Truyền ngọn lửa đam mê sáng tạo

Với tinh thần học hỏi, đam mê tìm tòi sáng tạo, trong bất kỳ công việc nào ông Nguyễn Thành Phương - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty Truyền tải điện 4 cũng luôn mày mò, có những sáng kiến để cải tiến, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc.

“Làm việc trong môi trường điện lực là không có cơ hội để rút kinh nghiệm, sửa sai. Bởi chỉ sai 1 lần là có thể phải trả giá bằng chính tính mạng. Do đó, từ khi bước vào nghề, tôi luôn trăn trở làm sao để môi trường làm việc được an toàn, thao tác thế nào để anh em công nhân đỡ vất vả”, ông Nguyễn Thành Phương, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty Truyền tải điện 4, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, mở đầu câu chuyện.

Sáng tạo vì môi trường làm việc an toàn

Thời điểm năm 2000, các trạm biến áp thao tác cơ khí thủ công. Về mặt an toàn, quy tắc là phải mở máy cắt rồi mới mở dao cách ly. Nếu bỏ bước 1 là có thể nguy hiểm đến người thao tác. Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông Nguyễn Thành Phương đưa ra sáng kiến làm khóa tủ dao cách ly và bỏ chìa khóa vào tủ máy cắt. Nhờ đó, người công nhân luôn nhớ khi lấy chìa khóa dao cách ly trong tủ máy cắt thì phải mở máy cắt. Dù chỉ là sáng kiến rất nhỏ, nhưng đảm bảo an toàn cho người công nhân khi vận hành trạm.

Với tinh thần học hỏi, đam mê tìm tòi sáng tạo, trong bất kỳ công việc nào ông Nguyễn Thành Phương cũng có những sáng kiến để cải tiến. Chính vì điều đó, nên đều đặn mỗi năm ông đều có sáng kiến, trong đó có năm thực hiện 3-4 sáng kiến, cải tiến. Trong đó, ông Phương tâm đắc nhất là sáng kiến “Xây dựng quy trình sửa chữa, bảo dưỡng máy biến áp điện áp 110kV theo tình trạng vận hành CBM” do ông thực hiện cùng đồng nghiệp. Giải pháp đưa ra các phương án cần làm gì để có kế hoạch sửa chữa kịp thời máy biến áp điện áp 110kV qua các thông số ghi nhận và phân tích được. Quy trình được áp dụng đã giúp có phương án sửa chữa kịp thời để máy vận hành liên tục, hiệu quả. Ước tính giá trị làm lợi của sáng kiến khoảng 7 tỷ đồng và hiện đang được phổ biến áp dụng toàn tổng công ty.

Ông Nguyễn Thành Phương hướng dẫn, chia sẻ cùng nhân viên các ý tưởng trong công việc (ngoài cùng bên trái)

Xuất thân từ cán bộ kỹ thuật nên ông Phương hiểu những thiếu sót của người mới vào nghề, từ đó ông có cách giúp người mới hiểu về môi trường làm việc an toàn cũng như truyền cảm hứng sáng tạo đến người trẻ. “Hồi mới vào làm việc, điều đầu tiên anh Phương nói với tôi là đi mở dao cách ly. Tôi đến tủ mở không được và báo lại anh. Anh chỉ cười rồi nói: “Nếu em mở được dao cách ly thì giờ không còn cơ hội để đứng đây”. Bài học đầu tiên anh ấy dạy tôi và nhiều bạn khác là sự cẩn trọng bằng việc làm thực tế”, ông Võ Sỹ Danh, nhân viên Phòng Kỹ thuật, bày tỏ.

Theo ông Danh, trong công việc, ông Phương như người anh cả dễ gần, tâm lý và luôn tận tình hướng dẫn anh em. Từ sự tận tâm chỉ dẫn đó, nhiều người trẻ được truyền niềm đam mê để có những sáng kiến, cải tiến góp phần tạo môi trường an toàn, hiện đại cho đơn vị.

Tăng sự hài lòng của khách hàng

Từ ngày nhận được tin nhắn về thông tin cung cấp điện, bà Nguyễn Minh Châu (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) chủ động hơn trong việc kinh doanh cửa hàng kem của mình. Bà Châu cho biết: “Trước đây, mỗi khi cúp điện, tôi phải gọi lên tổng đài để hỏi nhưng đường dây liên tục báo bận. Giờ cúp điện phút trước, phút sau có tin nhắn gửi đến báo nguyên nhân, thời gian khắc phục”.

Có được thuận lợi đó là nhờ Hệ thống Quản lý mất điện trên sơ đồ đơn tuyến (OMS2) do ông Phan Hoàng San, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc khách hàng, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), lên ý tưởng và chịu trách nhiệm chính trong xây dựng, vận hành.

  Ông Lê Văn Minh, Chủ tịch Công đoàn EVNHCMC: Ông Phan Hoàng San không chỉ là một trong những người đi đầu trong cải tiến, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào phục vụ công tác chuyên môn mà còn tích cực tham gia các hoạt động công đoàn. Ông Phan Hoàng San luôn nỗ lực, tạo được dấu ấn ở các vị trí công tác; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể ở đơn vị, là người truyền lửa cho thế hệ trẻ.

Ông San cho biết, trước đây, mỗi khi gặp sự cố gây mất điện hoặc ngưng cung cấp điện để bảo trì, các công ty điện lực thường xây dựng sơ đồ bằng giấy, mang tính trực quan và không thể cung cấp kịp thời thông tin đến khách hàng. Năm 2018, ông được tạo điều kiện nên huy động nhân sự cùng tham gia xây dựng hệ thống OMS2. Sau 1 năm nghiên cứu và vận hành thử, OMS2 đã giải quyết được nhiều bất cập trước đó, làm tăng sự hài lòng của khách hàng.

Theo ông Phan Hoàng San, khi bắt tay vào làm, có quá nhiều dữ liệu phải xử lý, cộng thêm đội ngũ vận hành trực tiếp chưa sẵn sàng cho việc thay đổi từ hệ thống cũ sang hệ thống mới, trong khi đó, nghiệp vụ ngành điện rất đặc trưng. Những điều này ít nhiều gây khó khăn cho việc xây dựng và vận hành hệ thống. Tuy nhiên, khi vận hành thử nghiệm (năm 2019), tính ưu việt của OMS2 được thể hiện rõ. Cùng với việc khắc phục các lỗi và nâng cấp dần các tính năng của hệ thống, OMS2 đã thực sự tạo được chỗ đứng quan trọng trong công tác chăm sóc khách hàng ở EVNHCMC và các đơn vị trực thuộc.

Đến nay, OMS2 đã đạt được nhiều mục đích: Quản lý và tính toán độ tin cậy lưới điện (để cải thiện, giúp giảm thời gian ngưng cung cấp điện đến khách hàng); cung cấp công cụ để lập và quản lý việc thực hiện lịch cung cấp điện phục vụ thao tác trên lưới điện (lập lịch cắt điện, vận hành đóng cắt lưới điện); chủ động cung cấp thông tin đến khách hàng… Đặc biệt, từ nền tảng của OMS2, ông Phan Hoàng San tiếp tục phát triển thêm nhiều sáng kiến khác, làm lợi nhiều tỷ đồng cho EVNHCMC.

Link gốc

 


  • 17/08/2023 01:58
  • Theo Sài Gòn Giải Phóng online
  • 4047