Vì một “nụ cười Lai Châu” tươi sáng hơn

“Trước đây gia đình mình sống trong một túp lều. Mưa thì dột, nắng thì mặt trời cũng rọi vào tận giường. Khi rét thì trong nhà cũng như ngoài sân”... Câu chuyện xúc động của ông Tẩn Sài Màn ở bản Thà Giàng, xã Sì Lở Lầu, chỉ là 1 trong 1.400 trường hợp hộ nghèo trong tỉnh Lai Châu, đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ và xây mới nhà kiên cố.

    

EVN luôn coi việc tham gia các chương trình hỗ trợ cộng đồng là nhiệm vụ chính trị xã hội quan trọng, là vinh dự và trách nhiệm của toàn ngành.

Từ những mái nhà ấm áp…

Được chứng kiến niềm vui của những người dân ở các vùng cao Lai Châu trong ngày chuyển về căn nhà mới, mới cảm nhận được ý nghĩa của Chương trình 30a đang được cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên cả nước chung tay triển khai. Bởi, dù là những ước mơ, song đối với nhiều người dân vùng cao Lai Châu này, khi mà cái đói, cái rét vẫn còn rình rập thì chỉ có sự chung tay góp sức của cộng đồng, những mơ ước đó mới thành hiện thực.

Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, trong hơn 3 năm qua, rất nhiều chương trình hỗ trợ giáo dục đào tạo, y tế, phát triển lưới điện nông thôn, xóa nhà tạm, xây trường bán trú dân nuôi đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai tại ba huyện vùng cao Phong Thổ, Than Uyên, Tân Uyên của tỉnh Lai Châu. Nhờ các dự án của EVN triển khai, tỷ lệ hộ nghèo tại 3 huyện vùng cao này đang giảm dần, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, học sinh bỏ học ngày càng ít đi.

Chị Thàm Thị Mến là người dân tộc Thái ở bản Sắp Ngụa 2, xã Phúc Than (Than Uyên). Mặc dù mới 38 tuổi nhưng trông chị già và khắc khổ. Chồng nghiện ngập bỏ đi mất tích, chị và con trai nhỏ đùm bọc nuôi nhau trong căn nhà rách nát. Nhờ sự hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mẹ con chị đã có căn nhà, tuy đơn sơ, nhưng khá vững chãi. Mẹ con chị rất phấn khởi vì từ nay không còn phải lo cảnh mưa dột, gió lùa nữa.

Đại diện EVN tặng quà gia đình bà Giàng Lở Mẩy (mẹ liệt sỹ) ở xã Dào San. Gia đình bà đã được EVN hỗ trợ 40 triệu đồng để xây nhà        

Bà Đèo Thị Chân ở bản Nậm Cáy, xã Hoang Thèn, xúc động tâm sự: Chồng bà hy sinh trong chiến tranh biên giới phía bắc khi các con còn rất nhỏ. Cuộc sống rất nhiều khó khăn. Nhờ chương trình hỗ trợ xây nhà kiên cố dành cho gia đình chính sách của EVN, gia đình bà đã được EVN hỗ trợ 40 triệu đồng, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội khác, bà con trong bản giúp công, nay bà đã có căn nhà tránh mưa tránh rét, đến lúc về già không phải lo gì nữa.

Lai Châu là 1 trong những tỉnh nghèo của cả nước. Trong đó 3 huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ được xếp vào diện 61 huyện nghèo cần được giúp đỡ. Thời điểm năm 2009, 3 huyện trên có tới hơn 3.000 căn nhà tạm đang cần xây dựng lại. Với truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, giai đoạn 2009-2010, EVN đã hỗ trợ xây dựng 1.400 căn nhà với mức 5 triệu đồng/căn.

Năm 2011, EVN tiếp tục bổ sung hỗ trợ xoá nhà tạm cho trên 1.000 hộ nữa. Ngoài những hộ khó khăn được hỗ trợ xóa nhà tạm, EVN còn hỗ trợ xây nhà kiên cố cho 16 hộ gia đình chính sách với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ. Cho đến thời điểm hiện tại, cơ bản nhà tạm dột nát, túp lều, nhà có nguy cơ đổ, sập đã được EVN hỗ trợ xây dựng lại, đời sống người dân ngày một ổn định hơn.

