Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn: Những vướng mắc cần tháo gỡ

Để thực hiện Quyết định 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu: “Đến năm 2015, EVN bán điện trực tiếp đến tất cả các khách hàng sử dụng điện; đạt 98% số hộ nông thôn, miền núi có điện”, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính tiến hành dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 06/2010/BCT-BTC ngày 03/02/2010 về hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn tài sản lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT).

Ngày 27/9/2012, Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Nghị quyết số 646/NQ-HĐTV tiếp tục Chương trình tiếp nhận và hoàn trả vốn LĐHANT giai đoạn 2013-2015 tại 1.856 xã còn lại, trong đó có 1.070 xã thuộc dự án Năng lượng Nông thôn II (REII) vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).

Đến nay, các tổng công ty điện lực đã quản lý vận hành LĐHANT tại 7.162 xã (đạt 79,42% xã có điện) trong toàn quốc và tổ chức bán lẻ điện năng trực tiếp đến 11.513.771 hộ nông thôn (đạt 73,3%).

Tuy nhiên, với số xã còn lại, để thực hiện bàn giao, dù liên Bộ Công Thương - Tài chính đã có hướng dẫn và quy định chi tiết những nội dung, đặc biệt với các xã có Dự án REII, vay vốn WB, nhưng triển khai trong thực tế vẫn còn một số vướng mắc cần được tháo gỡ. Cụ thể:  

Về phía các địa phương: Việc bàn giao LĐHANT phụ thuộc rất lớn vào sự chỉ đạo và ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp và sự đồng thuận của các chủ tài sản.
 

Sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, ngành Điện đã rất nỗ lực cải tạo, nâng cao chất lượng điện - Ảnh: PV

Cụ thể, đối với các công trình không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo Quyết định số 34/2006/QĐ-BCN, thì không đưa vào đánh giá giá trị còn lại để hoàn vốn mà thực hiện theo Khoản 4 Điều 5 của Thông tư liên tịch số 06/2010/BTC-BCT quy định: “Đường dây hạ áp xây dựng bằng những cột tự tạo (như: Cột tre, cột gỗ, cột xi măng tự đúc, ....), hệ thống đo đếm điện năng không đúng quy định của Pháp lệnh đo lường thì không đưa vào đánh giá giá trị tài sản. Trước mắt, Bên giao có trách nhiệm thực hiện bàn giao nguyên trạng tài sản này để bên nhận tạm thời duy trì việc cấp điện cho dân. Sau khi tiếp nhận, bên nhận phải có kế hoạch bố trí vốn để nâng cấp, thay thế lưới điện đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả, đồng thời thu hồi tài sản cũ trả lại cho bên giao”. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều nơi chưa thống nhất và đề nghị thực hiện hoàn trả vốn.

Khó khăn tiếp theo là xác nhận sơ đồ hành lang lưới điện và mặt bằng trạm biến áp theo quy định tại Quyết định số 34/2006/QĐ-BCN ngày 13/9/2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) quy định về an toàn lưới điện nông thôn, do mặt bằng được vẽ trên bản đồ kỹ thuật, nhiều nội dung, ký hiệu không thể vẽ trên bản đồ địa chính.

Ở một số nơi (ví dụ như TP. Hà Nội), bên giao yêu cầu xác định giá trị còn lại của tài sản LĐHANT theo cách lập lại dự toán (giống như lập dự án xây dựng mới hoặc dự án cải tạo lưới điện). Như vậy, không đúng với quy định tại các văn bản hiện hành của Nhà nước.

Phần lớn các tổ chức quản lý điện nông thôn tại địa phương đều không đầy đủ hồ sơ chứng từ như: Phiếu thu (đối với nguồn vốn dân góp), Nghị quyết của HTX (đối với nguồn vốn HTX đầu tư),… dẫn đến khó khăn khi thực hiện hoàn trả vốn theo quy định của Thông tư 06/2010/BCT-BTC.

Đối với các công ty điện lực: Việc đảm bảo an toàn điện, chất lượng điện và tỷ lệ tổn thất điện năng sau tiếp nhận là một vấn đề lớn, phải tập trung đầu tư về tài chính và nhân lực để giải quyết.

Phần lớn LĐHANT được xây dựng từ 20-30 năm trước, không đạt theo tiêu chuẩn kỹ thuật về đường dây và an toàn, bán kính cấp điện lớn, dây dẫn tiết diện nhỏ, nhiều chủng loại; thiết bị đo đếm điện năng mua trôi nổi ngoài thị trường (chủ yếu là công tơ Trung Quốc), nhiều nơi vi phạm hành lang an toàn lưới điện; chất lượng điện không đảm bảo, có nơi điện áp cuối nguồn xuống dưới 100 V, làm tổn thất điện năng rất cao, nhiều xã lên tới 40-45%.

