Mỹ bật "đèn xanh" cho Dự án Điện hạt nhân đầu tiên sau gần 20 năm

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama  quyết định sẽ cấp ngân sách  xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại nước này sau gần 20 năm.

Ngày 19/2, trong cuộc họp báo tại Câu lạc bộ Báo chí tại thủ đô Washington, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz cho biết, Nhà Trắng đã phê duyệt khoản bảo lãnh tín dụng 6,5 tỷ USD, trong tổng chi phí 8,3 tỷ USD, đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Vogtle ở địa hạt Waynesboro, bang Georgia. 

Với 2 lò phản ứng, Nhà máy điện hạt nhân  này sẽ sản xuất ra một lượng điện đủ cung cấp cho gần 1,5 triệu hộ gia đình và đây sẽ là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được xây dựng ở Mỹ kể từ năm 1996. 

Theo Bộ trưởng Moniz, việc bảo lãnh tín dụng cho phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sau gần 20 năm là một phần trong chủ trương của Mỹ phát triển các nguồn năng lượng sạch, nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, chính quyền của ông Obama cũng đẩy mạnh việc khai thác khí đốt, phát triển nhiên liệu sinh học, mở rộng nguồn điện mặt trời và phong điện. 

Mỹ hiện có 65 nhà máy điện hạt nhân với tổng cộng 104 lò phản ứng đang hoạt động tại 31 bang, sản xuất ra một lượng điện chiếm khoảng 20% tổng sản lượng điện hàng năm của Mỹ.

Việc cấp vốn xây dựng nhà máy điện hạt nhân Vogtle được coi là sự mở đường cho việc xây dựng một loạt các nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới, an toàn hơn ở Mỹ sau nhiều thập kỷ tạm ngừng,kể từ khi xảy ra  thảm họa tại Nhà máy Điện hạt nhân Three Mile Island ở bang Pennsylvania hồi năm 1979. Một số dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới hiện cũng đang được các cơ quan chức năng xem xét.


  • 24/02/2014 02:58
  • Nguồn: TTXVN
  • 2666


Gửi nhận xét