Những kỷ niệm sống mãi với thời gian...

62 năm xây dựng và trưởng thành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Có được thành quả ngày hôm nay là cả quá trình phấn đấu, vươn lên với không ít gian nan, thử thách, in đậm trong kí ức của những cán bộ lão thành ngành Điện.

Ông Vũ Hiền - Nguyên Thứ trưởng Bộ Điện lực: 

Không thể quên những tháng ngày vừa sản xuất vừa chiến đấu

Chính thức gắn bó với ngành Điện từ năm 1954 và trải qua rất nhiều vị trí công tác, tôi đã đồng hành cùng nhiều giai đoạn thăng trầm của ngành Điện. Có lẽ, ấn tượng sâu sắc nhất là những tháng ngày gian khổ, nhưng kiên cường, anh dũng của CBCNV ngành Điện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Đó là những ngày khi miền Bắc mới được giải phóng, nam, nữ, công nhân các nhà máy điện Hà Nội, Hải Phòng, Hồng Gai… đã đấu tranh quyết liệt đòi chủ Pháp phải duy trì sản xuất; chống kẻ địch tháo gỡ thiết bị, di chuyển máy móc, tiêu hủy tài liệu kỹ thuật, hoặc làm cạn kiệt than, dầu… Đó là những cuộc bao vây nhà máy, giám sát liên tục 24/24 giờ của hàng trăm công nhân Nhà máy điện Cửa Cấm, Nhà máy điện Yên Phụ,… trước khi Quân đội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào tiếp quản. 

Khi xảy ra cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ, các nhà máy điện trở thành một trong những mục tiêu trọng điểm bắn phá của địch. Vượt qua bom đạn, CBCNV ngành Điện đã anh dũng vừa chiến đấu vừa duy trì sản xuất, giữ vững dòng điện. Điển hình, Nhà máy Thủy điện Thác Bà, sau khi bị oanh tạc, đài Mỹ huyênh hoang tuyên bố chiến tích của không lực Hoa Kỳ đã đánh phá, hủy diệt nhà máy thủy điện lớn nhất miền Bắc và muốn sữa chữa được, ít nhất phải mất thời gian 2 năm. Tuy nhiên, CBCN Nhà máy với ý chí thép, làm việc không quản ngày đêm đã khôi phục thành công tổ máy số 2 chỉ sau 2 tháng. Và sau 4 tháng, khôi phục thành công tổ máy số 1. Lúc đó, chứng kiến những giọt nước mắt vui mừng, hãnh diện của những người công nhân điện lao động miệt mài, thầm lặng, tôi thực sự xúc động.

Đáng khen ngợi hơn, nhiều CBCNV các cơ sở điện lực sau giờ lao động sản xuất lại tham gia đội tự vệ trực chiến, bảo vệ nhà máy. Nổi bật là lực lượng tự vệ Nhà máy điện Yên Phụ đã phối hợp với lực lượng phòng không không quân chính quy bắn rơi 2 máy bay phản lực A4 của Mỹ vào năm 1967 và 1972.

Cũng trong thời kỳ này, ngành Điện đã có sáng kiến xây dựng nhiều trạm diezen lẻ ở các thành phố, đô thị làm dự phòng, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, khi các nhà máy điện lớn bị đánh phá, hoặc phải chữa sửa chữa, chưa phục hồi kịp…

Vượt qua mưa bom, bão đạn của chiến tranh, CBCNV ngành Điện đã góp phần quan trọng, cùng nhân dân cả nước đánh tan âm mưu xâm lược của Đế quốc Mỹ. Đến nay, trải qua nhiều gian đoạn gian khó, ngành Điện đã phát triển mạnh về quy mô, số lượng và chất lượng, từng bước vươn lên tầm khu vực. Nhưng những tháng ngày chiến đấu, bảo vệ dòng điện trong chiến tranh sẽ mãi mãi là niềm tự hào của CBCNV ngành Điện.  

Ông Trương Bảo Ngọc - Nguyên Phó Tổng giám đốc EVN: 

Vượt núi, băng rừng thực hiện Dự án đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 

Đầu những năm 90 thế kỷ XX, miền Nam thiếu điện trầm trọng. Trong khi đó, theo tính toán, khi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hoàn thành (năm 1994) miền Bắc sẽ thừa điện. Hai luồng ý kiến được đưa ra: Hoặc bán điện cho Trung Quốc hoặc bằng mọi cách phải đưa điện vào miền Nam. Sau nhiều hội thảo, hội nghị, phương án thứ hai được lựa chọn với yêu cầu: Bằng mọi giá, trong vòng 2 năm phải xây dựng xong đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam. 

