GS, Viện sĩ Trần Đình Long: “Luật Điện lực đã thay đổi quan niệm độc quyền ngành Điện”

Phải mất 8 năm rưỡi Luật Điện lực mới được Quốc hội thông qua kể từ lúc bắt đầu xây dựng. Điều đó cho thấy sự công phu, những cân nhắc kỹ lưỡng của Quốc hội, các cơ quan hữu quan cho một hành lang pháp lý nhằm điều chỉnh hoạt động Điện lực tại Việt Nam.

Ông Trần Đình Long

Chia sẻ của GS, Viện sĩ Trần Đình Long – Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý EVN, người được phân công làm Tổ trưởng tổ soạn thảo Luật Điện lực sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về những năm tháng xây dựng Luật và những điều ông còn trăn trở.

Những phiên tranh luận gay gắt

GS, Viện sĩ Trần Đình Long nhớ lại, năm 1995 Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam được thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động. Thời điểm đó toàn bộ hoạt động điện lực được chi phối bởi một số thông tư, nghị định, văn bản dưới luật. Hệ thống văn bản này chưa hoàn chỉnh, nhiều nội dung chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Chính vì thế, tháng 6/1996, theo chủ trương của Nhà nước nhất thiết phải xây dựng một bộ luật hoàn chỉnh về hoạt động điện lực. Chính phủ giao Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phối hợp cùng EVN chủ trì soạn thảo Luật Điện lực.

Tổ soạn thảo có 15 thành viên gồm đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công nghiệp, Bộ KH&CN, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các chuyên gia của EVN. Tổ soạn thảo bắt đầu làm việc từ giữa tháng 6/1996 và 8 năm rưỡi sau thì Luật được Quốc hội thông qua, đến tháng 7/2005 Luật mới có hiệu lực. Trong gần 9 năm xây dựng, tổ soạn thảo đã đưa ra 25 phiên bản khác nhau trước khi trình Quốc hội, chưa kể rất nhiều hội thảo ở các cấp độ khác nhau đã được tổ chức, từ hội thảo của chuyên gia trong nước đến hội thảo khu vực, trong ngành Điện, người sử dụng điện…

Việc soạn thảo không chỉ được các cơ quan trong nước quan tâm mà được rất nhiều tổ chức quốc tế giúp đỡ, hỗ trợ. Họ đã cung cấp cho Tổ soạn thảo các tài liệu về văn bản luật của các nước tiêu biểu Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Úc, Trung Quốc… vì thế, nguồn tài liệu rất phong phú. Đặc biệt Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ các chuyến tham quan, mời chuyên gia đến thuyết trình, tổ chức các hội thảo trong nước, các chuyến đi nước ngoài nhằm quan sát từ những nước châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và cả những nước đang phát triển tương đồng như Việt Nam đã xây dựng Luật Điện lực và thực hiện nó.

Trong 25 phiên bản đó, có rất nhiều tranh luận giữa thành viên Tổ soạn thảo, gay gắt nhất chính là vấn đề quy định cơ quan điều tiết điện lực. Đây là khái niệm không chỉ mới ở Việt Nam mà cả các nước trên thế giới, bởi không có mô hình thống nhất, mỗi nước xây dựng một kiểu. Có nước cơ quan điều tiết điện lực độc lập hoàn toàn với chính phủ với hội đồng hoặc một ủy ban độc lập. Có nước cơ quan điều tiết trực thuộc chính phủ có quyền tương đương bộ. Những mô hình của các quốc gia này đưa ra bàn thảo rất nhiều lần và cuối cùng thống nhất mô hình cơ quan điều tiết do một bộ chủ quản như hiện nay.

Bên cạnh đó cũng có rất nhiều ý kiến phản biện liên quan đến các điều khoản quy định về thị trường cạnh tranh trong Luật Điện lực lúc bấy giờ. Lúc đó vấn đề mở cửa thị trường và xóa bỏ độc quyền của ngành Điện rất ít người nghĩ tới. Có ý kiến cho rằng, chủ sở hữu ngành Điện sau khi xóa bỏ độc quyền sẽ như thế nào, ai nắm giữ ngành Điện… Cuối cùng đã đi đến thống nhất, Nhà nước chỉ nắm độc quyền lưới điện truyền tải và một số nhà máy phát điện đa mục tiêu, còn tất cả các khâu còn lại từ phát điện đến phân phối phải được mở cửa.

Điều còn trăn trở

Sau 10 năm, hiệu quả của Luật Điện lực ngày càng rõ nét, giúp những nhà quản lý người dân thay đổi quan niệm về hoạt động độc quyền của Điện lực. Và đích cuối cùng là thị trường cạnh tranh hoàn chỉnh đang được thực hiện theo lộ trình với việc người mua có thể chọn người bán và thị trường điện không phụ thuộc vào phương diện lãnh thổ như hiện nay, “câu chuyện” mua bán điện được tự do lựa chọn.

Tuy nhiên, GS, Viện sĩ Trần Đình Long vẫn còn trăn trở về những quy định chưa được thực hiện hiệu quả, trong đó có vấn đề liên quan đến Quy hoạch điện. Hiện nay nước ta đưa ra quy hoạch 10 năm, tầm nhìn 20 năm, đây là điều chưa phù hợp với Việt Nam bởi đối với một quốc gia đang phát triển, hoạt động kinh tế, xã hội có nhiều biến động, có lúc phát triển rất nhanh, nhưng có khi lại chững lại… Vì thế, theo ông chỉ nên đưa ra kế hoạch 5 năm sẽ sát với thực tế hơn, để các quy hoạch điện không phải điều chỉnh gây lãng phí và gây khó khăn cho các cơ quan liên quan.

Luật Điện lực năm 2004:

- Được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 3/12/2004.
- Gồm 10 chương, 70 điều
- Hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2005.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực:

- Được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20/11/2012
- Gồm 10 chương, 70 điều
- Hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013.

 


  • 26/06/2015 01:32
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và hội nhập
  • 2907


Gửi nhận xét