Chương trình năng lượng xanh TP.HCM: Biến tiềm năng thành hiện thực

Với Chương trình Năng lượng xanh đến năm 2015, thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) được kỳ vọng sẽ nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về sử dụng năng lượng xanh, biến những tiềm năng về năng lượng tái tạo trở thành hiện thực.

Tăng cường tiết kiệm và dùng năng lượng xanh

Những năm gần đây, hàng năm thành phố Hồ Chí Minh có mức tiêu thụ điện năng cao, chiếm khoảng  15% sản lượng điện tiêu thụ của cả nước với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân 9%/năm. Vì vậy, EVN HCMC đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm điện, đảm bảo đủ điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của Thành phố, kể cả những thời điểm khó khăn về nguồn cung cấp điện.

Chỉ tiêu tiết kiệm điện đặt ra trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 là 2% so với sản lượng điện thương phẩm (Năm 2012 sản lượng điện tiết kiệm phấn đấu đạt 400 triệu kWh)

Ông Bùi Trung Kiên, - Trưởng ban Kế hoạch, Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC) cho biết, EVN HCMC tham gia thực hiện Chương trình Năng lượng xanh thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2015 bằng việc phối hợp với địa phương thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo (Năng lượng xanh). Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm  nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng năng lượng xanh. EVN HCMC cùng với Sở Công Thương, Sở Khoa học Công nghệ… hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu tìm kiếm các giải pháp quản lý, kỹ thuật và khoa học công nghệ nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng của các thiết bị, phương tiện.

Về việc sử dụng năng lượng của khối công nghiệp sản xuất, Sở Công Thương TPHCM cho biết, trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 58.463 doanh nghiệp hoạt động, trong đó, khoảng 170 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm (có mức tiêu thụ năng lượng từ 1000 TOE/năm trở lên - tương đương 6 triệu kWh/năm). Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, nên việc sử dụng điện đạt hiệu quả tương đối cao.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, mức tiêu thụ điện năng cao. Việc áp dụng giải pháp tiết kiệm điện tại các doanh nghiệp chủ yếu là biện pháp tổ chức như: Dịch chuyển thời gian sản xuất từ giờ cao điểm sang thấp điểm, giảm công suất thiết bị vào giờ cao điểm, ban hành quy chế sử dụng điện… Về áp dụng giải pháp kỹ thuật còn hạn chế do đòi hỏi đầu tư lớn. Công tác kiểm toán năng lượng chưa được lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm, dẫn đến việc sử dụng năng lượng vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

Hiện thực hóa tiềm năng

Theo GS.TS Lê Chí Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Năng lượng (Đại học Quốc gia TPHCM), thành phố Hồ Chí Minh có lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3 kWh/m2/ngày vào tháng 7. Số giờ nắng trung bình trong tháng giao động từ 100 - 300 giờ. Vào mùa khô, số giờ nắng lên tới 300 giờ (tháng 3) và đối với mùa mưa, số giờ nắng chỉ khoảng 150 giờ (tháng 10). Như vậy, cường độ bức xạ mặt trời trung bình của thành phố Hồ Chí Minh là khá cao, nên tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời rất lớn.

Tổng công ty Điện lực TPHCM cho biết, ngoài việc trực tiếp đầu tư và lắp đặt, quản lý cụm phát điện bằng pin mặt trời tại xã đảo Thạnh An công suất 97,65 kWp (đơn vị đo lượng năng lượng sinh ra trên các thiết bị năng lượng mặt trời), EVN HCMC cùng với Sở Công Thương, Sở Khoa học Công nghệ sẽ nghiên cứu đầu tư từ nguồn ngân sách Thành phố ít nhất 2 tua - bin gió công suất khoảng 3 MW, đồng thời, nghiên cứu lập luận chứng kinh tế, kỹ thuật xây dựng nhà máy điện gió tại huyện Cần Giờ.

Những tiềm năng đó một khi được khai thác qua việc xây dựng các nhà máy phát điện gió nối lưới, bổ sung nguồn cho lưới điện Thành phố sẽ giúp TPHCM trở thành trung tâm của năng lượng xanh, vừa giảm áp lực cho việc cung cấp điện.

Chương trình Năng lượng xanh thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2015:

Phát triển nguồn điện từ năng lượng mới, năng lượng tái tạo: Phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ công suất điện từ năng lượng mới, năng lượng tái tạo chiếm hơn 1% công suất tiêu thụ toàn thành phố, tương đương 48MW.

Cụ thể:

* Hệ thống điện mặt trời trang bị cho hộ gia đình: Có khoảng 7 hộ gia đình hoặc toà nhà, trụ sở cơ quan sử dụng hệ thống điện mặt trời với công suất khoảng 20 kWp, tiết kiệm 23.554 kWh/năm.

* Hệ thống đèn đường chiếu sáng sử dụng năng lượng tái tạo: Có khoảng 100 bộ đèn chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng xanh và đèn LED.

* Sử dụng hệ thống bình nước nóng bằng hệ thống bình nước nóng năng lượng mặt trời: Số lượng sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời sử dụng trong hộ gia đình, cơ quan; đơn vị tăng 3%/năm.

* Năng lượng gió: Phấn đấu đạt 3 MW từ nguồn năng lượng gió và triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ xây dựng dự án nhà máy điện gió 200 MW tại huyện Cần Giờ.

* Sử dụng rác thải cho sản xuất điện: Công suất điện từ các nhà máy điện rác đến năm 2015 phấn đấu đạt 43 MW.

* Sử dụng điện từ năng lượng khí sinh học: Phấn đấu xây dựng 95.800 m3 hầm khí sinh học trong đó hộ gia đình 85.800 m3  và các trang trại, xí nghiệp chăn nuôi 10.000 m3.

* Sử dụng nhiên liệu thay thế nhiêu liệu truyền thống trong hoạt động giao thông vận tải: Có 10% – 15% đối với phương tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG và 2% - 5% phương tiện xe taxi sử dụng nhiên liệu LPG.

 


  • 24/08/2012 09:57
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 24886


Gửi nhận xét