Cô Tâm Ðiện lực

Tại thị trấn KrôngKlang, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị), nhắc đến Đỗ Thị Tâm – Nhân viên thu ngân của Điện lực Đakrông (Công ty Điện lực Quảng Trị) hầu như ai cũng biết. “Cô Tâm Điện lực” là một nữ thu ngân viên nhỏ nhắn, xinh xắn với nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Lặng lẽ tỏa sáng…

Thu ngân viên Đỗ Thị Tâm hướng dẫn khách hàng sử dụng điện tiết kiệm

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất nghèo thuộc xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, nhưng Đỗ Thị Tâm lại theo chồng lên làm việc tại huyện miền núi Đakrông từ những ngày đầu huyện mới thành lập.Lúc đầu, chị là Đại lý Dịch vụ viễn thông Điện lực. Đến năm 2012 chị trở thành thu ngân viên chính thức của Điện lực Đakrông.

Công việc của chị là thu tiền điện của hơn 1.200 khách hàng sử dụng điện trên địa bàn thị trấn Krông Klang. Mới nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng để hoàn thành tốt nhiệm vụ lại vô cùng khó khăn. Chỉ tính riêng thị trấn Krông Klang là thị trấn của huyện miền núi Đakrông đã là một thử thách lớn đối với một người phụ nữ mảnh mai từ miền xuôi lên lập nghiệp. Hệ thống lưới điện ở đây phần lớn đi qua các vùng rừng núi, đường sá khó khăn, dân cư đã ít, lại phân bố không tập trung. Ban ngày bà con lên rẫy làm nương, chị phải thu ngân vào tầm chiều, nhiều hôm đến tối khuya mới trở về nhà. Có buổi, chị vượt hàng chục km đường đồi, núi, tới nơi bà con không có nhà hoặc chưa có tiền nộp, phải đi lại đến mấy lần!

Hơn nữa, khách hàng ở đây chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, đời sống còn nhiều khó khăn, khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông rất hạn chế, mà đặc thù công việc của một thu ngân viên không chỉ là thu tiền đạt chỉ tiêu mà còn đảm nhiệm vai trò là một “đầu mối giao tiếp khách hàng”, phải giải thích, hướng dẫn cho khách hàng khi có thắc mắc liên quan đến mua bán điện.

Nói về công việc của mình, chị Tâm chia sẻ: “Phần đông khách hàng là người dân tộc, đi làm từ sáng đến tối mịt mới về. Muốn gặp được họ, mình phải sắp xếp thời gian hợp lý. Giờ hành chính thì đi thu ở những đơn vị cơ quan, trường học và những tiểu thương nhỏ, lẻ; chờ lúc bà con đi làm nương rẫy về mình mới đến thu”.

Không quản mùa hè nắng như đổ lửa, mùa đông giá rét cắt da, cắt thịt, chị vẫn ngược xuôi đến từng gia đình thu tiền điện. Với lòng nhiệt tình, khả năng tư duy nhạy bén, năng động, sáng tạo, cùng với nỗ lực không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sau hơn 3 năm gắn bó với nghề, năm nào chị cũng đứng trong hàng ngũ  những người thu ngân giỏi nhất của Điện lực Đakrông với tỉ lệ thu luôn đạt trên 99,5%. Sự chân tình, cởi mở của chị đã tạo được niềm tin và nhận được những tình cảm quý mến từ phía khách hàng. Điều này đã mang lại cho chị niềm vui lớn trong nghề. Ở đây, bà con dân bản tin yêu và tiếp đón chị như một vị khách quý của gia đình mỗi khi chị đến.

Xây dựng hậu phương vững chắc

Vất vả là thế, khó khăn là thế, nhưng chị Tâm may mắn có một hậu phương vững chắc. Chồng chị công tác cùng cơ quan nên rất hiểu nỗi vất vả của vợ. Anh luôn biết chia sẻ việc nhà cùng vợ. Tuy nhiên, không vì thế mà vai trò của chị lại bị xem nhẹ. Chị luôn ý thức và làm tốt vai trò của một người vợ đảm đang, người mẹ mẫu mực và người dâu hiếu thảo. Mọi việc trong nhà được chị lo lắng tươm tất, chu toàn, kể cả việc nuôi con khỏe, dạy con ngoan.

Kết quả, hai đứa con trai của chị đã không phụ lòng bố mẹ. Với mong muốn được nối tiếp truyền thống gia đình, con trai lớn của chị đã thi đỗ vào khoa Điện – Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng với số điểm khá cao; còn con trai thứ hai đang học lớp 10 THPT, nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, được bạn bè, thầy cô quý mến. Gia đình chị là tấm gương sáng trên địa bàn. Nhiều năm liền gia đình chị được công nhận là “Gia đình văn hóa” do UBND Thị trấn Krông Klang trao tặng.

Hơn ba năm gắn bó với nghề thu ngân, với biết bao trải nghiệm vui buồn, chị Tâm luôn biết vươn lên, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Cũng có những lúc quá vất vả, mệt nhọc, chị đã ước ao “được một lần ngồi làm sổ sách hay hành chính văn phòng”. Nhưng ước là vậy thôi, rồi cuộc sống và công việc cứ cuốn đi, đến lúc giật mình tự hỏi: “Không hiểu mình đã yêu nghề tự lúc nào?”.

Âm thầm lao động và cống hiến, thu ngân viên Đỗ Thị Tâm thật xứng đáng với danh hiệu người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Danh hiệu đó có được chính là nhờ sự nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi của chị Tâm, được ghi nhận bởi lòng tin yêu của bà con dân bản, sự quý mến, ngưỡng mộ của đồng nghiệp, đặc biệt là từ chính hạnh phúc của gia đình dành cho chị.

Bà Hồ Thị Ta Bưn, Khóm Khe Xong, Thị trấn Krông Klang, Huyện Ðakrông, tỉnh Quảng Trị: “Cô Tâm Ðiện lực là một người phụ nữ hòa nhã và vui tính. Nhiều lúc gia đình tôi gặp khó khăn, chưa có tiền để trả tiền điện, cô Tâm vẫn tươi cười, không nói nặng lời mà chỉ nhắc nhở, hẹn lại ngày đến thu để gia đình có thêm thời gian thu xếp. Cô còn bày cho tôi cách sử dụng điện tiết kiệm, cách chăm con khéo. Tôi và tất cả bà con ở đây đều rất quý cô Tâm”.

Ông Hồ Văn Ưn, Khóm Khe Xong, Thị trấn Krông Klang, Huyện Ðakrông, tỉnh Quảng Trị: “Cô Tâm cần cù, chịu thương, chịu khó lắm, lại rất dịu dàng, linh hoạt trong mọi tình huống. Chính vì vậy, với bà con chúng tôi, cô vừa là một  thu ngân viên, đồng thời cũng là tuyên truyền viên giỏi ngành Ðiện”.

 


  • 23/04/2016 04:58
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1533