Tại một số nơi vẫn còn một phần nhỏ lưới điện trung áp (LĐTA) trước đây do các tổ chức quản lý điện địa phương quản lý, chưa bàn giao cho các đơn vị Điện lực. Hiện nay, phần LĐTA đã bị xuống cấp hoặc quá tải nhưng khi bàn giao LĐHANT, các tổ chức quản lý điện địa phương lại yêu cầu công ty điện lực đồng thời phải tiếp nhận cả LĐTA và hoàn trả vốn.

Dự án REII được triển khai từ năm 2005, hiệp định dự án có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2014. LĐHA do các địa phương làm chủ đầu tư, được thực hiện trên địa bàn 25 tỉnh, với 1.575 xã tham gia. Hiện nay, khoảng 80% các xã trong dự án đã cơ bản hoàn thành đầu tư. 505 xã đã bàn giao quản lý vận hành và bán điện (chưa bàn giao tài sản) cho các công ty điện lực, còn 1.070 xã do các tổ chức của địa phương quản lý vận hành và bán điện (theo mô hình công ty cổ phần, HTX,…).

Phần vay vốn WB đã đến hạn thanh toán nợ gốc và lãi, nhiều tỉnh đã yêu cầu bàn giao lưới điện các xã trong dự án REII cho các công ty điện lực quản lý và yêu cầu các tổng công ty điện lực chuyển tiền để trả nợ.

Chặng đường "bàn giao, tiếp nhận" lưới điện hạ áp nông thôn vẫn còn nhiều gian nan - Ảnh: PV

Tuy nhiên, các xã trong Dự án REII có những khó khăn vướng mắc cần được liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính sớm hướng dẫn, thì mới thực hiện bàn giao được, cụ thể là:

Xác định cơ cấu các nguồn vốn hoàn trả: LĐHANT trong dự án REII được đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau, gồm: Vốn vay WB (chiếm 50-70%) do các tỉnh ký vay lại với Bộ Tài chính với lãi suất 1%/năm, thời hạn 20 năm có 5 năm ân hạn, vay bằng đồng Việt Nam; vốn đối ứng cho Dự án REII chiếm khoảng 10%-15% được bố trí từ ngân sách địa phương, vốn vay trong nước hoặc vốn của các tổ chức, hộ dân,... Vì vậy, cần quy định để xác định rõ các nguồn vốn và nguyên tắc hoàn trả các nguồn vốn khi bàn giao.

Về xác định giá trị tài sản bàn giao và nhận trả vốn vay: Tại một số địa phương, khi dự án REII tại xã hoàn thành, Ban quản lý dự án Tỉnh đã giao cho các đơn vị quản lý điện địa phương (LDU) tiếp nhận và kinh doanh bán điện. Nay đến thời hạn thanh toán trả nợ vốn vay WB, thì các tổ chức này đề nghị bàn giao cho các công ty điện lực và yêu cầu công ty điện lực tiếp nhận theo nguyên giá cùng với nghĩa vụ trả nợ vốn vay WB cho cả thời gian mà đơn vị LDU đã quản lý vận hành và bán điện. Vấn đề này cần được Nhà nước hướng dẫn cụ thể để các bên thực hiện.

Về hồ sơ bàn giao: Dự án REII là dự án cải tạo nâng cấp lưới điện hiện có. Phần vốn vay WB đầu tư cho các xã trong dự án REII chỉ chiếm khoảng 50%-70% khối lượng LĐHA tại một xã; phần còn lại, các địa phương tận dụng vật tư, thiết bị cũ hoặc sử dụng lưới điện cũ. Ngoài ra, sau khi đầu tư REII, một số địa phương đã bố trí các nguồn vốn khác để tiếp tục đầu tư cải tạo hoặc mở rộng thêm lưới điện. Vì vậy, đối với phần lưới điện đầu tư bằng dự án REII và phần đầu tư mở rộng mới (sau dự án REII) sẽ có đủ hồ sơ bàn giao, nhưng đối với lưới điện cũ được xây dựng từ nhiều năm trước, đã bị tháo dỡ một phần, phần còn lại được sử dụng cùng đầu tư mới, nên rất khó khăn cho việc xác lập hồ sơ bàn giao.

Như vậy, chặng đường “bàn giao và tiếp nhận” vẫn còn khá nhiều chông gai, khó khăn mà bản thân EVN không thể tự giải quyết được, rất cần sự “vào cuộc” tích cực của các bộ, ban, ngành, địa phương,... nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dùng điện khu vực nông thôn.
 


  • 08/08/2013 08:10
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3520


Gửi nhận xét