Chuyên gia hướng dẫn dùng điều hòa siêu tiết kiệm điện mùa hè

Lựa chọn điều hoà phù hợp với diện tích phòng, không bật nhiệt độ dưới 25 độ C, dùng điều hòa kèm quạt,... sẽ giúp tiết kiệm điện.

Để tiết kiệm điện năng khi bật điều hòa, bạn nên lưu ý với những hướng dẫn của các chuyên gia về điện lạnh dưới đây.

Không để nhiệt độ điều hoà dưới 25 độ C

Theo Bijli Bachao, trang web của Ấn Độ, chuyên về hướng dẫn tiết kiệm điện cho gia đình và công sở, nhiệt độ của điều hòa càng ít chênh lệch với nhiệt độ tự nhiên thì điện năng tiêu thụ càng ít. 

Để làm mát phòng, không nên để nhiệt độ dưới 25 độ C. Có thể tính công thức điện năng tiết kiệm được khi tăng nhiệt độ điều hòa như sau:

Phần trăm tiết kiệm = (nhiệt độ mới - nhiệt độ cũ) : (nhiệt độ bên ngoài - nhiệt độ cũ) x 100. Ví dụ, nếu nhiệt độ bên ngoài là 37 độ C, tăng điều hòa từ 20 lên 25 độ C, bạn sẽ tiết kiệm được: (25 - 20) : (37-20) x 100 = 29,4%.

Lưu ý: Công thức này được tính trong trường hợp khả năng cách ly của phòng với bên ngoài không tốt, nên nhiệt độ trong phòng tương đương với nhiệt độ ngoài trời trong điều kiện không bật điều hòa.

Dùng quạt kèm điều hòa

Thêm quạt có thể tạo ra gió giúp người trong phòng cảm thấy mát và dễ chịu hơn. Khi dùng quạt, bạn có thể tăng nhiệt độ của điều hòa lên 2-4 độ mà vẫn thấy thoải mái. Dù tốn điện cho quạt nhưng lượng điện bạn tiết kiệm được khi tăng nhiệt độ điều hòa vẫn nhiều hơn và như thế bạn có thể tiết kiệm được tiền điện mỗi tháng.

Theo Bijli Bachao, nếu mái nhà của bạn trực tiếp hứng ánh nắng mặt trời thì không nên sử dụng quạt trần cùng với điều hòa, tương tự nếu đó là bức tường hứng nắng thì cũng không nên bật quạt treo tường đồng thời với điều hòa.

Sử dụng chế độ làm mát tự động bởi trí tuệ nhân tạo (AI)

Những ngày nắng hay có độ ẩm cao thường gây khó chịu cho mọi người. Do đó, người tiêu dùng nên sử dụng các chế độ điều hòa không khí khác nhau. Theo chuyên gia Jun Hwang, điều hòa không khí hoạt động bằng cách hút vào không khí nóng, ẩm, sau đó xử lý qua bộ phận trao đổi nhiệt bên trong dàn lạnh và tỏa không khí mát ra ngoài để giảm nhiệt độ và độ ẩm trong nhà. Dù các chức năng cơ bản của chế độ làm mát (Cooling Mode) và làm khô (Dry Mode) là tương tự nhau nhưng chúng hoạt động theo những cách khác nhau, tùy thuộc vào mục đích sử dụng.

Cụ thể, Cooling Mode là chế độ điều chỉnh nhiệt độ theo cài đặt của người dùng. Trong khi đó, Dry Mode được sử dụng để giảm độ ẩm xuống mức thấp nhất có thể, dựa trên nhiệt độ cài đặt của người sử dụng. 

Theo chuyên gia của Samsung, Dry Mode có hiệu quả loại bỏ độ ẩm cao hơn khoảng 2,7 lần so với Cooling Mode khi hoạt động ở cùng nhiệt độ trong thời điểm có độ ẩm cao. Theo đó, Dry Mode đã giảm độ ẩm tương đối trong phòng từ 75% xuống 55%, chỉ số gây khó chịu giảm từ 73% xuống 70% và số lượng người tham gia cảm thấy không thoải mái cũng giảm từ 50% xuống còn 10%.

Do thời tiết và nhiệt độ luôn dao động cả ngày nên việc chuyển đổi thủ công giữa các chế độ trở nên rắc rối hơn. Để tối ưu hóa trải nghiệm làm mát và duy trì nhiệt độ phòng hiệu quả, các chuyên gia Samsung khuyên người dùng nên sử dụng chế độ AI Auto Cooling (làm mát tự động bởi AI) với khả năng tự động chuyển đổi giữa các chế độ WindFree, Fast Cooling và Normal Cooling phù hợp nhất.

Tính năng AI Auto Cooling giúp điều hòa chuyển sang chế độ thích hợp cho từng hộ gia đình bằng cách phân tích thói quen sử dụng và điều kiện hoạt động của cả dàn lạnh và dàn nóng.

Đặt cục nóng đúng vị trí

Đặt cục nóng không đúng vị trí cũng có thể ảnh hưởng tới điện năng tiêu thụ: Nhiệt từ mặt trời sẽ làm giảm hiệu quả của điều hòa, vì thế không nên để cục nóng ở nơi quá nóng và bí.

Bố trí phòng khép kín và có lớp cách nhiệt

Dùng các lớp cách nhiệt (ví dụ tấm xốp) cho mái, dán giấy cách nhiệt cho tường, phía ngoài ngôi nhà nên sơn màu trắng hoặc sáng để giảm thu hút nhiệt, có thể trồng thêm cây ở bên ngoài... Khi bật điều hòa phải đóng kín các cửa, các lỗ thông hơi, có thể che thêm rèm.

Bảo dưỡng điều hòa thường xuyên

Thường xuyên lau màn chắn, bộ lọc không khí. Chỉ cần lau dọn sạch sẽ bụi bẩn tích trong bộ lọc, có thể giảm đến 15% công suất hoạt động của máy, giúp tiết kiệm một lượng điện rất lớn.

Lựa chọn máy lạnh phù hợp với phòng

Theo Energy Star (một chương trình của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ - EPA, giúp doanh nghiệp và cá nhân sử dụng năng lượng tiết kiệm), mua một máy điều hòa quá lớn so với phòng là không hiệu quả, đồng thời còn lãng phí năng lượng. Máy điều hòa có tác dụng loại bỏ hơi nóng và độ ẩm trong phòng, máy điều hòa to có tác dụng làm mát nhanh nhưng nó chỉ loại bỏ được rất ít hơi ẩm. Công thức để chọn được máy điều hòa phù hợp với diện tích của phòng:

Phòng 9-14m2: chọn máy công suất 5.000 BTU/h; Phòng 15-23m2: 6.000 BTU/h; Phòng 24-28m2: 7.000 BTU/h; Phòng 29-32m2: 8.000 BTU/h; Phòng 33-37m2: 9.000 BTU/h; Phòng 38-41m2: 10.000 BTU/h; Phòng 42-51m2: 12.000 BTU/h; Phòng 51-65m2: 14.000 BTU/h; Phòng 66-92m2: 18.000BTU/h.

Energy Star cũng khuyến cáo, nếu phòng ở chỗ râm mát, bạn có thể giảm công suất máy 10%, nếu phòng đặt ở nơi rất nắng, tăng công suất máy lên 10%, nếu trong phòng thường xuyên có nhiều hơn 2 người, cộng thêm vào công suất của máy là 600 BTU cho mỗi người.

Link gốc


  • 18/03/2024 10:11
  • Theo tapchicongthuong.vn
  • 3432