Hà Nội sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính: Những đổi thay từ... điện!

Như lời kể của ông Trần Văn Hội - người dân thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập, thì điện yếu đến mức “cơm nấu không chín, điện thắp không sáng, đã thế cứ trồi sụt liên tục cháy cả đèn đóm”- tuy nhiên, đấy là câu chuyện của 5 năm trở về trước. Còn bây giờ mọi chuyện đã khác…

Từ câu chuyện của xã Tự Lập

Tháng 12/2012, xã Tự Lập (huyện Mê Linh) quyết định bàn giao lưới điện nông thôn cho Công ty Điện lực Mê Linh (thuộc Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội – EVN HANOI). Ông Nguyễn Đức Mạnh - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Khi đó, Tự Lập cũng nằm trong dự án điện nông thôn RE II giai đoạn 2008 - 2012.

Hợp tác xã Dịch vụ điện Tự Lập là đơn vị quản lý vận hành và bán điện cho người dân địa phương nhưng “không đảm bảo được chất lượng do trình độ quản lý cũng như năng lực tài chính hạn chế”. Trong khi ở các địa phương lân cận sớm bàn giao lưới điện thì người dân được dùng điện với chất lượng ổn định nên họ đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc về làm kinh tế, diện mạo thay đổi rõ rệt.

Thêm vào đó, người dân "bức xúc vì mang tiếng ở Thủ đô mà phải dùng điện chất lượng quá kém nên gửi cả đơn thư lên Sở Công Thương Hà Nội”. Trước thực trạng này, xã đã quyết định bàn giao lưới điện hạ áp cho Công ty Điện lực Mê Linh.

5 năm qua, ngành Điện đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển công nghiệp tại huyện Mê Linh - Ảnh: H.T

Theo ông Mạnh, kể từ khi tiếp nhận, ngành Điện Thủ đô đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng để xây dựng mới 2 trạm biến áp Phú Mỹ 3, Phú Mỹ 4 (công suất 400 kVA/trạm) và cải tạo, nâng công suất 2 trạm biến áp cũ nên tình trạng điện “phập phù” đã chấm dứt hẳn.

Thu hẹp khoảng cách nội – ngoại thành

Sau 5 năm, EVN HANOI đã thực hiện tiếp nhận và bán điện trực tiếp đến 236 xã, phường, thị trấn và 19 xã, một phần ở khu vực Mê Linh và Hà Tây cũ, đồng nghĩa với số lượng khách hàng tăng thêm hơn 557 nghìn hộ từ các tổ chức kinh doanh điện nông thôn.

Ông Mai Chí Hùng, Phó tổng giám đốc EVN HANOI cho biết, trước khi tiếp nhận, lưới điện tại các địa phương rất cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành, tổn thất cao trên 30%, hệ thống đo đếm điện năng hầu hết là mua trôi nổi ngoài thị trường không được kiểm định,… Cùng với chất lượng điện kém, người sử dụng điện không được mua điện theo giá quy định.

Sau khi tiếp nhận, EVN HANOI đã đầu tư trên 1,1 nghìn tỷ đồng để cải tạo lưới điện, thay mới công tơ, “cấy” thêm trạm biến áp, thay thế các đường dây cũ,… nhờ vậy tổn thất lưới điện nông thôn đã giảm xuống chỉ còn 10%.

Lưới điện nông thôn được ngành Điện tập trung đầu tư cải tạo trên cả nước - Ảnh: H.T

Bên cạnh đó, người dân cũng được sử dụng các dịch vụ chăm sóc khách hàng của ngành Điện công bằng với khách hàng “cũ” như: Ký hợp đồng mua bán điện và áp giá bán điện đúng quy định của Nhà nước; đa dạng các hình thức thanh toán như thu tiền điện tại nhà, tại quầy, thanh toán qua ngân hàng; giảm thời gian cấp mới công-tơ điện; được hướng dẫn về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả;…

Ông Hùng cho biết, nhu cầu vốn để đầu tư cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn ở khu vực mới tiếp nhận trong thời gian tới là rất lớn, trên 1,4 nghìn tỷ đồng. EVN HANOI mong muốn Thành phố và các ban, ngành tạo điều kiện để Tổng công ty có khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện đầu tư, cải tạo lưới điện nông thôn theo yêu cầu đặt ra của Chính phủ.

Ông Đoàn Văn Trọng – Phó chủ tịch UBND huyện Mê Linh

Trong 5 năm vừa qua, Mê Linh có tốc độ phát triển kinh tế xã hội nhanh, giá trị các ngành sản xuất tăng mạnh. Đạt được kết quả đó, không thể không nhắc tới vai trò của ngành Điện đã cung ứng điện an toàn, ổn định, nhất là trong các khu công nghiệp.
Đặc biệt, giai đoạn 2011- 2012, chúng tôi cùng với ngành Điện thực hiện công tác bàn giao, kiểm đếm, thanh toán tài sản điện từ các hợp tác xã dịch vụ cho ngành Điện. Đến nay, lưới điện hạ áp nông thôn của 16/18 xã, thị trấn trong huyện đã bàn giao xong. Bà con được dùng điện ổn định, là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng đời sống cũng như phát triển kinh tế.

Ông Hà Văn Đông – Phó chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây

5 năm qua, ngành Điện đã tiếp nhận lưới điện nông thôn ở 6 xã của thị xã Sơn Tây, khoảng 16 nghìn hộ sử dụng điện và đầu tư gần 50 tỷ đồng để cải tạo, nâng cao chất lượng điện cho người dân. Đến nay có thể nói là cơ bản đáp ứng được nhu cầu điện năng của địa phương, góp sức cùng địa phương xây dựng thành công chương trình Nông thôn mới.

* Hiện nay, Hà Nội còn 76 xã, khu vực (hơn 200 nghìn khách hàng) có lưới điện hạ thế nông thôn chưa bàn giao cho ngành Điện.

 


  • 26/09/2013 03:23
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3405


Gửi nhận xét