EVNSPC: Nhiều giải pháp tiết kiệm điện cho vùng nuôi tôm

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đang triển khai có hiệu quả các chương trình tiết kiệm điện trên địa bàn các tỉnh, thành phía Nam, trong đó những giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm đã giúp các hộ dân giảm được chi phí tiền điện và tăng thêm thu nhập.

Thống nhất trong từng giải pháp tiết kiệm điện

Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng giám đốc EVNSPC cho biết, trước nhu cầu giảm áp lực về cung cấp điện thông qua giảm sản lượng điện tiêu thụ đối với khách hàng nuôi tôm công nghiệp, đồng thời giúp khách hàng tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, EVNSPC đã triển khai Đề án thí điểm đến các hộ nuôi tôm đang sử dụng thiết bị hiệu suất thấp trong nuôi tôm công nghiệp.

Đề án được thực hiện gồm ba giai đoạn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, hầu hết các hộ nông dân chưa sử dụng phổ biến thiết bị hiệu suất cao trong sản xuất, do giá thành của động cơ điện hiệu suất cao thường hơn động cơ tiêu chuẩn từ 10 - 30%. Bên cạnh đó, chưa có chính sách hỗ trợ hợp lý về vốn đầu tư đối với các hộ nông dân còn khó khăn ban đầu trong việc trang bị hệ thống tạo ôxy cho tôm.

Các hộ nuôi tôm tỉnh, thành phía Nam đã giảm được chi phí tiền điện nhờ áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện của EVNSPC - Ảnh: Đình Hoàng.

Trong khi đó, các giải pháp tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng chưa phát huy hiệu quả cao, chưa có sự phối hợp đồng đều giữa chính quyền địa phương, điện lực huyện và các hiệp hội nuôi tôm.

Trước thực trạng đó, EVNSPC đã khảo sát thực tế các loại hình nuôi tôm công nghiệp tại Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng (các tỉnh có sản lượng nuôi tôm lớn), từ đó đưa ra các giải pháp tiết kiệm điện để hỗ trợ người nuôi tôm. Giải pháp được triển khai thí điểm tại Sóc Trăng là hỗ trợ thay thế ổ trục ma sát trượt bằng con lăn.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Việc tìm các giải pháp giúp tiết kiệm điện cho vùng nuôi tôm công nghiệp là cấp thiết. Cần đưa ra những giải pháp dễ làm, ít vốn và khả thi để thực hiện. Trong đó, các giải pháp EVNSPC và Công ty Điện lực Sóc Trăng đưa ra cơ bản chúng tôi đều thống nhất".

Theo Phó Tổng giám đốc EVNSPC, giai đoạn tiếp theo, khi hộ dân đã bắt đầu quan tâm áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm, EVNSPC sẽ thực hiện đồng thời giải pháp thay con lăn và chỉnh đồng trục dàn quạt nhằm tăng cường hiệu quả tiết kiệm điện trong nuôi tôm công nghiệp, giảm mức đầu tư về nguồn và lưới cho ngành Điện.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Ông Nguyễn Phước Đức cho rằng: Các hộ dân nuôi tôm tham gia chương trình sẽ giảm được chi phí mua điện, tăng thu nhập. Đồng thời, ngành Điện sẽ giảm áp lực về cung cấp điện, giảm vốn đầu tư lưới điện phục vụ cho nuôi tôm.

EVNSPC đã lựa chọn một số giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm để làm mô hình so sánh giữa các giải pháp, hỗ trợ người nuôi tôm tham khảo để áp dụng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng công ty, hiện chưa có sự phối hợp với các Sở, Ban ngành của tỉnh (Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ) trong việc ban hành quy định khuyến cáo sử dụng giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm khi thực hiện thỏa thuận cấp điện mới giữa khách hàng và ngành Điện.

Để mở rộng Đề án thí điểm, EVNSPC đã kiến nghị UBND các tỉnh/TP, các Sở Công Thương, ban ngành và chính quyền địa phương trong khu vực có chủ trương, định hướng về quy hoạch, thiết lập các điều kiện cần (thiết bị, công nghệ) để người dân áp dụng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành Điện trong quản lý sử dụng, quảng bá tuyên truyền các giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm.

Phó Tổng giám đốc EVNSPC cho biết thêm, thời gian tới, Tổng công ty sẽ ban hành “Cẩm nang sử điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trong nuôi tôm” để cấp phát rộng rãi cho các hộ dân nuôi tôm khu vực phía Nam; tăng cường truyền thông về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong nuôi tôm. Bên cạnh đó, triển khai mới Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu suất thiết bị điện hỗ trợ người dân tiết kiệm điện trong nuôi tôm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Giai đoạn thí điểm 2017 - 2018”, dự kiến thực hiện thí điểm tại các tỉnh: Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu.

Theo EVNSPC, tính đến hết tháng 7/2017, đã có hơn 160 hộ nuôi tôm tại Sóc Trăng đăng ký thực hiện thí điểm giải pháp thay thế ổ trục ma sát trượt bằng con lăn. Số ao nuôi và diện tích là 463 ao/205,59 ha, đã thi công lắp đặt 1.112/1.807 dàn quạt, đạt tỷ lệ 61,54%.

 


  • 15/08/2017 09:35
  • Đình Hoàng
  • 3625