Cách nói lời từ chối

Không ít những người dù đang ôm đồm khá nhiều công việc nhưng vẫn cảm thấy áy náy khi người khác đề nghị giúp đỡ. Lý do là vì họ sợ việc từ chối sẽ làm xấu đi hình ảnh của một nhân viên siêng năng, nhiệt tình. Thực tế, việc đưa ra lời từ chối phù hợp sẽ giúp bạn nâng tầm ảnh hưởng và xây dựng được hình ảnh chuyên nghiệp trong mắt đồng nghiệp.

Áp dụng những cách dưới đây có thể giúp bạn nói lời từ chối đối với những việc bạn không mong muốn mà không gây ảnh hưởng đến hình ảnh của bạn.

Mạnh dạn nói lời từ chối

Khi cấp trên giao việc, rất nhiều người thấy khó khăn khi nói lời từ chối. Thực tế thì việc nêu lên quan điểm cá nhân về công việc được giao và từ chối khi thấy công việc không phù hợp sẽ giúp bạn tạo ấn tượng ngược lại. Bạn phải thể hiện được bạn là người có tầm nhìn và chính kiến cá nhân chứ không phải nhận việc ngay cả khi thấy không phù hợp.

Loại bỏ cảm giác có lỗi

Đừng cảm thấy có lỗi khi từ chối bởi vì nếu bạn nhận lời giúp đỡ nhưng bản thân lại không đủ thời gian, khả năng, nguồn lực để đảm bảo hoàn thành trách nhiệm một cách hiệu quả thì lại ảnh hưởng trực tiếp đến người cần đến sự trợ giúp của bạn.

Thay đổi cách nghĩ

Từ chối không đồng nghĩa với việc bạn không hết lòng vì công việc. Hãy nghĩ rằng, từ chối những việc ngoài khả năng và không liên quan đến bạn là cách bạn tiết kiệm thời gian để tập trung vào những việc quan trọng.

Hãy thẳng thắn

Hãy thật thẳng thắn và giải thích rõ ràng lý do bạn cảm thấy không thích hợp để nhận lời giúp đỡ, đối phương sẽ tôn trọng và hiểu được vấn đề.

Lựa chọn cách nói lời từ chối

Đừng nói “Tôi không có khả năng làm việc này” mà hãy nói “Tôi sẽ không làm việc này” bởi nó mang lại hiệu ứng tốt hơn, thể hiện rõ sự lựa chọn của bạn khiến đối tác tôn trọng quyết định của bạn. 

Quyết định nhận lời giúp đỡ

Chỉ chấp nhận lời đề nghị giúp đỡ nếu bạn cảm thấy mình thực sự hào hứng. Chuyên gia tư vấn nghề nghiệp - Lindsay Olson cho biết: “Trước khi đồng ý bắt tay thực hiện việc gì, hãy cân nhắc liệu bạn có thật sự muốn làm hay cảm thấy lời đề nghị đó như một gánh nặng bắt buộc phải thực hiện”.


  • 18/04/2016 10:44
  • Nguồn bài: Người lao động
  • 1259