Khi người thợ điện cầm bút

Với tôi viết báo không phải là nghề chính nhưng đã gắn liền bao buồn vui với cái nghiệp không chuyên ấy. Rồi cái tên “nhà báo nghiệp dư” cũng được dần nhắc theo mỗi khi bài báo được đăng.

Niềm vui nhân lên khi tôi gặp và quen được những đồng nghiệp cùng sở thích viết lách, góp nhặt những câu chuyện mới biết ai đến với nghề tay trái ấy đều có cái duyên và điều quan trọng hơn đó là tình yêu công việc mình đang làm và mong muốn mọi người hiểu hơn về ngành Điện.

Là những CBCNV của ngành Điện, có lẽ chúng tôi cũng chỉ biết những nguyên tắc về khoảng cách an toàn, máy biến áp, máy cắt, dao cách ly hơn là chữ viết. Đôi lúc chỉ cười trừ khi người ngoài lắc đầu khó hiểu về công việc của Nhà đèn. Nhưng nụ cười ấy đôi khi gượng gạo bởi những suy nghĩ vô lý của nhiều người đã áp đặt cho ngành 

Ảnh minh họa.

mà không biết làm sao cho họ thông cảm. Ví như câu chuyện của anh đồng nghiệp “Hôm đó ca đêm thao tác vất vả, giao ca xong anh em rủ nhau đi ăn bát cháo. Mới vào quán, đã nghe tiếng xì xào: Thợ điện sướng thật, giờ này mới đi ăn sáng”.

Lời kể chua chát của anh, khi không làm sao giải thích cặn kẽ cho người xung quanh hiểu được. Các anh đã vất vả cả đêm trực điện giờ mới được nghỉ, chứ đâu có phải giờ đi ăn sáng.

Nó lại làm tôi chợt nhớ cậu bạn từng kéo tôi lại thắc mắc khi biết tôi làm trong nghề. Chẳng là: Con đường lớn cậu ta đi làm về, xe chạy làm hư hỏng thành nhiều ổ gà rất nguy hiểm. Nhưng đường lại tối mù, mấy cái bóng điện đường lắp mãi không chịu sáng. Mà giờ tan ca của những công nhân ở đây khi nào cũng 7h tối. Than vãn rồi quy kết lại cậu ta chỉ trách mấy ông điện lực ăn hết tiền, không chịu bật đèn nên người dân mới đi lại khổ như vậy. Rồi thì "họ ngồi ô tô có biết nỗi khổ của dân đâu”.

À, thì ra là vậy cuối cùng của cuộc than vãn cũng là để chửi mấy ông điện lực nên điện không sáng cả tháng trời. Tôi hỏi cậu bạn ấy đã đọc công văn cắt điện theo giờ vì ngân sách của chính quyền chưa. Cậu lắc đầu bảo không biết, chỉ nghĩ mất điện là tại mấy ông điện lực ở trên ăn bớt thôi.

Còn nhiều, nhiều việc mà tôi đã gặp khi có những sự hiểu nhầm và đổ oan cho ngành mình đang làm như thế. Có lẽ với đặc thù của ngành điện nên người ngoài ít hiểu cũng đúng. Họ chỉ nhìn thấy chỗ này mất điện, chỗ kia tăng giá hay chỉ một sự cố khách quan nhỏ đèn điện không sáng và cả đôi khi lương ngành điện rất “khủng”…thì lại được soi rất kỹ? Nhưng sự hy sinh của người thợ điện, mồ hôi và đôi khi cả máu của những người ngả xuống, chăm lo cho dòng điện ổn định, liên tục không mấy ai biết đến? Ừ! Ngẫm cũng có sai đâu, người dân họchỉ quan tâm đến vấn đề xung quanh trong cuộc sống. Còn gian khổ của người thợ điện, sự hy sinh thầm lặng nếu không nói, không viết ra thì ai hiểu được chứ. 

Qua đó để thấy rằng công tác truyền thông rất quan trọng. Có lẽ vậy như lời của một cán bộ từng phát biểu “Ngành điện gánh trên vai trọng trách rất to lớn. Vậy nhưng người ngành điện chỉ biết làm mà không biết chia sẻ để xã hội cảm thông, đồng thuận..” vì vậy mặc dù ngành điện lực đã làm rất nhiều việc cho dân, cho nước nhưng không nhận được sự chia sẻ của nhân dân. Thật là buồn nhưng cũng lại phải tự trách chính chúng ta nữa, làm được không nói được.

Có hôm tham dự hội nghị CBCNV do công ty tổ chức tôi đã nghe được những dòng tâm tình: Chưa hẳn những người được đào tạo bài bản về nghiệp vụ báo chí ở ngoài sau đó vào ngành Điện có được cách nhìn, cảm xúc và những bài viết sắc sảo như chính những người trong cuộc. CBCNV trong ngành với sự am hiểu về ngành nếu biết lựa chọn, bồi dưỡng công với sự đam mê, chịu khó học hỏi thì dễ trở thành nòng cốt trong công tác truyền thông. Đó cũng là đặc thù của ngành Điện.

Có lẽ vậy, đó là điều đã thôi thúc những cây bút không chuyên từ anh em công nhân chúng tôi “làm gan” viết lên những bài viết, những nỗi niềm trăn trở của mình để mong đóng góp một sức nhỏ cho công tác truyền thông và với ước mong lớn nhất là mọi người sẽ hiểu và thông cảm hơn với công việc mình đang làm.

Với sự quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện của lãnh đạo và Công đoàn Điện lực, Tạp chí Điện lực, ước mơ le lói của những cây bút không chuyên đã dần thành hiện thực. Những bài viết đậm chất kỹ thuật đã được sữa chữa thành bài bản. Từ những bài viết ngô nghê, những nét chữ còn nghệch ngoạc, sai chính tả được các BBT cẩn thận sửa lỗi nhiệt tình để đến với bạn đọc. Tôi hiểu, để có được thành công của những cây bút không chuyên như tôi là cả sự vất vả, cần mẫn của anh chị em trong Ban biên tập.

Ngày 21/6, ngày của những người làm báo, tôi muốn gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến các anh chị Ban biên tập đã giúp đỡ những cây bút không chuyên như chúng tôi đưa được tiếng nói của mình vào bạn đọc; góp phần vào sự cảm thông đồng tình và ủng hộ của dư luận hơn.


  • 16/06/2017 03:08
  • Bài: Hoàng Hồng Nhung
  • 2176