Theo chân “lính” truyền tải điện miền Trung

Hằng năm, cứ vào mùa khô, những người lính truyền tải lại phải căng mình, tập trung cao độ, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, giữ cho lưới điện vận hành an toàn, thông suốt.

Mới đầu mùa khô, nhưng mảnh đất Duyên Hải miền Trung đã nằm trọn trong cái nắng, cái gió khắc nghiệt. Nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 35 – 40 độ C. Đến trưa, đường càng vắng người qua lại, không khí ngột ngạt, im ắng. Thế nhưng, đây lại là thời gian làm việc căng mình của những người lính truyền tải điện.

Ở mỗi đơn vị truyền tải, mỗi tổ, mỗi đội có những công việc riêng. Nhóm lo quản lý vận hành, nhóm lo rửa sứ hotline, nhóm phát quang hành lang tuyến, nhóm tuyên truyền bảo vệ hành lang...

Công nhân truyền tải điện Tuy Hòa (Phú Yên) phát quang hành lang tuyến.

Làm việc với các đơn vị truyền tải ở Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Đà Nẵng... chúng tôi được biết, nếu bảo vệ không tốt, sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy nổ, gây sự cố lưới điện truyền tải, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quản lý vận hành mà còn thiệt hại về kinh tế cho ngành Điện và cả xã hội.

Hệ thống lưới điện truyền tải với cấp điện áp từ 220 – 500 kV chạy dọc suốt miền Trung, vượt qua nhiều địa hình phức tạp. Đoạn thì chênh vênh trên núi đá hiểm trở, đoạn lại len lỏi trong rừng sâu - nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cách xa đường giao thông; đoạn thì vắt ngang qua sông, suối, cánh đồng hoặc khu dân cư đông đúc. Chính vì vậy, việc quản lý vận hành, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp là vô cùng khó khăn, phức tạp.

Ông Nguyễn Duy Ngọ - Giám đốc Truyền tải điện Phú Yên cho biết, đơn vị hiện đang quản lý, vận hành 189 km đường dây 220 kV, 46 km đường dây 110 kV, 1 trạm biến áp 220 kV với công suất đặt 250 MVA nằm trên địa bàn 7 huyện, thành phố và 29 xã, thị trấn của tỉnh Phú Yên. Hầu hết các tuyến đường dây đi qua khu vực đèo cao, suối sâu, núi, rừng hiểm trở hoặc vượt qua những cánh đồng mía bạt ngàn.

Vào mùa khô, lưới điện truyền tải luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, sự cố, nhất là sự cố do vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) khi người dân đốt nương làm rẫy hoặc đốt lá mía sau thu hoạch. Ngoài ra, các trận mưa to, gió lớn bất thường có thể làm cây đổ, ngã vào đường dây bất cứ lúc nào.

Theo chân đội Truyền tải điện Tuy Hòa (Phú Yên) đến vị trí cột 26 đường dây 220 kV Tuy Hòa - Nha Trang. Đây là vị trí tương đối thuận lợi, cách đường nhựa khoảng hơn 2 km và có đường vào, nhưng chúng tôi cũng phải tăng bo trên chiếc xe "chuồng gà" là loại cũ do nước Nga chế tạo. Xe không quạt gió, ghế đệm đã cũ, ngồi trên xe nóng kinh khủng, mồ hôi vã ra như tắm.

Anh Đặng Tất Hân - công nhân đội đường dây cho biết, mỗi lần đi tuyến, các anh phải mang theo nhiều dụng cụ, mỗi người phải đeo khoảng 10 kg. Nào cưa máy, máy  cắt cỏ, dao dựa, dây thừng, nhiên liệu, đồ ăn nước uống, thuốc thang, dụng cụ cứu thương và cả túi đồ nghề chuyên môn với hàng chục thứ lỉnh kỉnh, cà lê, búa, bu lông...