…Đến mái trường mơ ước

Trường THCS Ma Ly Pho nằm ở xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ. Xã vùng sâu trong huyện trên độ cao cao khoảng 1.000 m so với mặt biển, bản xa nhất của xã cách trường hơn 20 km. Theo lời thầy Hiệu trưởng Đặng Thế Anh, tất cả các em học sinh được xét ở bán trú đều có nhà cách trường trên 5 km, có những học sinh của trường phải đi bộ 5 - 6 giờ mới đến được trường. Trước đây, do khó khăn về giao thông, chỗ ở nội trú chật chội nên các em rất ngại đi học. Từ khi được EVN hỗ trợ nhà bán trú, các em đã có chỗ ở rộng rãi hơn, đi học đầy đủ hơn. Thầy Anh xúc động nói với chúng tôi về lời cảm ơn tới toàn thể CBCNV Tập đoàn Điện lực Việt Nam bởi trong nhiều năm qua, EVN đã ghé vai cùng ngành giáo dục Lai Châu “cõng” cái chữ về nơi biên cương Tổ quốc này. Mỗi mái nhà bán trú mọc lên là nhiều trẻ em Lai Châu lại có cơ hội được đi học, có kiến thức để góp sức xây dựng quê hương.

Thực hiện Chương trình 30a, EVN cùng cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đang nỗ lực hỗ trợ trẻ em ở các bản làng vùng sâu Lai Châu được đến trường, có kiển thức để chung tay xây dựng quê hương

Với thầy giáo Trần Xuân Phương – Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Than (huyện Than Uyên) thì: Trường chúng tôi có trên 90% học sinh là con em đồng bào dân tộc. Do điều kiện địa hình, khí hậu khắc nghiệt nên việc đi lại học tập của các em gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều em học sinh, đặc biệt là học sinh người H’Mông có nhà cách xa trường từ 6-7 km. Vào mùa mưa lũ, đường bị sạt lở, nước suối dâng cao, vùng này lại hay có gió lốc, nên hầu như các em phải nghỉ học. Việc duy trì sĩ số lớp là một bài toán không đơn giản với các thày cô nhà trường. Các nhà bán trú do EVN xây dựng đã hỗ trợ các trường và mở ra cơ hội cho nhiều em học sinh được tới trường học chữ.

Theo kế hoạch, EVN sẽ hỗ trợ xây dựng 21 nhà bán trú dân nuôi trên địa bàn 3 huyện. Đến nay đã có 14/21 nhà bán trú được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện cho hàng trăm học sinh có chỗ ở tại trường để yên tâm học tập. Các nhà bán trú và trường dân tộc nội trú tại Trung tâm huyện Tân Uyên mới (tách ra từ huyện Than Uyên) đang được EVN tiếp tục hỗ trợ xây dựng.

Và ánh điện sáng nơi vùng cao Tây Bắc

Theo chân Đội giám sát đường dây cấp điện cho các bản chưa có điện của xã Dào San, chúng tôi đến bản Lèn Chai, xã Dào San (Phong Thổ), nơi Công ty CP Thương mại và Xây dựng ACG đang thi công xây lắp đường dây đưa điện về cho 4 bản của xã Dào San.

Anh Nguyễn Minh Nghĩa, nhân viên giám sát của Công ty Điện lực Lai Châu cho biết, đây là cung đoạn rất khó khăn do địa hình hiểm trở, vì vậy đã qua nhiều tháng thi công nhưng tuyến đường dài 3 km mới đạt 60% tiến độ. Chúng tôi đang cố gắng phấn đấu đến tháng 12 sẽ hoàn thành công trình, để dân được đón Tết dưới ánh sáng điện, đáp ứng mong mỏi bấy lâu của bà con dân bản.

Khẩn trương thi công đường dây đưa điện về 4 bản của xã Dào San, kịp thời cấp điện cho dân bản trước Tết Nguyên đán - 2012     

Phát triển mở rộng lưới điện nông thôn, đầu tư các công trình điện để người dân có điều kiện phát triển kinh tế là mục tiêu quan trọng trong chương trình 30a của EVN đang triển khai tại Lai Châu. Theo ông Cao Ngọc Lạc - Giám đốc Công ty Điện lực Lai Châu, để thực hiện được mục tiêu này không hề dễ dàng. Có đi qua những vùng đồi quanh co, những rặng núi hiểm trở, mới thấy sự gian nan của ngành Điện trong việc đưa điện đến những địa bàn vùng cao ở Lai Châu. Đặc biệt, suất đầu tư công trình điện ở những vùng như Lai Châu rất lớn, từ 40 – 70 triệu đồng/hộ, nhưng tiền điện hằng tháng của rất nhiều hộ dân chỉ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng. Với nguồn chi và thu như vậy, việc thu hồi vốn đầu tư có lẽ sẽ rất dài.

