Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 sẽ phát điện vào năm 2018

Tại Hà Nội, Bộ Công Thương vừa phối hợp với Công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc, Công ty Điện lực quốc tế Trung Quốc và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam tổ chức Lễ ký kết bộ Hợp đồng BOT Dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Bộ Trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và ông Khổng Huyễn Hựu - Đại sứ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam chứng kiến lễ ký kết.

Lễ ký kết  Hợp đồng Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (Ảnh: Bộ Công Thương)

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, đây là dự án nhiệt điện sử dụng than trong nước và có ý nghĩa quan trọng đảm bảo điện phát triển kinh tế, an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt đối với khu vực phía Nam Việt Nam. Việc ký kết Hợp đồng BOT dự án này đánh dấu mốc quan trọng đối với chủ đầu tư và các bên liên quan, ghi nhận mốc hoàn thành đàm phán các tài liệu dự án và thể hiện nỗ lực của các bên quyết tâm thực hiện thành công dự án.

Ông Phạm Mạnh Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, dự án BOT Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có công suất 1.200MW gồm 2 tổ máy, có tổng mức đầu tư khoảng trên 2 tỷ USD, 100% vốn đầu tư nước ngoài. Tháng 7/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chính thức chủ đầu tư dự án là tổ hợp gồm 3 doanh nghiệp: Công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc, Công ty Điện lực quốc tế Trung Quốc và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Bộ Công Thương cùng các bộ ngành và đối tác đã tiến hành nhiều phiên đàm phán với chủ đầu tư về các nội dung chi tiết của hợp đồng BOT bảo lãnh Chính phủ, hợp đồng mua bán điện, hợp đồng mua bán than, hợp đồng vận chuyển than và hợp đồng thuê đất.

Dự kiến dự án sẽ được đưa vào vận hành năm 2018 với sản lượng điện năng phát và được bao tiêu hàng năm đạt khoảng 8 tỷ kWh, đóng góp 2,8% điện năng vào hệ thống điện quốc gia.

Chứng kiến buổi ký kết, ông Khổng Huyễn Hựu - Đại sứ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam bày tỏ niềm vui mừng trước kết quả hợp tác của hai bên. Sự kiện ký kết này nhất định sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn nữa. Các doanh nghiệp tham gia xây dựng dự án của hai bên cần phối hợp với nhau chặt chẽ. Hy vọng, trong quá trình xây dựng dự án sau này, Chính phủ Việt Nam sẽ quan tâm và chỉ đạo các ban ngành ủng hộ về chính sách và tạo các điều kiện thuận lợi cho quá trình vận hành của dự án, để dự án sớm phát huy hiệu quả, có những đóng góp mới cho sự hợp tác cùng có lợi của hai bên.

 


  • 13/12/2013 03:33
  • Bách Hội
  • 2713


Gửi nhận xét