Không ngừng trau dồi kỹ thuật
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Mạnh Thông tại Nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ khi anh vừa hết ca trực. Nhìn gương mặt lấm lem dầu mỡ của Thông cùng các đồng nghiệp mới hiểu rằng để vận hành được một nhà máy thuỷ điện lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ thì các kỹ sư, cán bộ làm việc tại đây phải vất vả đến nhường nào.
Anh Thông kiểm tra hệ thống DCS tại Phòng điều kiển trung tâm Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ.
|
Tốt nghiệp Khoa Cơ điện, của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, tháng 6/2008 Nguyễn Mạnh Thông ra trường thì đến tháng 8/2008, anh đã được nhận về Công ty Thủy điện Bản Vẽ làm việc. Dù thời điểm này, Nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ đang trong quá trình xây dựng, nhưng đây là một công trình thuỷ điện lớn nhất của khu vực. Với một kỹ sư điện mới ra trường, anh hiểu rằng được làm chủ công nghệ của một công trình hàng đầu là điều vinh dự và tự hào.
Anh Thông kể, trong suốt 15 năm vừa qua, anh đã kinh qua nhiều vị trí trong Phân xưởng sửa chữa, từ Tổ phó Tổ Cao thế hóa dầu phụ trách sửa chữa, thí nghiệm các thiết bị nhất thứ tại nhà máy và tại trạm phân phối 220kV; rồi đến Tổ phó Tổ Rơ le điều khiển giám sát phụ trách hệ thống rơ le bảo vệ, tự dùng AC, DC, HT máy biến áp chính.
Từ năm 2019 đến nay, anh Nguyễn Mạnh Thông là Tổ trưởng Tổ Đo lường và Điều khiển, thực hiện công tác thí nghiệm, bảo dưỡng và sửa chữa toàn bộ hệ thống thiết bị nhị thứ, điều khiển và đo lường Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, chịu trách nhiệm trực tiếp trên các hệ thống như: Hệ thống rơ le bảo vệ; máy biến áp chính; hệ thống điều khiển giám sát và bảo vệ; van cung đập tràn...
Anh Thông cho biết, được trải qua nhiều vị trí, phụ trách nhiều thiết bị thực sự đã giúp anh có hiểu biết sâu rộng hơn đối với hệ thống máy móc trong nhà máy. Việc nắm bắt, làm chủ công nghệ thực sự đã giúp anh hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Nhờ vậy mà anh đã được lãnh đạo giao nhiều nhiệm vụ quan trọng trong công tác sữa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn. Anh còn thực hiện quản lý kỹ thuật các thiết bị hệ thống theo quy trình, quy định, đảm bảo độ tin cậy vận hành cao nhất, góp phần đạt thành tích chung của công ty, duy trì các tổ máy của Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ không xảy ra sự cố trong nhiều năm liên tiếp.
Trong suốt 15 năm vừa qua, anh Nguyễn Mạnh Thông luôn là một trong những người đi đầu trong công tác bảo dưỡng, sửa chữa nhà máy. Anh được giao lên phương án kỹ thuật, phương án thử nghiệm, thực hiện xử lý các sự cố, khiếm khuyết lớn. Năm 2010, dù lúc đó mới về Công ty nhưng anh đã phối hợp với chuyên gia DEC lập phương án kỹ thuật, tiến hành xử lý rò dầu máy biến dòng điện 220kV tại Nhà máy thủy điện Bản Vẽ.
Bên cạnh đó, từ năm 2010 đến nay, anh đã cùng với Phân xưởng sữa chữa hoàn thành sửa chữa lớn cho các thiết bị tổ máy, trạm phân phối 220kV và các thiết bị phụ trợ với 4 lần đại tu, 4 lần trung tu, tiểu tu hằng năm theo kế hoạch. Các hệ thống thiết bị sau sửa chữa luôn đạt yêu cầu chất lượng, tổ máy vận hành tin cậy, không xẩy ra sự cố ngừng tổ máy.
Luôn hỗ trợ đồng nghiệp
Ngoài việc thường xuyên học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn phục vụ cho nhiệm vụ của mình. Trong quá trình công tác, anh Nguyễn Mạnh Thông còn tích cực đóng góp cho công tác đào tạo nội bộ và tự đào tạo của đơn vị cũng như chia sẻ kiến thức mình học được với đồng nghiệp.
