Giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình lưới điện: Câu chuyện của những người trong nghề

Trong những năm qua, nhiều công trình lưới điện truyền tải bị chậm tiến độ so với kế hoạch, nguyên nhân chính là do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) còn vướng mắc. Hãy cùng chia sẻ những khó khăn, vất vả của những người trong nghề...

Anh Trần Văn Sơn - Phòng Tổng hợp, Ban quản lý các công trình điện miền Bắc (Ban AMB) cho biết, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác đền bù GPMB ở các công trình truyền tải điện chủ yếu nằm ở khâu xác định diện tích, vị trí, giá đất và phân loại đất.

Việc thực hiện công tác GPMB vô cùng phức tạp. Có trường hợp, người dân đã đồng ý với chính sách đền bù GPMB, nhưng chỉ cho nhà đầu tư sử dụng phần diện tích bị thu hồi chứ không cho sử dụng phần đất xung quanh và đường đi để thi công; có trường hợp, khi có thông tin về công trình truyền tải điện sẽ đi qua, người dân sống trong phần diện tích bị thu hồi tìm cách trồng cây trên diện tích GPMB, dựng các dãy nhà tạm sau một đêm để được thêm tiền đền bù. Khi các đơn vị thi công vào khảo sát địa hình, không may làm gãy cành cây hay xê dịch một viên gạch nào là bị “bắt đền”. Giá đền bù theo quy định của Nhà nước thường không được  người dân thống nhất, có trường hợp họ lại bị các phần tử xấu lôi kéo, đi khiếu kiện ở các cấp và thậm chí lên cả Trung ương.

Đường dây 220 kV Bảo Thắng - Lào Cai trong giai đoạn giải phóng mặt bằng (ảnh PV)

Anh Trần Quang Bình - Ban quản lý Dự án các công trình điện miền Bắc (Ban AMB), một người cũng có thâm niên trong công tác GPMB cho rằng, vị trí địa lý của các diện tích GPMB cũng gây nhiều tranh cãi, thường thì các công trình ở vùng sâu, vùng xa ít  phức tạp hơn vì đất nhiều, giá rẻ, người dân dễ đồng thuận với chính sách đền bù GPMB. Ở các thành phố, nhất là các thành  phố lớn, việc triển khai các công trình truyền tải điện gặp khó khăn hơn nhiều. Ví dụ, khi có 2 nhà liền kề nhau, nhưng giá đền bù lại khác nhau, nguyên nhân là một nhà thuộc địa giới hành chính quận, còn nhà kia thuộc huyện ngoại thành, thế là nảy sinh mâu thuẫn với Hội đồng GPMB.

Ông Nguyễn Văn Hưng - Trưởng Truyền tải điện Ninh Bình cho biết: “Chính sách đền bù GPMB cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành địa phương và các nhà đầu tư. Để người dân hiểu và tạo điều kiện giao đất, thì cán bộ đền bù và chính quyền địa phương cần kiên trì, mềm mỏng để người dân có quyền lợi thỏa đáng và an tâm giao đất cho các dự án truyền tải điện”.

Về phần mình, trong các dự án, Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn cố gắng tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được lợi ích chung khi xây dựng các đường dây truyền tải điện. Rất mong chính quyền địa phương và người dân cùng chung tay với ngành Điện tháo gỡ các khó khăn về GPMB, để các công trình truyền tải điện thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.


  • 01/09/2011 03:21
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề QL&HN tháng 8
  • 6620


Gửi nhận xét