“Điện mặt trời mái nhà sẽ bùng nổ trong những năm tới”

Đó là nhận định của bà Nguyễn Thùy Ngân - Giám đốc Truyền thông Công ty Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK) về xu hướng phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) và những lợi ích mà loại hình này mang lại.

Bà Nguyễn Thùy Ngân

PV: Bà đánh giá thế nào về sự phát triển của ĐMTMN trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thùy Ngân: Có thể nói, từ khi có Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (giá FIT 2), nhu cầu lắp đặt ĐMTMN đã bùng nổ trở lại, bởi tâm lý mong chờ giá của khách hàng đã được giải tỏa. Theo đó, giá mua ĐMTMN là 8,38 UScent/kWh, tương đương 1.943 đồng/kWh. Mức giá này tuy có thấp hơn so với trước đây, nhưng vẫn hấp dẫn đối với nhiều nhóm đối tượng, từ hộ gia đình đến doanh nghiệp, nhà cung cấp và các tổ chức tài chính...

Không như điện mặt trời mặt đất (ground mouted) hay điện mặt trời nổi (floating) phụ thuộc nhiều vào việc quy hoạch, quỹ đất, quy trình lắp đặt phức tạp, ĐMTMN dễ lắp đặt, dễ sử dụng. Vì vậy, tôi cho rằng, với tiềm năng bức xạ mặt trời lớn, nhận thức về sử dụng năng lượng sạch được nâng cao, sẽ có “làn sóng mới” lắp đặt ĐMTMN giống như giai đoạn trước ngày 30/6/2019.

PV: Với giá ĐMTMN quy định tại  Quyết định 13, thời gian thu hồi vốn của chủ đầu tư có thay đổi gì, thưa bà?

Bà Nguyễn Thùy Ngân: Có thể thấy, giá ĐMTMN theo Quyết định 13 có giảm nhẹ so với giai đoạn trước 30/6/2019. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cũng đã giảm so với trước đây. Chính vì vậy, thời gian hoàn vốn cơ bản vẫn dao động trong khoảng 5 năm đối với hộ gia đình và các cơ sở kinh doanh sử dụng điện theo giá sinh hoạt, thương mại. Ở một số vùng có số giờ nắng cao hơn, thời gian thu hồi vốn chỉ còn từ 3,5 đến 4 năm. Đối với cơ sở sử dụng điện theo giá sản xuất, thời gian hoàn vốn trung bình 7-8 năm. Sau thời gian thu hồi vốn, chủ đầu tư sẽ được hưởng lợi ích kinh tế trọn vẹn từ hệ thống ĐMTMN.

PV: Thưa bà, nhiều nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp ở Hà Nội và khu vực miền Bắc còn băn khoăn, do thời gian nắng ở miền Bắc ít hơn, việc đầu tư ĐMTMN sẽ mang lại hiệu quả kinh tế không cao. Bà đánh giá thế nào về nhận định này?

Bà Nguyễn Thùy Ngân: Phải nói rằng, ĐMTMN mang lại rất nhiều lợi ích cho chủ đầu tư cũng như cộng đồng. Cụ thể, tạo thêm doanh thu nếu nhu cầu sử dụng điện thấp hơn sản lượng tạo ra từ hệ thống vì bán được sản lượng điện dư thừa cho EVN; đồng thời giảm nhiệt trên mái nhà; có tác động tích cực đến môi trường, góp phần giảm lượng CO2 (cứ mỗi kWp được lắp đặt giảm được tương đương 965 kg CO2/năm….)

Ngoài ra, với hộ gia đình, ĐMTMN sẽ làm giảm việc sử dụng sản lượng điện ở bậc thang giá cao. Đối với các DN, ĐMTMN sẽ góp phần giảm sản lượng điện sử dụng vào giờ cao điểm ngày. Giá điện vào giờ cao điểm trong sản xuất cao hơn nhiều giá điện vào giờ thấp điểm và giờ bình thường. Đó là chưa kể, phần lớn thời gian hoạt động của các DN vào ban ngày, cũng là thời gian mà hệ thống ĐMTMN sản xuất điện tốt nhất. Do đó, sẽ góp phần giảm đáng kể chi phí tiền điện. Việc lắp đăt điện mặt trời còn góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của chủ đầu tư đối với cộng đồng. Đặc biệt, một số tổ chức quốc tế đang đưa tiêu chí sử dụng năng lượng sạch làm tiêu chí quan trọng hàng đầu trong việc lựa chọn đối tác.

Riêng khu vực Hà Nội và miền Bắc, dù số giờ nắng không nhiều so với miền Nam, miền Trung, nhưng ghi nhận từ các DN, hộ gia đình đã lắp đặt, sản lượng điện sản xuất từ hệ thống ĐMTMN vào mùa Đông chỉ giảm nhẹ so với mùa hè, và lợi ích mà công trình mang lại vẫn rất lớn.

PV: Bà có khuyến nghị nào dành cho các chủ đầu tư đang có ý định lắp đặt ĐMTMN?

Bà Nguyễn Thùy Ngân: Nhu cầu lắp đặt lớn đã làm cho thị trường ĐMTMN thu hút được nhiều nhà cung cấp vật tư, thiết bị tham gia. Qua đó, làm phong phú và đa dạng hơn về chất lượng, giá cả sản phẩm/giải pháp ĐMTMN. Sự phát triển này giúp nhà đầu tư có thêm nhiều sự lựa chọn, tạo nên thị trường rất sôi động và cạnh tranh.

Tuy nhiên, nhiều nhà cung cấp tham gia thị trường với chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ chưa được kiểm chứng. Do đó, các gia đình, DN, tổ chức cần tìm hiểu kỹ, lựa chọn các nhà cung cấp có uy tín để lắp đặt công trình, đảm bảo phát huy được hiệu quả và có tuổi thọ cao. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng cần có các giải pháp kiểm tra, kiểm soát soát chặt chẽ, tránh các vấn đề phát sinh về sau.

PV: Xin cảm ơn bà!


  • 02/07/2020 02:40
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 1507