Cấp nước cho vụ Đông Xuân Bắc Bộ 2013: Không thể thiếu các công trình thủy điện đa mục tiêu

Cùng với nhiệm vụ trọng tâm là cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và đời sống nhân dân, các công trình thủy điện đa mục tiêu như Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà... còn đảm nhiệm một nhiệm vụ rất quan trọng là đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp của các tỉnh, thành phố thuộc trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Chủ động khắc phục khó khăn

Công tác chuẩn bị nước phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân và phát điện mùa khô năm 2013 phải được chuẩn bị từ năm trước. Tuy nhiên, mùa lũ năm 2012, ở Bắc Bộ dòng chảy đến các sông từ tháng 6 đến tháng 10 đều nhỏ hơn trung bình nhiều năm từ 20 – 34%.

Trong đó, các tháng 6 và tháng 9 thiếu hụt từ 40 – 55% so với trung bình nhiều năm. Mặc dù đã có kế hoạch chủ động tích nước hồ từ sớm, nhưng đến ngày 31/12/2012, mực nước nhiều hồ thủy điện lớn ở phía Bắc vẫn thấp hơn mực nước dâng bình thường. Ngoài ra,  theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, các tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc, vùng núi phía Bắc, trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước và khô hạn cục bộ.

Để khắc phục tình hình khô hạn kéo dài và đảm bảo nước cung cấp cho đổ ải, ông Nguyễn Quang Thắng – Giám đốc Công ty Thủy điện Thác Bà cho biết: “Công ty Thủy điện Thác Bà đã phối hợp với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) điều tiết hồ chứa hợp lý; tăng cường công tác kiểm tra sửa chữa thiết bị, đảm bảo đáp ứng yêu cầu khi cần huy động tối đa công suất các tổ máy; thường xuyên kiểm tra ngăn chặn các hộ dân sống ở ven hồ Thác Bà đắp đập làm giảm dung tích hồ chứa...”.

Thủy điện Hòa Bình đã cung cấp hơn 3 tỷ m3 nước phục vụ cho vụ Đông Xuân Bắc Bộ 2013.   Ảnh: Ngọc Cảnh

Cao điểm mùa khô thường rơi vào khoảng tháng 3, tháng 4 hằng năm. Tuy nhiên, hồ Tuyên Quang luôn dành phần lớn tổng lượng nước trữ được, để đảm bảo đủ nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân ở đồng bằng Bắc Bộ. Tính riêng trong năm 2013, với dung tích hữu ích là 1.457,22 triệu m3, hồ Tuyên Quang đã sử dụng hết 1.121,76 triệu m3 nước phục vụ đổ ải.

“Đứng trước khó khăn đó, việc khai thác hợp lý lưu lượng dòng chảy đến hồ là giải pháp được Công ty đặc biệt chú trọng. Đồng thời, trước và sau mỗi đợt xả, Công ty đều tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống thiết bị, đảm bảo cho các tổ máy được vận hành ổn định, an toàn ” – ông Dương Thanh Tuyên – Phó giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang khẳng định.

Những bất lợi của biến đổi khí hậu dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nước phía thượng lưu, gây khó khăn trong việc tích trữ nước của các hồ thủy điện. Tuy nhiên, trong năm 2012, Nhà máy Thuỷ điện Sơn La đã được đưa vào vận hành, cả 2 hồ Thủy điện Sơn La và Hòa Bình đã được tích đầy nước. Điều đó không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân mà còn tăng khả năng phát điện của Thủy điện Hòa Bình trong cả mùa khô năm 2013.

Khẳng định vai trò công trình đa mục tiêu

Chống lũ, phát điện, cấp nước chống hạn và cải thiện giao thông đường thuỷ, các công trình thủy điện đều được thiết kế xây dựng theo hướng đa mục tiêu. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đó, trong quá trình quản lý vận hành, các công ty thủy điện đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của EVN và các Bộ ngành liên quan; chủ động theo sát tình hình diễn biến khí tượng thủy văn; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để đưa ra các quyết định chính xác và hợp lý trong việc điều tiết nước, bảo đảm cho công trình luôn vận hành an toàn, hiệu quả.

Đối với công tác chống lũ, ngay từ đầu năm, các công ty đã lập kế hoạch chuẩn bị phòng chống lũ bão, xây dựng các phương án cũng như quy chế phối hợp với Ban chỉ huy PCLB&TKCN địa phương. Trong mùa lũ, các công ty đã thực hiện nghiêm chỉnh Quy trình điều tiết liên hồ chứa (Sơn La - Hòa Bình - Tuyên Quang - Thác Bà) và ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo PCLB TW. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng thủy văn, đề xuất các giải pháp hữu ích trong công tác điều tiết nước, chống lũ, bảo đảm an toàn vận hành các tổ máy đạt hiệu quả cao.

Các công trình thủy điện vừa có nhiệm vụ chống lũ, phát điện, cấp nước chống hạn và cải thiện giao thông thủy.   Ảnh: Ngọc Cảnh

Để phục vụ công tác chống hạn và giao thông đường thuỷ, tùy theo diễn biến của tình hình  thủy văn, các công ty thủy điện còn chủ động điều hành sản xuất một cách hợp lý, từ đó, điều tiết lượng nước phù hợp với từng thời kỳ. Với những năm khô hạn có thể tiết giảm sản lượng điện phát để tích nước đầy hồ vào cuối năm, sẵn sàng cho mùa khô năm sau.

Ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình chia sẻ: “Việc xả nước các hồ thủy điện được thực hiện 3 đợt với khung thời gian hợp lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lấy nước gieo cấy vụ Đông Xuân 2013. Điều đó cho thấy, việc cung cấp nước cho đổ ải cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các công trình thủy điện đa mục tiêu”.

Công ty Thủy điện Hòa Bình: Tổng lượng nước xả là 3,19 tỷ m3
- Đợt 1: 1,13 tỷ m3
- Đợt 2: 1,16 tỷ m3
- Đợt 3: 0,90 tỷ m3
Lưu lượng xả trung bình khoảng 1600÷1800 m3/s

Công ty Thủy điện Thác Bà: Tổng lượng nước xả là 670 triệu m3
- Đợt 1: 267 triệu m3
- Đợt 2: 260,1 triệu m3
- Đợt 3:173 triệu m3
Lưu lượng xả trung bình từ 300÷400 m3/s

Công ty Thủy điện Tuyên Quang: Tổng lượng nước xả là 1,122 tỷ m3
- Đợt 1: 376,544 triệu m3
- Đợt 2: 385,541 triệu m3
- Đợt 3: 359,680 triệu m3
Lưu lượng xả trung bình 500÷700 m3/s

Nhiệm vụ chính của các công trình thủy điện đa mục tiêu:

- Chống lũ lụt cho khu vực đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc
- Phát điện: Là nguồn cung cấp điện chủ lực cho toàn bộ hệ thống điện Việt Nam
- Tưới tiêu, chống hạn cho nông nghiệp: Cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ lưu trong đó có đồng bằng sông Hồng, nhất là trong mùa khô. Điều tiết mực nước sông đồng thời đẩy nước mặn ra xa các cửa sông.
- Giao thông thủy: Cải thiện việc đi lại bằng đường thủy ở cả thượng lưu và hạ lưu.

 


  • 25/04/2013 02:26
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN tháng 3.2013
  • 3059


Gửi nhận xét