Để đạt được mục tiêu 100% số xã, gần 90% số hộ được sử dụng điện trên địa bàn 3 huyện Phong Thổ, Than Uyên, Tân Uyên vào năm 2012, Công ty Điện lực Lai Châu đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các dự án đã có danh mục kế hoạch đầu tư bằng các nguồn vốn của ngành Điện và địa phương (như ADB, REII, tái định cư thủy điện, nguồn vốn khác do địa phương bố trí)...

Còn nhớ tại Lễ ký kết Thỏa thuận hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội cho 3 huyện Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên giữa EVN và UBND tỉnh Lai Châu ngày 9/7/2009, nguyên Phó TGĐ EVN Nguyễn Mạnh Hùng (hiện là Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia) đã thay mặt EVN cam kết luôn coi việc tham gia các chương trình hỗ trợ cộng đồng là nhiệm vụ chính trị xã hội quan trọng, là vinh dự và trách nhiệm của mỗi CBCNV Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Cùng với Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho 3 huyện nghèo của Lai Châu, lời cam kết ấy đã thực sự trở thành hiện thực. Bởi, ánh sáng điện đã góp phần thay đổi đời sống, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, nhiều người nghèo và gia đình chính sách đã được EVN hỗ trợ xây nhà mới, các em nhỏ có điều kiện học hành, được chăm sóc y tế, tất cả vì “một nụ cười Lai Châu” tươi sáng hơn.

Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, EVN thực hiện hỗ trợ 3 huyện Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên của tỉnh Lai Châu.

Tổng số tiền: 280 tỷ đồng.

Trong đó:

- Dành 250 tỷ đồng đầu tư các công trình điện tại 3 huyện (mục tiêu 100% xã có điện và đưa tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện từ 41% hiện nay lên gần 90% vào năm 2012).

- Năm 2009 – 2010: EVN hỗ trợ 7,64 tỷ đồng cho 3 huyện xoá nhà tạm thông qua 2 hình thức: (1) Hỗ trợ xây dựng 16 căn nhà có diện tích sử dụng tối thiểu là 24 m2, tuổi thọ 10 năm trở lên với chi phí bình quân khoảng 40 triệu đồng/nhà, cho các hộ thuộc diện chính sách. (2) Hỗ trợ 5 triệu đồng/nhà để xây dựng 1.400 căn nhà có đủ 3 yếu tố “nền cứng, khung cứng và mái cứng.

- EVN hỗ trợ 5,25 tỷ đồng xây dựng 21 nhà “bán trú dân nuôi” cho các trường trung học cơ sở tại 3 huyện với quy mô nhà cấp 4 (như mô hình nhà ở tập thể cấp trung đội 30-40 người trong các đơn vị bộ đội có trang bị giường tầng), kinh phí bình quân khoảng 250 triệu đồng/nhà. Hỗ trợ 15 tỷ đồng xây dựng Trường Dân tộc nội trú huyện Tân Uyên; hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo và 50% kinh phí sinh hoạt cho khoảng 30 học sinh là con em các hộ nghèo, hộ chính sách của 3 huyện theo học các ngành nghề phù hợp. Sau đó, trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng, Tập đoàn sẽ bố trí công việc cho các học viên sau khi tốt nghiệp tại các nhà máy thủy điện của EVN trên địa bàn Tỉnh.

- Mua bảo hiểm y tế cho khoảng 1.500 học sinh THCS thuộc các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ dân tộc đặc biệt của 3 huyện trong 3 năm học, với mức 100.000 đồng/học sinh/năm. Tổng kinh phí là 450 triệu đồng; ủng hộ chăn màn, đồ dùng học tập, vật dụng sinh hoạt cho học sinh bán trú ở “nhà bán trú dân nuôi”; hướng dẫn đồng bào phương pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm…

 


  • 23/12/2011 10:03
  • Theo TCĐL
  • 3921


Gửi nhận xét