Gỡ khó khâu “ngầm hóa” cáp thông tin, truyền hình

Vừa qua, chính quyền Thành phố đã nỗ lực cùng Tổng công ty Điện lực TP. HCM (EVN HCMC) và các đơn vị liên quan nhanh chóng tìm cách tháo gỡ những vướng mắc của dự án hạ ngầm cáp thông tin truyền hình tại TP. HCM.

Đồng bộ triển khai

Ngày 13/8/2013, EVN HCMC và 5 đơn vị quản lý đường dây thông tin trên địa bàn TP. HCM gồm: Vietel, VNPT HCM, Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist, Công ty Cổ phần Viễn Thông FPT, Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Điện lực TP.HCM (Tradincorp) đã cùng ký kết thỏa thuận thống nhất triển khai các dự án ngầm hóa. Đây là nỗ lực của EVN HCMC và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ ngầm hóa, giảm dần và tiến tới xóa bỏ vĩnh viễn tình trạng các đường ống dẫn phải chờ đợi cáp, trong khi hệ thống dây cáp thông tin, truyền hình các loại giăng mắc mất mỹ quan, mất an toàn.

Ông Phạm Quốc Bảo – Phó tổng giám đốc EVN HCMC, cho biết, ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, EVN HCMC đã khẩn trương cụ thể hóa lộ trình thực hiện, đồng thời phối hợp hoàn thiện qui chế hoạt động của Ban chỉ đạo các dự án ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa hệ thống đường dây thông tin.

Tổng công ty cũng đã phối hợp lựa chọn nhà thầu thi công đào và tái lập mặt đường chung cho các dự án ngầm hóa năm 2013 (để tránh đào đường nhiều lần). Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng xây dựng và thống nhất tiến độ thực hiện các dự án ngầm hóa giai đoạn 2013 - 2015 và  có văn bản báo cáo UBND thành phố HCM, Sở Thông tin và Truyền thông để chỉ đạo các đơn vị quản lý dây thông tin cùng phối hợp thực hiện một cách đồng bộ.

Ngoài ra, EVN HCMC cũng đã thành lập Tổ công tác gồm đại diện  các ban chức năng của Tổng công ty, thực hiện công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất tiến độ và chất lượng thi công, theo dõi tiến độ và chất lượng thi công các dự án ngầm hóa.

Các dự án ngầm hóa của Tp. HCM đang được đẩy nhanh tiến độ - Ảnh: PV

Còn không ít khó khăn…

EVN HCMC đang nỗ lực thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ ngầm hóa lưới điện thành phố đạt 27,5% lưới điện trung thế và 11,5% lưới điện hạ thế vào cuối năm 2013.

Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ “ngầm hóa”  các loại cáp thông tin, truyền hình một cách đồng bộ, theo ông Phạm Quốc Bảo vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc…

Nguồn vốn đầu tư vẫn còn rất nan giải; Chi phí đầu tư các dự án ngầm hóa thường rất lớn, gấp 4 - 5 lần so với đầu tư lưới điện trên mặt đất. Vì vậy, hiệu quả đầu tư rất thấp, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Kết quả cuối cùng là rất khó vay vốn từ các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, dù đã có quy chế đồng bộ hóa giữa các bên liên quan, nhưng trên thực tế, việc triển khai cũng không hề đơn giản – ông Bảo nhấn mạnh. Hiện nay, số lượng đơn vị quản lý hạ tầng trên địa bàn TP. HCM là rất lớn, gồm khoảng  20 đơn vị viễn thông - truyền hình cáp, chiếu sáng công cộng, tín hiệu giao thông, cấp thoát nước... Trên các tuyến đường cũng còn tồn tại nhiều công trình hạ tầng ngầm (cấp nước, thoát nước, hố ga...) chưa xác định được chính xác vị trí. Khi thi công, thường xuyên phải xử lý các tình huống phát sinh do gặp phải các công trình ngầm tồn tại từ lâu trong lòng đất.

Bên cạnh đó, việc thỏa thuận hướng tuyến, vị trí lắp đặt các thiết bị khi ngầm hóa cũng là một khó khăn không nhỏ. Bởi các tuyến đường trên địa bàn TP. HCM phần lớn có vỉa hè chật hẹp, lại tồn tại nhiều công trình ngầm, nên có nơi, có chỗ không đủ mặt bằng để xây dựng hệ thống cống, bể, hào kỹ thuật phục vụ cho ngầm hóa.

Sau rất nhiều lần đề nghị, hiện UBND TP.  HCMC đã chấp thuận cho hỗ trợ 50% lãi suất vay bằng nguồn vốn từ chương trình kích cầu của Thành phố, thực hiện các công trình ngầm hóa lưới điện. Giải pháp này đã tháo gỡ một phần khó khăn cho các đơn vị quản lý và thi công các công trình ngầm hóa lưới điện.

Hiện EVN HCMC cũng đã kiến nghị các quận, huyện, cấp đất tại các khu vực công cộng để các công ty điện lực thuộc Tổng công ty tái bố trí các trạm điện, trạm ngắt và đề nghị các  cơ quan chức năng Thành phố nghiên cứu ban hành các quy chuẩn kỹ thuật tích hợp các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị như, cấp thoát nước, điện lực, viễn thông... tạo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí các công trình ngầm.
 


  • 10/10/2013 02:38
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 3307


Gửi nhận xét