Vốn trong ngành Điện và bài toán giá

PGS. TS Đàm Xuân Hiệp, Tổng thư ký Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, Việt Nam là một trong những nước có giá điện thấp nhất thế giới, do vậy, lợi nhuận ngành Điện không đủ để tích lũy hoặc tái đầu tư.

Quy hoạch phát triển điện từ nay đến 2025, Tổng công suất đặt tăng thêm chừng 30.000 MW vào năm 2015, đến năm 2020 công suất hệ thống phải tăng thêm 50.000 - 60.000 MW. Để có lượng công suất trên, tổng vốn đầu tư cho ngành Điện từ nay đến 2020 ước tính khoảng 50 tỷ USD.

Tính trung bình mỗi năm ngành Điện phải bỏ ra 5-6 tỷ USD để phát triển nguồn, chưa kể phát triển lưới điện. Nhu cầu đầu tư phát triển lưới điện đang khiến ngành Điện gặp rất nhiều khó khăn.

Về nguyên tắc, vốn cho phát triển ngành Điện có thể huy động từ tích lũy của Ngành, vay vốn trong và ngoài nước hay từ các ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu; đầu tư tư nhân hoặc phát hành cổ phiếu và đầu tư bằng vốn ngân sách... Hầu hết các nước áp dụng 3 cách đầu tiên, cách thứ tư chỉ tồn tại trước đây dưới thời nền kinh tế kế hoạch tập trung và bao cấp. Thực tế ở Việt Nam, cả ba cách đầu tiên đều được áp dụng nhưng ngành Điện vẫn phát triển một cách khó khăn và luôn trong tình trạng thiếu vốn.

Theo ông Hiệp, giá điện trung bình ở Việt Nam mới chỉ đạt xấp xỉ 60-70% chi phí biên dài hạn

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó chủ yếu là do giá điện ở nước ta còn thấp. Theo ông Hiệp, giá bán điện Việt Nam mới chỉ đạt xấp xỉ 60-70% chi phí biên dài hạn. Giá điện trung bình cho sinh hoạt hiện tăng lên mức 6,5 cent/kWh, trong khi chi phí biên dài hạn là 8 – 9 cents/kWh. Điều này khiến giá điện bị nén quá mức kéo theo thị trường điện méo mó.

Các số liệu khảo sát cho thấy, Việt Nam hiện nằm trong số ít các nước có giá bán điện thấp trên thế giới. Ở khu vực châu Á, tính theo giá năm 2008, nước có giá điện bán cho sinh hoạt cao nhất là Nhật Bản với 20 cents/kWh, tiếp đến là Singapore và Hàn Quốc, 14,3 cents và 10,2 cents/kWh. Nước có giá bán điện dân dụng thấp là Ấn Độ và Kazakhstan, đạt 4,7 cents và 4,3 cents/kWh. Thái Lan, Indonesia cũng có giá điện sinh hoạt cao hơn Việt Nam từ 20%-30%.

Do giá điện thấp nên lợi nhuận ngành Điện không thể tích lũy hoặc tích lũy không đủ cho tái đầu tư và phải dựa chủ yếu vào nguồn vốn khấu hao. Cũng do giá thấp nên thời gian trả nợ vốn vay ngân hàng thường kéo dài. Bởi vậy, nhiều ngân hàng khó có thể chấp nhận giải ngân, chưa kể hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam còn yếu về năng lực trong khi các ngân hàng nước ngoài gần như chưa vào cuộc.

Nếu có vào cuộc thì họ cũng tìm cách tạo sức ép theo một số cách khác nhau. Những yếu tố trên khiến nhà đầu tư nước ngoài cảm nhận thị trường điện ở Việt Nam không hấp dẫn nên hạn chế đầu tư vào ngành Điện. Chính vì vậy, để có vốn cho đầu tư phát triển điện, chỉ còn cách là tăng giá bán điện, ông Hiệp cho biết.

Một khía cạnh khác đáng suy nghĩ, theo ông Hiệp, giá bán điện thấp khiến người tiêu dùng không có động lực để tiết kiệm. Để hóa giải việc người tiêu dùng cảm thấy ấm ức vì việc tăng giá, ngành Điện cần thay đổi lại biểu giá bán điện hiện nay và định giá theo thời gian sử dụng.

“Trong biểu giá bán điện đang áp dụng ở các nước, giá điện sinh hoạt bao giờ cũng cao nhất, tiếp đến là giá bán điện cho dịch vụ và thương mại, sau cùng là giá bán điện cho công nghiệp. Ở rất nhiều nước, giá bán điện cho công nghiệp chỉ bằng 50%-60% so với giá bán điện cho dân dụng. Giá cho dịch vụ và thương mại xấp xỉ giá cho dân dụng. Trong khi đó, ở nước ta mức chênh lệch này chưa nhiều”- Ông nói.

Cũng theo ông Hiệp, sắp tới ở nước ta, biểu giá bán điện nên thay đổi theo trình tự, dân dụng và thương mại cao nhất, tiếp đến là công nghiệp và sau cùng là nông nghiệp và các hộ nghèo. Tuy nhiên, điều này cũng phải hết sức lưu ý vì nó đi ngược với nguyên lý bù chéo giá điện mà nhiều người đang muốn xóa bỏ. Một cách buộc sử dụng tiết kiệm điện khác nữa là việc định giá điện theo thời gian sử dụng do đây là cách nhiều nước tiên tiến đã áp dụng từ lâu nay.

Việc định giá theo thời gian sử dụng buộc người dùng phải luôn quan tâm đến cách sử dụng điện, quan tâm đến chế độ sử dụng hợp lý của các thiết bị điện. Ngoài ra, cũng có thể có quy định về cơ chế tự động điều chỉnh giá hàng năm theo mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng hoặc chỉ số lạm phát của năm trước đó.

Cùng với việc tăng giá, cần tính tới tái cấu trúc và cải tổ ngành Điện. Với cách làm hiện nay, tăng giá bán điện bao giờ cũng tạo những phản ứng tiêu cực từ dư luận. Đây là tình trạng không chỉ ở riêng Việt Nam mà đã từng xảy ra ở nhiều nước chưa thị trường hóa ngành Điện.

“Khi thị trường tự định đoạt giá cả, đó là dấu hiệu tốt cho nhà sản xuất, nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng. Nhưng cách làm này phải thực hiện từng bước và có lộ trình”, ông Hiệp cho biết.


  • 10/12/2012 09:48
  • Theo Tiền phong
  • 5111


Gửi nhận xét