Người dân xã Hồng Lý (Thái Bình): Nhiều giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Với sự nỗ lực tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, người dân xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã có nhiều thay đổi cả về nhận thức và hành động. Bà con không chỉ sử dụng năng lượng tiết kiệm mà còn ứng dụng nhiều giải pháp thiết thực để phát triển kinh tế và chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường.

Sử dụng điều hòa nhiệt độ một cách khoa học giúp người dân xã Hồng Lý nâng cao hiệu quả nuôi tằm và tiết kiệm chi phí từ giảm tiêu hao năng lượng điện. Ảnh: Khắc Duẩn

Từ nhiều đời nay, gia đình ông Nguyễn Duy Thu, thôn Thượng Hộ Trung sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm. Trước đây, gia đình ông Thu nuôi tằm theo phương pháp truyền thống, mỗi năm chỉ nuôi được 7 - 8 lứa do phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nhưng 2 năm trở lại đây, gia đình ông sử dụng điều hòa nhiệt độ để nuôi tằm, mỗi năm nuôi được 10 - 11 lứa. 

Ông Thu cho biết: Không chỉ tăng lứa nuôi, việc nuôi tằm trong phòng có điều hòa nhiệt độ còn giúp cho con tằm phát triển nhanh với tỷ lệ sống khỏe đạt hơn 90%, mỗi vòng trứng đạt 10 kg kén, tăng gấp gần 4 lần so với nuôi điều kiện thời tiết tự nhiên. Với giá kén hiện nay 85.000 - 90.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình có thu nhập trên 80 triệu đồng.

Không riêng gia đình ông Thu, ở xã Hồng Lý có gần 200 hộ nuôi tằm thì có tới hơn 70% số hộ sử dụng điều hòa nhiệt độ. Để tiết kiệm chi phí tiền điện, khi bật điều hòa, bà con đóng kín cửa để tránh thoát nhiệt và để ở nhiệt độ từ 25 - 28oC kết hợp với bật quạt để lưu thông không khí trong phòng. Phòng nuôi tằm được thiết kế thông thoáng nhằm tận dụng ánh sáng, nhiệt độ thích hợp ngoài trời hạn chế bật điều hòa liên tục. Thu hoạch từ kén tơ và tằm, nhộng thực phẩm, bà con nuôi tằm trong xã thu về hơn 10 tỷ đồng/năm.

Người dân xã Hồng Lý luôn có ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Toàn xã có 1.849 hộ dân thì có tới 92% số hộ chiếu sáng bằng thiết bị tiết kiệm điện; gần 30% số hộ sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời. Đặc biệt, hiện nay, nhiều người dân trong xã đã sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời để tự cung cấp điện phục vụ sinh hoạt cũng như tiết kiệm nhiều chi phí cho gia đình. 

Ông Lê Khắc Dẫn, thôn Gia Lạc cho biết: Gia đình tôi đầu tư lắp một bình nước nóng năng lượng mặt trời và hai tấm pin năng lượng mặt trời cấp điện với tổng công suất 150 W để phục vụ chiếu sáng trong gia đình. Nhờ những thiết bị này, mỗi năm gia đình tiết kiệm được 5 - 6 triệu đồng chi phí hóa đơn tiền điện.

Xã Hồng Lý được biết đến là địa phương có nghề chăn nuôi phát triển mạnh của huyện Vũ Thư. Toàn xã có hơn 200 hộ chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại thì 100% số hộ chăn nuôi sử dụng bể biogas để xử lý chất thải và cung cấp chất đốt. Việc xây dựng, lắp đặt bể biogas giúp bà con chăn nuôi hiệu quả, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và có nguồn khí đốt, giảm chi phí không nhỏ trong sản xuất, chăn nuôi, sinh hoạt gia đình. 

Hàng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương đều tổ chức tuyên truyền, vận động người dân sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, từ bỏ thói quen sử dụng năng lượng lãng phí, kém hiệu quả. Đồng thời, hướng dẫn bà con cách lựa chọn mua sắm sản phẩm phù hợp với nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, nhất là kiến thức sử dụng điều hòa nhiệt độ một cách khoa học để nuôi tằm và phục vụ cuộc sống bảo đảm an toàn, tiết kiệm. Sự thay đổi về nhận thức và hành động trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã giúp bà con giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.


  • 04/11/2019 11:26
  • Khắc Duẩn
  • 1341