Chuyên gia kinh tế Cao Sĩ Kiêm: Giảm hệ số đàn hồi điện/GDP xuống còn 1,5: Quá khó!

Đó là quan điểm của chuyên gia kinh tế Cao Sĩ Kiêm - Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ khi nói về mục tiêu giảm hệ số đàn hồi điện/GDP (hệ số đàn hồi) xuống 1,5 trong năm 2015 theo yêu cầu của Chính phủ.

Ông Cao Sĩ Kiêm

Ông Kiêm cho rằng, năm 2014, hệ số đàn hồi điện là 2,03. Để đưa con số này xuống mức 1,5 trong năm nay là quá khó, khi mọi điều kiện cần và đủ đều chưa thuận. Giảm hệ số đàn hồi điện không chỉ là việc riêng của ngành Điện mà cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương trong việc hoạch định chính sách, quản lý quy hoạch; sự vào cuộc của doanh nghiệp và cộng đồng... trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Phóng viên (PV): Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến hệ số đàn hồi ở nước ta cao hơn các nước trong khu vực và thế giới?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Trong khi ở các nước, hệ số này chỉ dao động từ 0,5-1 thì từ năm 2010 đến nay, hệ số đàn hồi nước ta chưa bao giờ xuống mức 1,5 (thấp nhất là 1,69 vào năm 2013). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều, trong đó đáng chú ý nhất là sự lạc hậu của nền kinh tế và ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả của người dân, doanh nghiệp tuy đã có chuyển biến, nhưng còn thấp.
Đa số các doanh nghiệp ở Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn sử dụng thiết bị, công nghệ quá cũ, quá lạc hậu; thậm chí, có nhiều doanh nghiệp nhập công nghệ cũ mà các nước đã thải loại, tiêu thụ điện khủng khiếp, nhất là ở các ngành công nghiệp như luyện kim, sắt thép, xi măng, hóa chất... Trong khi các nước phát triển chỉ cần 350-400 kWh điện để sản xuất  một tấn thép, thì nước ta cần tới 550-690 kWh điện, dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài… Đó là chưa kể, ở một số ngành, các doanh nghiệp sản xuất ồ ạt, vượt quy hoạch dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Do vậy, hiệu quả kinh tế do ngành Điện đóng góp cho GDP không cao là điều dễ hiểu.

PV: Như vậy, có thể nói, hệ số đàn hồi cao phản ánh thực trạng sử dụng năng lượng lãng phí, kém hiệu quả. Theo ông, vì sao Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có hiệu lực từ năm 2011 nhưng đến nay, lãng phí năng lượng vẫn đang diễn ra ở nhiều ngành?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Luật có, nhưng chúng ta chưa cụ thể hóa được luật vào cuộc sống; việc xử lý những sai phạm chưa nghiêm, chưa triệt để và chưa có tính răn đe cao. Hiện nay chúng ta vẫn đang ở trong giai đoạn: Kêu gọi tiết kiệm, nhưng chưa áp chế tài xử phạt đối với những đơn vị lãng phí. Phải phạt nghiêm, răn đe kịp thời chứ không thể để tình trạng “hòa cả làng” theo kiểu ai kêu cứ kêu, ai thích làm hay không mặc kệ. Phải có sự ràng buộc về mặt pháp lý, phải có sự răn đe cảnh báo thực sự để đơn vị này nhìn vào đơn vị kia mà thực hiện. Có như vậy, Luật mới phát huy hiệu quả trong cuộc sống.

Hơn thế, muốn thay đổi hệ thống công nghệ lạc hậu đã và đang tồn tại nhiều năm nay cần vốn đầu tư rất lớn, không thể thực hiện một sớm, một chiều, mà cần có thời gian, lộ trình. Trong khi đó, ở Việt Nam thị trường vốn dài hạn cho doanh nghiệp chưa phát triển, chủ yếu là vốn vay ngắn hạn từ nguồn tín dụng ngân hàng. Khả năng cạnh tranh yếu, vốn tự có không nhiều, nên rất ít doanh nghiệp chịu đầu tư, đổi mới công nghệ để cải thiện hiệu suất năng lượng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân vì sao chúng ta khó có thể “kéo” hệ số đàn hồi xuống 1,5 trong năm nay.

