Cuộc chạy đua điện gió ngoài khơi của các "cường quốc" năng lượng tái tạo

Thời gian qua, liên tục các dự án điện gió ngoài khơi được các công ty năng lượng hàng đầu thế giới triển khai làm dấy lên cuộc chạy đua thú vị đối với nguồn năng lượng sạch này.

Các quốc gia trên thế giới đang "chạy đua" phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Nguồn ảnh: cnbc.com.

Tập đoàn Năng lượng SSE (SSE Renewables) của Anh vừa hợp tác với Equinor - đối tác đến từ Na Uy ký kết thỏa thuận tài trợ cho dự án trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới Dogger Bank, nằm ở biển Bắc ngoài khơi phía Đông Bắc nước Anh với tổng trị giá 8 tỷ USD. Trang trại sẽ có tổng công suất 3,6 GW. Hai giai đoạn đầu của trang trại điện gió sẽ được xây dựng đồng thời, mỗi giai đoạn có công suất 1,2 GW.

Được biết, SSE Renewables sẽ chịu trách nhiệm về giai đoạn xây dựng và Equinor sẽ phụ trách hoạt động. Tổng cộng 3 giai đoạn được lên kế hoạch từ nay đến năm 2026, khi hoàn thành sẽ tạo ra trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, sẽ cung cấp điện cho 4,5 triệu ngôi nhà ở Anh mỗi năm.

Tại Hoa Kỳ, công ty Vineyard Wind cũng vừa công bố kế hoạch xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại nước này với những tuabin cao tới 260 m. Trang trại bao gồm hơn 60 tuabin gió khổng lồ sẽ được lắp đặt cách bờ biển Martha's Vineyard (bang Massachusetts) khoảng 24 km. Khi hoạt động hết công suất, trang trại Vineyard Wind với tổng cộng 62 tuabin có thể tạo ra 312 MWh điện/ngày.

Dự kiến, khi trang trại chính thức vận hành vào năm 2023, cơ sở sẽ tạo ra đủ năng lượng để cung cấp cho 400.000 hộ gia đình ở vùng New England.

Dự án trại điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên ở Mỹ của Vineyard Wind còn được kỳ vọng sẽ giúp cắt giảm hơn 1,6 triệu tấn khí thải carbon mỗi năm, qua đó góp phần đáng kể vào mục tiêu chống biến đổi khí hậu của Khối Thịnh vượng chung. Vineyard Wind cho biết việc xây dựng trang trại sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2021 với vốn đầu tư lên tới 3 tỷ USD.

Không nằm ngoài xu thế phát triển điện gió ngoài khơi, tại bên kia bán cầu, Trung Quốc cũng đã phát triển tuabin gió ngoài khơi lớn nhất châu Á tại thành phố Trùng Khánh, phía tây nam nước này.

Thiết bị có tên mã là H210-10MW, do công ty năng lượng HZ Windpower thuộc Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc phát triển, với các turbine gió có đường kính cánh quạt lớn hơn 200 m. H210-10MW có công suất thiết kế 10 MW. Khi đi vào hoạt động, mỗi turbine ước tính tạo ra sản lượng điện lên tới 40 triệu kWh mỗi năm, cao gấp đôi các mẫu turbine gió hiện nay. Dự kiến, tuabin này sẽ được lắp đặt tại các trang trại điện gió ven biển ở tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông. 

Trung Quốc hiện là quốc gia đứng đầu thế giới trong việc phát triển điện gió. Năm ngoái, các trang trại điện gió trên cạn và ngoài khơi của nước này cho sản lượng điện lần lượt chiếm 44% và 37% thị trường toàn cầu.

Theo các chuyên gia năng lượng, các trang trại điện gió ngoài khơi có ít nguy cơ gây nóng lên toàn cầu trên một đơn vị điện năng được tạo ra, tương tự như các trang trại gió trên đất liền; đồng thời có ưu điểm là hạn chế ảnh hưởng của tiếng ồn và cảnh quan so với các dự án trên đất liền. Chính vì vậy, các quốc gia trên thế giới đang dần chuyển dịch sang đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi, nhằm tăng cường nguồn cung điện sạch cho nhu cầu của mỗi quốc gia nói riêng và toàn cầu nói chung.


  • 15/12/2020 12:15
  • Ngọc Duy (theo cnbc.com)
  • 1849