Từ khi là Tổ trưởng Tổ Đo lường và Điều khiển, anh đã tổng hợp, cập nhật các bản vẽ công nghệ, tài liệu kỹ thuật, phần mềm, chương trình các hệ thống trong nhà máy đưa lên Google driver và One driver để quản lý và chia sẻ tài liệu cho thành viên trong tổ. Đồng thời anh cũng chủ động học tập qua tài liệu tham khảo, sách chuyên ngành và xây dựng hướng dẫn cơ bản cho nhân viên tiếp cận và sử dụng các phần mềm kết nối, để cùng nâng cao tay nghề.
Anh thông được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”
|
Ngoài ra, anh Thông còn luôn tích cực hỗ trợ các kỹ sư, công nhân trong tổ thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn như: Lập kế hoạch sửa chữa, lên phương án kỹ thuật để đưa ra những giải pháp để phân tích, xử lý các khiếm khuyết hệ thống, thiết bị để đảm bảo các hệ thống, thiết bị vận hành ổn định, tin cậy và lâu dài.
Đặc biệt, anh đã tổ chức kèm cặp và bồi dưỡng cho 3 công nhân kỹ thuật tham dự kỳ thi sát hạch nghề 2020 đạt kết quả tốt; kèm cặp nâng cao trình độ cho 2 kỹ sư trong công tác bảo dưỡng, thí nghiệm, sửa chữa với hơn 300 tiết đào tạo/người.
Thực hiện yêu cầu của lãnh đạo phân xưởng, anh cũng đã tham gia tổ trực tiếp hướng dẫn đào tạo cho 1 kỹ sư tham gia giảng dạy và đạt chuẩn giảng viên nội bộ theo quy định về giảng viên nội bộ trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam. Đồng thời tham gia chương trình đào tạo tập trung của EVN và EVNGENCO1 cho ứng viên chuyên gia.
Sau nhiều năm công tác, kỹ sư Nguyễn Mạnh Thông cũng đã có nhiều ý tưởng sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thể hiện qua các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao độ tin cậy của thiết bị, giảm bớt các thao tác “thừa” của các hệ thống tự động nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu của tiêu chuẩn, quy định của ngành. Từ năm 2010 đến năm 2020 anh đã có 5 sáng kiến, sáng chế, hợp lý hóa sản xuất nhằm nâng cao độ tin cậy làm việc của hệ thống, thiết bị trong nhà máy, giảm thiểu mua sắm mới các thiết bị đắt tiền và làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng. Trong số đó phải kể đến sáng kiến “Bổ sung thiết kế, đồng bộ thời gian thực các rơ le số bảo vệ đường dây, thanh cái tại TPP 220kV - Nhà máy thủy điện Bản Vẽ thông qua bộ GPS”. Hay như sáng kiến “Thiết kế, thi công bộ giàn điện trở phục vụ kiểm tra, đánh giá các giàn ắc quy có dung lượng từ 100-600Ah tại nhà máy thủy điện Bản Vẽ”…
Đặc biệt, với nhiệm vụ chuyên môn của mình, anh còn tiếp cận những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và đã có nhiều đóng góp trong công tác thực hiện các dịch vụ ngoài của công ty. Trong đó, đã tham gia vào các gói hợp đồng dịch vụ mới đòi hỏi năng lực chuyên môn cao, tay nghề giỏi như: thí nghiệm, chạy thử nhà máy thủy điện; tư vấn giám sát, thí nghiệm chạy thử nhà máy điện mặt trời; tư vấn giám sát điện gió.
15 năm chưa hẳn đã dài đối với một đời người, nhưng đó là một khoảng thời gian vừa đủ để Kỹ sư Nguyễn Mạnh Thông đạt đến "độ chín" của mình. Anh tâm sự, làm việc trong một môi trường đòi hỏi kỹ luật, kỹ thuật cao, bản thân luôn xác định vai trò trách nhiệm của mình trong tập thể; không ngừng nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đặt lợi ích tập thể, của Công ty lên hàng đầu.
Kỹ sư Nguyễn Mạnh Thông cũng nhắn nhủ: “Là người đứng đầu một tổ đội công tác, bản thân mình phải luôn chú trọng lập các chương trình, kế hoạch đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ. Đặc biệt, trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, cần phải tiến hành tổ chức họp nhóm, huy động trí tuệ của tập thể. Đồng thời tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đánh giá thực trạng thiết bị một cách kỹ càng để đưa ra giải pháp xử lý. Sau mỗi lần sửa chữa thì rút ra kinh nghiệm để đưa ra biện pháp phòng ngừa. Có như vậy thì mới đảm bảo cho nhà máy vận hành được một cách an toàn, đạt hiệu suất cao nhất”.