PV: Nên chăng, các địa phương khi cấp phép đầu tư cần có sự ràng buộc về sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, thưa ông?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Đúng vậy. Thu hút đầu tư, nhưng phải có chọn lọc. Các địa phương khi cấp phép đầu tư, cần phải dựa trên sự dự báo tương đối chính xác về cung - cầu. Trung ương khi phân bổ cho các địa phương cần giám sát chặt chẽ, uốn nắn kịp thời. Nếu thấy ngành nào vượt quy hoạch cần phải chấn chỉnh, uốn nắn ngay chứ không thể để đến 5-6 năm sau mới xử lý, như vậy là quá muộn.

Hơn thế, để bắt kịp sự phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới, khi cấp phép đầu tư, các địa phương cần phải có những ràng buộc về công nghệ sử dụng. Không thể để một doanh nghiệp sản xuất được cấp phép năm 2015 mà lại sử dụng công nghệ cũ từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước.

PV: Theo ông, giải pháp nào giảm hệ số đàn hồi một cách hiệu quả?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Việc giảm hệ số đàn hồi là yêu cầu cấp thiết hiện nay và cần có sự vào cuộc đồng bộ từ Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và cả cộng đồng xã hội. Bởi giảm hệ số đàn hồi điện không phải là trách nhiệm của ngành Điện và chắc chắn rằng, chỉ ngành Điện không thể “kéo” hệ số đàn hồi xuống được. Ngành Điện vẫn phải bán điện cho các doanh nghiệp, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, dù doanh nghiệp đó sử dụng công nghệ mới hay cũ; ngành Điện cũng không có quyền xử phạt những doanh nghiệp lãng phí năng lượng...

Nhiệm vụ của EVN trong việc giảm hệ số đàn hồi là cần nỗ lực giảm tối đa tổn thất điện năng; phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền các địa phương tích cực kêu gọi, khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp thay đổi công nghệ, nâng cao ý thức sử dụng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả...

PV: Ông có thể nói rõ hơn vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc giảm hệ số đàn hồi?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Về phía Nhà nước, trước hết phải có cơ chế ưu tiên, khuyến khích phát triển kinh tế xanh với những nhóm ngành tiêu hao năng lượng thấp, cho hiệu quả kinh tế cao; có chính sách, cơ chế ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ; cần có những đột phá trong việc giảm thủ tục hành chính, thuế, hải quan để giảm các chi phí phụ cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Nhà nước cần phải quản lý chặt chẽ quy hoạch phát triển ngành, hạn chế tối đa tình trạng phát triển vượt quy hoạch, nhất là những ngành như sắt, thép, xi măng… Đặc biệt, cần có chế tài đủ mạnh để giám sát việc triển khai, thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các doanh nghiệp.

Về phía chính quyền các địa phương, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; phải siết chặt khâu phê duyệt, cấp phép đầu tư, nhất là những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng.

Với doanh nghiệp và cộng đồng xã hội, cần phải giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Riêng các doanh nghiệp, cần đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm giảm mức tiêu hao năng lượng, từ đó giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Có như vậy, hiệu quả đóng góp của ngành Điện đối với nền kinh tế mới thực sự có hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VII: Giảm hệ số đàn hồi điện/GDP xuống 1,5 vào năm 2015 và 1,0 vào năm 2020.

 

Hệ số đàn hồi của Việt Nam 5 năm gần đây:

Năm

2010

2011

2012

2013

2014

Hệ số đàn hồi điện/GDP

2,03

1,75

2,25

1,69

2,03

 


 


  • 29/06/2015 02:18
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2791


Gửi nhận xét