào cuối quí III/2014”.

Người dân nông thôn được hưởng lợi

Với sự vào cuộc tích cực của EVN CPC và các đơn vị, sau khi đầu tư, cải tạo lưới điện nông thôn, người dân khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã được sử dụng điện với chất lượng tốt hơn, lưới điện vận hành an toàn, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng. Người dân không phải đóng thêm chi phí lắp đặt công tơ (khoảng 500.000 đồng/công tơ), khắc phục sự cố, chi phí cải tạo, sửa chữa lưới điện…

Anh Nguyễn Tấn Hùng, xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cho biết, trước kia, gia đình anh chỉ sử dụng điện thắp sáng nhưng chất lượng điện rất phập phù. Những năm gần đây, được mua điện trực tiếp từ điện lực, chất lượng điện đã ổn định hơn, khi bị mất điện cũng nhanh chóng được khắc phục. Vì thế, gia đình anh còn mua thêm một số thiết bị phục vụ nhu cầu thiết yếu như tivi, tủ lạnh, quạt, máy giặt. Đồng thời, nhiều hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa cũng được mua điện theo giá quy định của Nhà nước.

Đối với EVN CPC, việc đầu tư, cải tạo lưới điện nông thôn đã góp phần đưa tỷ lệ tổn thất điện năng tại khu vực nông thôn miền Trung – Tây Nguyên giảm xuống còn 6,17% (đến 30/11/2013), thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Lợi ích của người dân nông thôn sử dụng điện liên tục, chất lượng ổn định theo giá Nhà nước đã rất rõ ràng.

Tuy nhiên, hiệu quả  kinh doanh điện năng ở nông thôn, miền núi lại rất thấp, nên ngành Điện rất khó vay vốn từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng. Thời gian qua, tranh thủ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tài chính, ngân hàng quốc tế, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã đầu tư hoàn thiện lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận. Nhưng thời gian tới, việc huy động vốn từ nguồn vay ODA cũng bị hạn chế do điều kiện và lãi suất cho vay sẽ cao hơn. Vì vậy, EVN CPC cần chỉ đạo các đơn vị quản lý dự án thực hiện nghiêm túc quy định về đầu tư xây dựng; đẩy nhanh thủ tục đầu tư tạo điều kiện để các dự án sớm triển khai, đồng thời, lựa chọn nhà thầu có năng lực tốt, có kinh nghiệm và đủ năng lực đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Các đơn vị cần thường xuyên tiếp xúc và phối hợp với chính quyền địa phương, tạo thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công.

Một số dự án đầu tư, cải tạo lưới điện nông thôn khu vực miền Trung – Tây Nguyên
- Dự án phân phối hiệu quả (DEP) vay vốn WB: Đầu tư các TBA 110 kV và lưới điện trung áp tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đăk Lăk và Đăk Nông với tổng mức đầu tư khoảng 1.222 tỷ đồng.
- Dự án nâng cấp và mở rộng lưới điện phân phối nông thôn vay vốn ADB: Triển khai tại 224 xã, 48 huyện, 5 tỉnh Quảng Trị, TT-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Gia Lai, với tổng mức đầu tư khoảng 859,79 tỷ đồng.
- Dự án Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn vay vốn KFW: Triển khai tại 609 xã, 194 huyện, 13 tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 1.105 tỷ đồng.
- Dự án Giảm cường độ phát thải trong cung cấp năng lượng điện vay vốn KFW (Giai đoạn 2): Cải tạo, xây dựng mới lưới điện nông thôn tại 6 tỉnh TT-Huế, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đăk Lăk và Đăk Nông, với tổng mức đầu tư là 855,69 tỷ đồng.
 


 


  • 05/04/2014 01:56
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 3045


Gửi nhận xét