Những vụ đưa tin sai lệch “kinh điển” trên báo chí thế giới

Dù nguyên tắc cơ bản trong hoạt động báo chí là đưa tin “trung thực, chính xác” nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, lịch sử báo chí thế giới đã từng chứng kiến rất nhiều vụ thông tin sai sự thật một cách “rúng động” dư luận…Và hậu quả cũng thực sự khôn lường!

Chuyện về cậu bé Muhammad al-Dura

Năm 2000, khi đưa tin về phong trào intifada của người Palestin chống lại Israel, các phương tiện truyền thông phương Tây (đặc biệt là ở Pháp) đã đăng tải câu chuyện về cậu bé Muhammad al-Dura (12 tuổi) tội nghiệp. Giới truyền thông đã lan truyền rằng, người cha của cậu bé Muhammad đến từ dải Gaza đã không thể bảo vệ con trai mình khỏi cơn mưa đạn của Israel và em đã bị giết chết trong cuộc đọ súng.

Thậm chí có cả ảnh và video diễn tả tội ác này. Trong đoạn video kéo dài 59 giây do phóng viên Talal Abu Rahma của Hãng Truyền hình Pháp France 2 Television thực hiện, đã thể hiện rất rõ cảnh hai cha con co rúm người lại sau một khối bê tông trên một góc phố giữa tiếng súng hạng nặng. Cậu bé la hét trong sợ hãi trước khi bị bắn chết. Đoạn video này đã gây tác động rất mạnh vào phong trào Intifada của người Palestine. Hình ảnh trong đoạn video được được in lại trên áp phích, tem và tranh cổ động trên khắp thế giới Arập và thậm chí được Al-Qaeda trích dẫn như là một hành động trả thù vụ tấn công 11/9/2001 ở Mỹ.

Để kiểm chứng thông tin, Thủ tướng Israel lúc đó là Binyamin Netanyahu đã cho thành lập một ủy ban điều tra vụ việc. Bản báo cáo dài 36 trang kết luận rằng, hình ảnh Đài France 2 đã đưa ra làm bằng chứng là “không rõ ràng”, thậm chí chứa đựng nhiều mâu thuẫn, do đó quân đội Israel không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước cái chết của cậu bé Muhammad. Dù vậy, rất ít phương tiện truyền thông cho đăng kết luận này. Và trong nhiều năm qua, truyền thông trên toàn thế giới vẫn  nghi ngờ bàn tán về vụ việc này.

Biên tập viên cố tình… "nhớ nhầm”?

Ngày 30/1/2015, Biên tập viên Brian Williams nổi tiếng với chương trình thời sự “Tối hằng ngày” trên kênh NBC News đã tuyên bố rằng, trên đường thực hiện phóng sự về cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, chiếc máy bay trực thăng chở ông đã bị hỏa lực địch bắn rơi.

Tuy nhiên, truyền thông xã hội đã tá hỏa khi một cựu chiến binh là người lái chiếc máy bay đó cho biết, chuyện mà Williams kể chưa bao giờ xảy ra. Tuy lúc ấy có một máy bay trực thăng bị trúng đạn rốc két, nhưng Williams không ở trong máy bay đó. Cuối cùng, Williams đã phải xin lỗi vì… “nhớ nhầm”.

Tổng giám đốc NBC Steve Burke cho rằng, Biên tập viên Williams đã làm cho hàng triệu khán giả Mỹ mất niềm tin vào Đài truyền hình này. Williams đã bị đình chỉ công tác trong 6 tháng để Cơ quan chủ quản tiến hành điều tra nội bộ. Kết quả cuối cùng, Williams đã mất việc.

Không kiểm chứng thông tin, CBS News phải “cáo lỗi” với độc giả

Chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2004, CBS News đưa ra một bản cáo buộc Tổng thống Bush có thể đã nói dối về việc ông từng đặt chân tới chiến trường Việt Nam. Báo cáo này dựa vào các số liệu có được từ thời kỳ đó.

Tuy nhiên, các blogger đã chỉ ra rằng, các số liệu này đã được đánh trên máy tính chứ không phải là từ máy đánh chữ. Cuối cùng, CBS News đã thừa nhận, họ không thể chứng minh được tài liệu này là thật hay giả và đã phải đăng cáo lỗi tới độc giả nước Mỹ.

Sau đó, CBS News đã sa thải phóng viên Mary Mapes - người đã biên tập bản tin này. Phó chủ tịch Betsy West và Josh Howard - Giám đốc biên tập Chương trình “60 Minutes Wesnesday” và phụ tá cao cấp của ông là Mary Murphy buộc phải từ chức. Phát thanh viên Dan Rather, người điều khiển “CBS Evening News” - chương trình đăng bản tin này - đã phải rời khỏi đài truyền hình này sau 6 tháng xảy ra sự việc.

Giành giải Pulitzer từ một … câu chuyện bịa!

Janet Cooke - Phóng viên của Báo Washington Post đã bất ngờ nổi tiếng khi giành được giải thưởng Pulitzer từ.. một “câu chuyện bịa” viết về một đứa trẻ nghiện ma túy.

Cụ thể, câu chuyện “Thế giới của Jimmy”, được đăng ngày 29/9/1980, mô tả cuộc sống của một cậu bé 8 tuổi nghiện ma túy. Sau khi đăng tải, Tòa soạn đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ từ độc giả. Đặc biệt, các quan chức địa phương đã dốc toàn bộ lực lượng cảnh sát để tìm kiếm cậu bé. Tuy nhiên, đã không thu được bất kỳ kết quả nào và các cơ quan chức năng đã cáo buộc rằng, đây là câu chuyện hoàn toàn bịa đặt.

Bất chấp những lời cáo buộc này, bài báo vẫn đoạt giải Pulitzer vào năm 1981. Tuy nhiên, hai ngày sau khi nhận giải, Washington Post đã trả lại giải thưởng và gửi lời xin lỗi tới công chúng, đồng thời tuyên bố rằng, bài báo này là nạn nhân của một trò lừa bịp. Nữ nhà báo Cooke cũng thừa nhận, cô đã bịa đặt câu chuyện này và xin từ chức...

Có thể nói, những vụ việc trên đây sẽ là những bài học sâu sắc cho những người đang và sẽ theo nghiệp báo chí, bởi đưa thông tin sai sự thật không chỉ làm mất uy tín của phóng viên, nhà báo mà còn khiến độc giả mất niềm tin vào cơ quan báo chí, thậm chí với cả một hệ thống báo chí của một đất nước.


  • 22/07/2016 11:21
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 5695