Những biện pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm của nông dân Cao Chính Thức

Nông dân Cao Chính Thức, ngụ ấp Cái Cối, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh là một trong những nông dân nuôi tôm theo hình thức thâm canh mật độ cao với 03 ao nuôi tổng diện tích 4.000m2. Ông đã áp dụng nhiều phương pháp tiết kiệm điện (TKĐ) hiệu quả nhằm giảm chi phí sản xuất kinh doanh (SXKD), góp phần tăng lợi nhuận.

Ông Cao Chính Thức chuẩn bị ao nuôi theo hình thức thâm canh mật độ cao.

Ông Thức quy hoạch 02/03 ao nuôi (1.200m2/ao) để lắp bạt, hệ thống quạt và 01 ao lắng (1.600m2). Trước đó ông đã nuôi tôm, nhưng với hình thức công nghiệp.

Qua nhiều vụ nuôi, ông đã đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời tích lũy vốn, đến cuối năm 2019 thực hiện đầu tư nuôi theo hình thức thâm canh mật độ cao. Với 02 ao nuôi, ông Cao Chính Thức lắp đặt mỗi ao 03 dàn quạt chính, 04 dàn quạt phụ, tổng công suất gần 10CV (mã lực)/ao.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, cùng với học tập từ các nông dân khác đã thành công tại địa phương, ông Cao Chính Thức đã áp dụng đồng bộ các phương pháp TKĐ: sử dụng đèn chiếu sáng TKĐ ở tất cả các lối đi trong khu vực nuôi, từ nhà đến các ao nuôi (gần 10 bóng); lắp đặt đèn Led xung quanh ao nuôi với khoảng cách phù hợp, thường xuyên kiểm tra che chắn đèn nhằm ngăn nước tiếp xúc với đèn gây hư hỏng (gần 20 bóng).

Đối với hệ thống quạt, sử dụng hộp giảm tốc có số để điều chỉnh tốc độ quay theo nhu cầu, phù hợp với độ tuổi của tôm, mật độ nuôi hoặc hạn chế trong giờ cao điểm; áp dụng mô hình cải tiến, sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U (khả năng TKĐ hơn 15%).

Trước đây, ông Thức sử dụng gối đỡ chữ U đỡ trục quay quạt làm tăng ma sát ở các vị trí đỡ, động cơ chạy nặng hơn, tốn nhiều điện hơn. Khi sử dụng gối đỡ con lăn đỡ trục dàn quạt o-xy trơn, làm giảm ma sát khi dàn quạt quay, góp phần tiết kiệm điện năng tiêu thụ của động cơ…

“Khi đặt động cơ điện trên bờ truyền lực quay xuống dàn quạt nuôi tôm phải sử dụng tấm bố (cạt-đăng) để lắp đặt tại vị trí góc (khủy), do trục động cơ và trục quạt quay không đồng trục nên tại các vị trí góc phát sinh lực cản làm động cơ chạy nặng hơn, tốc độ quay không đều, tiêu tốn nhiều điện năng. Hạ thấp trục động cơ để trục dàn quạt đồng trục với trục động cơ sẽ làm giảm lực cản khi vận hành, góp phần TKĐ năng sử dụng”, ông Cao Chính Thức chia sẻ.

Ngoài các biện pháp trên, đối với bơm nước dự phòng ở ao lắng để thay, bổ sung nước cho 02 ao nuôi, do chủ động hoàn toàn thời gian, nên cần thực hiện bơm tránh giờ cao điểm, nhằm giảm chi phí tiền điện.

"Hiện chi phí tiền điện của gia đình tôi đã giảm xuống mức 60-62 triệu đồng/vụ nuôi/03 tháng. Nếu không áp dụng đồng bộ các phương pháp TKĐ như đã nêu trên, chi phí tiền điện có thể sẽ tăng thêm từ 10-15 triệu đồng/vụ nuôi/03 tháng"- Ông Cao Chính Thức cho biết.


  • 12/10/2021 04:47
  • Trường Nguyên
  • 1082