Những ngày tháng xây dựng đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam mạch 1 là thời kỳ đầy gian nan, thử thách. Đó là phải nỗ lực hoàn thành khối lượng khảo sát khổng lồ với khoảng 2.000 km khảo sát đo vẽ địa hình; 5.200 m khoan thăm dò ở các vị trí có nguy cơ sạt lở; thí nghiệm khoảng 15.000 mẫu đất đá... Hồi đó, chưa có công nghệ và thiết bị hiện đại, để khảo sát toàn tuyến, cán bộ, công nhân phải gùi đồ nghề, lương thực đi xe đạp, đi bộ băng đèo, vượt núi, xuyên rừng từ Bắc vào Nam. Ngày tiến hành khảo sát, ghi lại các số liệu về địa chất, thủy văn… đêm về thiết kế tại lán, trại tạm bợ... Gian nan, vất vả vô cùng. 

Năm 1992, đường dây 500 kV Bắc - Nam chính thức được khởi công tại 4 điểm Hòa Bình, Đà Nẵng, Pleiku và Phú Lâm (TP.HCM). Sau đó, công trình được triển khai trên toàn tuyến liên tục cả ngày lẫn đêm, không ngừng nghỉ, trong môi trường khắc nghiệt, thiếu thốn đủ đường...

Sau 2 năm miệt mài lao động với biết bao mồ hôi, thậm chí là cả máu và nước mắt đã đổ xuống, công trình đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 đã chính thức hoàn thành, nghiệm thu và đóng điện. Với chiều dài gần 1500 km, hệ thống điện Bắc – Nam chính thức được nối liền. Đến nay, đã hơn 22 năm trôi qua, đường dây 500 kV mạch 1 vẫn vận hành an toàn, tin cậy... 

Ông Bùi Văn Lưu - Nguyên Giám đốc Công ty Điện lực 2: 

Căng thẳng cung ứng điện cho miền Nam sau ngày Sài Gòn giải phóng

Khó có thể nói được hết những gian nan, thử thách của ngành Điện miền Nam thời kì đầu sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tổng công suất đặt của miền Nam lúc đó chỉ có vẻn vẹn 800 MW, do các nhà máy máy: Thủy điện Đa Nhim, Điện Thủ Đức, Điện Chợ Quán, Nhiệt điện Trà Nóc, các cụm diezel cung cấp... Chưa kể, các nhà máy điện đều hoạt động trong tình trạng thiếu dầu, thiết bị hư hỏng không có phụ tùng thay thế...

Thiếu điện trầm trọng nên nhiệm vụ đặt ra cho ngành Điện miền Nam rất nặng nề. Lãnh đạo các địa phương luôn đề nghị Nhà nước đưa điện về phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội.

Hằng ngày, Công ty Điện lực 2 vừa phải nỗ lực vận hành và khắc phục các sự cố của các nhà máy điện; vừa phải lên phương án phân bổ công suất, sản lượng cho từng địa phương, lên lịch cắt điện luân phiên,... Song vẫn không thể giải quyết tình trạng thiếu điện triền miền. 

Phải đến năm 1988, khi Nhà máy Thủy điện Trị An hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia, tình trạng thiếu điện ở miền Nam mới bớt căng thẳng. Có thêm nguồn, ngành Điện miền Nam lại khắc phục khó khăn phát sinh, thực hiện công cuộc điện khí hóa nông thôn, với sự khởi đầu là Dự án cấp điện cho xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi, TPHCM) vào năm 1988. 

Đặc biệt, đến năm 1994 khi đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 đi vào hoạt động, cơn “khát điện” của miền Nam mới dần được đáp ứng. Từ đó đến nay, với những nỗ lực bền bỉ, chắt chiu từng đồng vốn, Công ty Điện lực 2 và nay là Tổng công ty Điện lực miền Nam đã từng bước hiện thực hóa ước mơ của các hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo là được sử dụng điện lưới quốc gia.... 


  • 14/03/2017 04:09
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1196