Nhật Bản đặt mục tiêu 50% năng lượng tái tạo vào năm 2050

Chính phủ Nhật Bản mới đây vừa công bố kế hoạch "tham vọng" nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2050, với việc sẽ tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện lên ít nhất 50% tổng nguồn cung điện.

Nhật Bản đặt ra kế hoạch đầy "tham vọng" với năng lượng tái tạo. Nguồn ảnh: bloomberg.com.

Theo đó, kế hoạch trên bao gồm các giải pháp trong 14 lĩnh vực chính, bao gồm điện mặt trời, hidro và gió ngoài khơi, với việc kêu gọi mức phát thải ròng trung bình bằng 0 từ các công trình xây dựng toà nhà và nhà ở vào năm 2030, đồng thời chấm dứt tất cả việc bán xe chỉ chạy bằng nhiên liệu hóa thạch trong thời gian tới.

Chính phủ Nhật Bản nhận thấy vai trò lớn hơn của năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của Nhật Bản. Theo Thủ tướng Nhật Bản - ông Yoshihide Suga, Chính phủ Nhật Bản ước tính, mỗi năm "chiến lược tăng trưởng xanh" sẽ tạo ra 190 nghìn tỉ Yên (tức khoảng 1,83 nghìn tỷ USD) hiệu quả kinh tế.

Sự chuyển dịch ​​từ nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện trong nền kinh tế Nhật Bản dự kiến ​​sẽ làm tăng nhu cầu điện từ 30% đến 50%. Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản dự kiến ​​sẽ nâng công suất gió ngoài khơi của Nhật Bản lên tới 45GW vào năm 2040, vượt qua Đức - quốc gia dẫn đầu về năng lượng tái tạo.

Lộ trình cũng đặt ra mục tiêu tiêu thụ khoảng 20 triệu tấn hidro vào năm 2050. Theo các chuyên gia, việc giảm giá thành của hidro (hiện đắt gấp vài lần khí tự nhiên) sẽ là "chìa khóa" giúp tăng nguồn điện từ năng lượng tái tạo.

Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Nhật Bản đang bắt kịp các nền kinh tế lớn của châu Âu như Đức, Anh và Tây Ban Nha. Đây đều là những quốc gia có cơ cấu năng lượng từ năng lượng tái tạo cao trên thế giới, với mức trung bình đạt 40%.


  • 18/01/2021 05:32
  • Ngọc Duy (theo asia.nikkei.com)
  • 1126