Ở những đoạn tuyến gần đường giao thông, xe ô tô, xe máy vào được thì còn đỡ. Với những vị trí cột ở xa, công nhân phải cuốc bộ vài ba cây số theo những con đường mòn, cây cối rậm rạp, vừa đi, vừa phát cây để tìm lối đi là chuyện bình thường. Vị trí cột ở Đèo Cả, chúng tôi phải đi bộ mất hàng giờ, còn nếu đi xuyên qua đèo thì phải mất cả ngày. Rồi chuyện gặp rắn rết, côn trùng như kiến, ong, sâu róm, vắt cắn là “chuyện thường ngày ở huyện” -  anh Hân vui vẻ chia sẻ thêm.

Tôi nhẩm tính, mỗi chi nhánh truyền tải quản lý khoảng trên dưới 200 km đường dây với hành lang tuyến chiều ngang hơn 10 mét thì diện tích phải quản lý lên tới hơn 2 triệu m2, đa phần nằm ở nơi có địa hình khó khăn. Trong khi đó biên chế chưa đến 50 người bao gồm cả cán bộ quản lý, kỹ thuật (vận hành, đường dây), văn phòng với hàng núi công việc.

Anh Hoàng Văn Đức - Đội trưởng cho biết, khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm là cao điểm của mùa khô nên phải tiến hành thu dọn, phát quang hành lang tuyến. Nhờ đó, từ khi đưa đường dây vào vận hành từ năm 2008 đến nay chưa xảy ra sự cố cháy nổ nào.

Theo Giám đốc Nguyễn Duy Ngọ, tỉnh Phú Yên nguy cơ cháy xảy ra thường trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 6 năm sau, thời tiết khô hạn, nắng gắt kéo dài cùng thời điểm người dân thu hoạch mía. Vì vậy, đơn vị đã tăng cường tuyên truyền cho bà con không đốt rừng, rẫy, lá mía trong khu vực hành lang bảo vệ an toàn lưới điện.

Vào cao điểm thu hoạch (tháng 4-5), đơn vị cử công nhân thường xuyên tuần tra canh gác cho đến khi người dân thu hoạch xong. Tại các thời điểm có nguy cơ cháy cao, thời tiết khô nóng, đơn vị còn huy động lực lượng và thuê nhân công phụ giúp người dân chuyển lá mía ra khỏi phạm vi hành lang tuyến; đồng thời cử công nhân giúp bà con thu gom lá mía trong hành lang để đốt có kiểm soát và đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía cho bà con.

Tại Bình Định, nơi có đường dây 220 kV An Khê - Quy Nhơn do Truyền tải điện Bình Định quản lý, dù đường dây đã đi vào vận hành, nhưng công tác đền bù, giải tỏa cây cối trong hành lang tuyến vẫn chưa xong vì người dân chưa nhất trí phương án đền bù.

Hộ ông Nguyễn Văn Tân có hơn 1.000 cây sao đen và cây keo lá tràm bị ảnh hưởng khi xây dựng đường dây; trong đó có 150 cây sao đen nằm ngay trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện. Sau nhiều lần tuyên truyền, thương lượng, gia đình ông Tân cũng đồng ý giải tỏa. Truyền tải điện Bình Định đã cử lực lượng đến giúp dân di chuyển khối lượng cây trên ra khỏi vị trí hành lang để đảm bảo lưới điện vận hành ổn định và an toàn.

Công việc của thợ truyền tải ở Phú Yên, Bình Định cũng sẽ giống như nhiều đội truyền tải trên khắp cả nước. Nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện cũng như đảm bảo hành lang an toàn diễn ra liên tục, không ngừng nghỉ. Để có được nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân, trên mọi cung đường truyền tải điện luôn in dấu chân và những giọt mồ hôi, thậm chí cả máu cùng với sự hy sinh thầm lặng của người lính truyền tải điện.


  • 08/06/2017 09:53
  • Nguồn bài và ảnh: TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1827