Ưu tiên năng lượng gió trong phát triển ứng dụng năng lượng tái tạo

Quy hoạch điện VII (QHĐ VII) đã định hướng các nguồn năng lượng tái tạo sản xuất điện năng chính từ nay đến năm 2020 và năm 2030, sẽ là năng lượng gió, thủy điện nhỏ và sinh khối. Trong đó, năng lượng gió được xem là nguồn phát điện quan trọng nhất. Theo đó, năng lượng gió sẽ được phát triển từ mức không đáng kể như hiện nay lên khoảng 1.000 MW vào năm 2020 và 6.200 MW vào năm 2030.

Phù hợp lộ trình, khả thi cao

Theo PGS.TS Đặng Đình Thống – Giám đốc TT Năng lượng mới, ĐH Bách khoa Hà Nội, trên quan điểm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường, chúng ta rất muốn năng lượng tái tạo (NLTT) có một vai trò lớn hơn, tỷ lệ tham gia cao và lộ trình phát triển nhanh hơn. Nhưng với điều kiện thực tế ở Việt Nam, thì các chỉ tiêu và lộ trình của NLTT  đã được xác định trong QHĐ VII là tương đối phù hợp và có tính khả thi cao. Vì được xét theo các khía cạnh của tiềm năng nguồn NLTT, các điều kiện hạ tầng về cơ sở khoa học công nghệ NLTT, các vấn đề kinh tế tài chính.

Việt Nam có nguồn tài nguyên NLTT đa dạng gồm đủ các loại nguồn như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy năng, năng lượng sinh khối, năng lượng địa nhiệt và năng lượng đại dương (thủy triều, sóng và nhiệt đại dương). Tuy nhiên, về tiềm năng kinh tế kỹ thuật thì không phải tất cả các nguồn đều lớn. Dù có tiềm năng năng lượng mặt trời khá cao, nhưng từ nay đến năm 2020 công suất phát điện mặt trời vẫn chưa có vai trò đáng kể trong sản xuất điện do các khó khăn về giá cả cũng như các khó khăn khác. Tiềm năng của thủy điện nhỏ cũng không còn nhiều và việc khai thác tiếp các nguồn còn lại cần phải có những chính sách hỗ trợ mới. Trong khi đó, năng lượng gió được đánh giá là khá lớn.

Trong chương trình đánh giá về Năng lượng cho Châu Á, Ngân hàng Thế giới đã có một khảo sát chi tiết về năng lượng gió khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo tính toán của nghiên cứu này, trong bốn nước được khảo sát thì Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất và hơn hẳn các quốc gia lân cận là Thái Lan, Lào và Campuchia. Trong khi Việt Nam có tới 8,6% diện tích lãnh thổ được đánh giá có tiềm năng từ tốt đến rất tốt để xây dựng các trạm điện gió cỡ lớn thì diện tích này ở Campuchia là 0,2%, ở Lào là 2,9% và ở Thái-lan cũng chỉ là 0,2%. Tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam ước đạt 513.360 MW tức là bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020.

Nếu xét tiêu chuẩn để xây dựng các trạm điện gió cỡ nhỏ phục vụ cho phát triển kinh tế ở những khu vực khó khăn thì Việt Nam có đến 41% diện tích nông thôn có thể phát triển điện gió loại nhỏ. Nếu so sánh con số này với các nước láng giềng thì Campuchia có 6%, Lào có 13% và Thái Lan là 9% diện tích nông thôn có thể phát triển năng lượng gió.

Việc QHĐ VII định hướng điện gió chiếm tỷ trọng cao trong các nguồn điện NLTT trong giai đoạn từ nay đến 2020-2030 là đúng đắn và có cơ sở. Ngoài ra, theo lộ trình điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường thì dự báo đến năm 2020 giá điện trung bình ở nước ta sẽ trong khoảng 8-9 USc/kWh. Khi đó việc phát triển điện gió sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

Năng lượng gió được xem là nguồn phát điện quan trọng - Ảnh: Ngọc Tuấn.

Giá điện gió có đắt?

Hiện giá thành (bao gồm giá lắp đặt và vận hành) của các trạm điện gió vẫn được cho là khá cao. Nhưng nhìn nhận và đánh giá lại, đặc biệt khi quan niệm giá thành không chỉ bao gồm chi phí kinh tế mà còn gồm cả những chi phí ngoài (external cost – như chi phí về xã hội do phải tái định cư, hay về môi trường do ô nhiễm). Trong khi nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt đang bị coi là kém ổn định và có xu thế tăng giá, thì cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, giá thành của các trạm điện gió càng ngày càng rẻ hơn.

Ta có thể so sánh giá thành của điện gió và thủy điện như: Nhà máy Thủy điện Sơn La với 6 tổ máy, tổng công suất thiết kế là 2400 MW, được dự kiến xây dựng trong 7 năm với tổng mức đầu tư là 2,4 tỷ USD. Giá thành khi phát điện (chưa tính đến chi phí môi trường) là 70 USD/MWh. Như vậy để có được 1 kW công suất cần đầu tư 1.000 USD trong 7 năm. Trong khi đó theo thời giá năm 2003 đầu tư cho 1 kW điện gió ở nhiều nước Châu Âu cũng vào khoảng 1.000 USD. Đáng lưu ý là giá thành này giảm đều hàng năm do cải tiến công nghệ.

Nếu thời gian sử dụng trung bình của mỗi trạm điện gió là 20 năm thì chi phí khấu hao cho một kWh điện gió là sẽ 14 USD. Cộng thêm chi phí thường xuyên thì tổng chi phí quản lý và vận hành sẽ nằm trong khoảng 48 – 60 USD/MWh - tương đương với thủy điện, vốn được coi là nguồn năng lượng rẻ và hiệu quả. Theo dự đoán, đến năm 2020 giá thành điện gió sẽ giảm đáng kể, chỉ khoảng 600 USD/KW, khi ấy chi phí quản lý và vận hành sẽ giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 30 USD/MWh.

Cần có chiến lược và chính sách quốc gia cho NLTT

PGS.TS Đặng Đình Thống cho biết, dù Quy hoạch phát triển điện NLTT giai đoạn 2020 – 2030 có công suất và tốc độ phát triển không phải là cao, nhưng để thực hiện được các chỉ tiêu đặt ra hoàn toàn không dễ nếu không có các giải pháp quyết liệt. Theo đó, cần xây dựng, hoàn thiện và ban hành, thực hiện sớm chiến lược và chính sách quốc gia về NLTT. Trong đó cần đưa ra các chính sách hỗ trợ ưu đãi rõ rang, cụ thể đối với các dự án NLTT, về giá mua NLTT nói chung và giá điện NLTT nói riêng.

Các ưu đãi, hỗ trợ, giá NLTT… không nên đề ra chung chung, áp dụng cho mọi dự án NLTT mà nên vận dụng hợp lý với từng dự án cụ thể. Điều này có nghĩa là chính sách đối với các loại dự án năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh khối, thủy điện nhỏ…phải khác nhau. Ngay cùng một loại nguồn, như thủy điện nhỏ cũng cần phân biệt dự án thuận lợi, dự án khó khăn để có chính sách hỗ trợ thích hợp.


  • 03/10/2012 11:36
  • Ngọc Tuấn
  • 24009