Bí quyết để tổ chức các hoạt động vì cộng đồng hiệu quả

Doanh nghiệp thực hiện tốt các chương trình vì cộng đồng sẽ chiếm được nhiều cảm tình từ phía khách hàng, đối tác và tạo nên sự trung thành, tận tụy của nhân viên. Vậy làm thế nào để có thể tạo ra được những chương trình hoặc chiến dịch hoạt động vì cộng đồng có nhiều hiệu quả và ý nghĩa?

1. Lựa chọn hợp lý mục tiêu 

Chương trình, chiến dịch vì cộng đồng phải phù hợp với tầm nhìn và mục tiêu của doanh nghiệp (DN), đồng thời có sự kết nối với những đặc thù của thương hiệu. Khi thực hiện các hoạt động cũng nên tích hợp hình ảnh của thương hiệu. 

Mục tiêu chiến dịch hợp lý, mang tính bền vững sẽ giúp cho chiến dịch có tác động tích cực đến xã hội và nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ phía cộng đồng, khách hàng. Ví dụ, một công ty sản xuất ô tô có thể chọn chương trình, chiến dịch hướng đến bảo vệ môi trường, tập trung vào giảm ô nhiễm, làm sạch không khí...

2. Kết nối với khách hàng

Hiện nay, nhiều khách hàng có quan điểm ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có các chương trình hoạt động vì lợi ích xã hội. Khi khách hàng mua hay sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp họ sẽ hài lòng hơn khi doanh nghiệp tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng và nhờ đó chính khách hàng cũng là người có đóng góp một phần trong đó.

Các hoạt động xã hội gửi hình ảnh đẹp của doanh nghiệp đến với khách hàng, từ đó góp phần nâng cao vị thế của DN đồng thời thúc đẩy khách hàng cân nhắc việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ, củng cố sự trung thành của khách hàng đối với thương hiệu.

Mặt khác, DN cũng có thể thu hút khách hàng tham gia tích cực vào các hoạt động vì cộng đồng của mình, thông qua lời kêu gọi thực hiện trách nhiệm xã hội của từng khách hàng.

3. Khuyến khích nhân viên tích cực tham gia 

Cần khuyến khích và thúc đẩy sự tích cực tham gia cũng như góp ý từ phía nhân viên cho các hoạt động mang lại lợi ích xã hội. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mối liên kết của nhân viên đối với DN sẽ thêm bền chặt khi họ có hứng khởi đóng góp công sức vào những hoạt động hỗ trợ cộng đồng của DN.  

Nhân viên cũng có thể trở thành một trong những đại sứ thiện chí của DN. Họ có thể đưa ra những ý tưởng tuyệt vời về các cách cải tiến, đổi mới chương trình trách nhiệm xã hội. Đồng thời họ sẽ càng hạnh phúc hơn khi được tự mình làm việc đó.

Khuyến khích nhân viên tham gia hoạt động vì cộng đồng có ảnh hưởng tích cực đến văn hóa DN, nâng cao độ gắn kết và kỹ năng xử lý tình huống cho nhân viên. Các thế hệ nhân viên trẻ hiện nay ngày càng quan tâm đến trách nhiệm xã hội cũng như các chương trình tình nguyện của DN. Họ đặc biệt trung thành và nhiệt huyết với các DN có các chương trình tình nguyện ý nghĩa; cảm thấy tự hào, gắn bó hơn với DN. 

Khoa học chỉ ra rằng, khi tham gia các hoạt động tình nguyện, cơ thể sẽ giải phóng một lượng oxytocin (hormone giúp cải thiện tâm trạng) và đồng thời còn giảm tác động của cortisol (hormone gây ra căng thẳng và buồn bã). Khi đó, con người sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Nguồn năng lượng tích cực này sẽ được truyền vào công việc hằng ngày và góp phần nâng cao hiệu suất làm việc.

4. Quảng bá chiến dịch qua mạng xã hội

Để nhân rộng tầm ảnh hưởng của chương trình, chiến dịch vì cộng đồng cần tận dụng năng lực của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội.

Các nền tảng truyền thông xã hội cho phép các DN có phạm vi tiếp cận rộng hơn và đây cũng là cách làm hiệu quả, giới thiệu những nỗ lực vì cộng đồng của DN. 

Bên cạnh đó, các Đại sứ của chiến dịch cũng có thể giúp DN khuếch trương tầm ảnh hưởng đến nhiều người bằng cách chia sẻ nội dung trên trang mạng xã hội.

5. Khiêm tốn khi nói về những hoạt động vì cộng đồng

Hoạt động vì cộng đồng - CSR được hiểu là trách nhiệm của DN với môi trường tự nhiên, với Nhà nước và với xã hội khi tiến hành hoạt động sản xuất - kinh doanh. Các DN thực hiện CSR là các DN có trách nhiệm và có văn hóa kinh doanh cao. Tuy nhiên, vẫn có một ranh giới mong manh giữa việc khiêm tốn nói về những gì DN làm được cho cộng đồng và tự hào “tuyên bố” rằng, DN hào phóng và nhân đạo như thế nào! Khách hàng có xu hướng thất vọng khi thấy một doanh nghiệp ca ngợi những thành tựu của mình quá nhiều. 

Hoạt động vì cộng đồng của DN không chỉ mang lại giá trị vật chất và tinh thần cho người được nhận thành quả mà còn tạo cho DN có văn hóa đẹp, kết nối những nhân viên trong DN lại với nhau. Đây cũng là cách DN xây dựng thương hiệu trong mắt khách hàng và cả xã hội. 


  • 11/04/2021 10:17
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 2076