Lựa chọn hệ thống điện mặt trời áp mái phù hợp để tiết kiệm chi phí

Là lời khuyên của chuyên gia năng lượng Nguyễn Vũ Nguyên, Giám đốc SolarGATES (thành viên của Tập đoàn Năng lượng mặt trời Bách Khoa - SolarBK) đối với các hộ dân khi có ý định triển khai lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái (điện mặt trời áp mái) tại nhà.

Ông Nguyễn Vũ Nguyên cho biết, hệ thống năng lượng mặt trời hoạt động bằng cách khai thác năng lượng từ ánh sáng mặt trời và biến chúng thành điện năng. Trong điện mặt trời, những hạt ánh sáng, gọi là photon, được các bảng thu năng lượng mặt trời chuyển thành các electron hoặc dòng diện một chiều (direct current, DC). Sau đó các electron được chuyển qua một bộ phận chuyển dòng diện một chiều thành dòng diện xoay chiều (alternating current, AC) - là loại dòng điện sử dụng tại các ổ cắm trong nhà bạn.

Việc lựa chọn hệ thống điện mặt trời áp mái phù hợp giúp tiết kiệm được chi phí, thời gian và tiết giảm chi phí điện tối đa cho các hộ gia đình - Ảnh: Ng.Tuấn.

Theo ông Nguyễn Vũ Nguyên, việc lựa chọn hệ thống điện mặt trời áp mái phù hợp không những tiết kiệm được chi phí, thời gian đầu tư mà còn giúp hệ thống hoạt động tối ưu, tiết giảm chi phí điện tối đa. Tỷ lệ tiết kiệm này phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng, khu vực sinh sống cũng như diện tích của mái nhà khi triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.

Ví dụ: Một hộ gia đình sinh sống tại miền Nam (nơi có cường độ bức xạ mặt trời trung bình từ 4,2 – 4,7 kWh/m²/ngày), hàng tháng hóa đơn tiền điện phải trả là 1 triệu đồng (tương đương lượng điện tiêu thụ 426 kWh) và 16m² diện tích mái nhà còn trống, có thể lắp được hệ thống điện mặt trời áp mái có công suất tối đa là 2,20 kWp.Với giải pháp này hàng tháng sẽ tiết kiệm được gần 700.000 đồng tiền điện (tương ứng 70% lượng điện tiêu thụ).

Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái ngoài tiết giảm chi phí điện tối đa cho gia đình, điểm nổi bật của hệ thống điện này là khi có lượng điện dư không sử dụng, khách hàng có thể bán lại cho ngành Điện, với mức giá trung bình là 2.068 đồng/ kWp (Theo quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Chính vì vậy, sử dụng điện mặt trời không chỉ tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường mà còn được xem là giải pháp tiết kiệm điện năng đáng đầu tư hiệu quả trong thời điểm hiện nay.

Hiện trên thị trường hệ thống điện mặt trời áp mái thường lắp ở khu vực dân cư, có 2 giải pháp cơ bản: giải pháp điện mặt trời nối lưới (nối trực tiếp vào lưới điện và có thể bán điện dư lại cho ngành Điện) và giải pháp điện mặt trời tương tác lưới (dành cho khách hàng muốn sử dụng điện ngay cả khi bị mất điện lưới quốc gia do có thêm bộ sạc ắc quy dự trữ), tùy theo nhu cầu sử dụng cũng như khả năng tài chính các hộ gia đình sẽ lựa chọn giải pháp để lắp đặt.

Để hệ thống điện mặt trời áp mái hoạt động tốt, chuyên gia năng lượng của SolarBK cũng khuyến cáo khách hàng nên thường xuyên theo dõi mọi hoạt động của hệ thống và lau chùi pin năng lượng mặt trời định kỳ để giúp pin mặt trời hấp thụ bức xạ tốt hơn, đồng thời cắt tỉa cây cao để tránh bóng che làm giảm hiệu suất hoạt động của hệ thống.

Giám đốc SolarGATES cho rằng, thị trường điện mặt trời áp mái còn khá mới ở Việt Nam, do đó khi có ý định lắp đặt sử dụng, khách hàng nên cân nhắc lựa chọn thương hiệu uy tín vì hệ thống này có tuổi thọ cao (lên đến 25 năm) và đây là sản phẩm thuộc dạng đặc thù, chưa phổ thông hóa để dễ dàng sửa chữa, thay thế linh kiện từ một bên khác như các sản phẩm điện lạnh, xe máy,…

Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) cho biết, đơn vị đang khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân phát triển các dự án sử dụng điện mặt trời.

Tính đến nay, đã có 284 khách hàng điện mặt trời lắp mái nối lưới đăng ký bán lại phần điện dư cho EVNHCMC với tổng công suất là 3.64 kWp.

Để hỗ trợ khách hàng, EVNHCMC đã chủ động triển khai kiểm tra thử nghiệm các yêu cầu kỹ thuật, lắp đặt điện kế 2 chiều, ghi chỉ số điện năng tiêu thụ và chỉ số điện mặt trời phát ngược lên lưới cho khách hàng.

 


  • 09/08/2018 04:47
  • Ngọc Tuấn
  • 19472