Gạch phát điện ở Olympic London 2012

Những viên gạch đặc biệt khi có người giẫm chân lên sẽ phát ra điện đã được lát tại lối đi vào sân vận động chính và mặt phố trước Trung tâm Thương mại sầm uất Westfield Stratford City nhân dịp Olympic London 2012.

Laurence Kemball-Cook đứng trên viên gạch phát điện do ông phát minh

Laurence Kemball-Cook - nhà phát minh trẻ tuổi đã đưa ra ý tưởng lát những viên gạch đặc biệt Pavegen tile trên các lối đi nhiều người qua lại, khi có bước chân giẫm lên viên gạch thì tác động của bước chân ấy sẽ làm cho viên gạch phát ra điện. 5% lượng điện này được dùng để bật sáng một đèn LED (loại đèn tiết kiệm điện nhất hiện nay) lắp ở chính giữa mặt viên gạch; 95% điện năng còn lại sẽ nạp vào một bộ ắc quy chung; điện năng của nó được dùng cho các nhiệm vụ khác như chiếu sáng lối đi cho khách bộ hành, biển quảng cáo, chạy máy bán vé v.v...

Nguyên liệu để làm ra loại gạch đặc biệt này đều tái chế từ các vật liệu bỏ đi. Mặt viên gạch làm từ lốp xe ô tô phế thải. Do làm bằng cao su nên mặt viên gạch có tính đàn hồi; khi chân người giẫm lên, mặt gạch sẽ lún xuống ít nhất 5 mm và động năng sinh ra từ sự lún ấy được hệ thống thiết bị chuyển thành điện năng.

Nếu cứ 4 đến 10 giây lại có một bước chân đè lên thì viên gạch sẽ tạo ra một lượng điện khoảng 2,1 watt mỗi giờ. Phần đế viên gạch cũng làm từ các vật liệu tái chế. Mỗi viên gạch có thể dùng trong 5 năm hoặc chịu được 20 triệu bước chân đi qua. Trung bình một người bước khoảng 20 triệu bước trong cả cuộc đời mình. Nếu tận dụng được một phần nhỏ động năng do các bước đi ấy tạo ra thì rõ ràng loài người sẽ tiết kiệm được rất nhiều năng lượng làm ra từ các nguồn gây ô nhiễm (như nhiên liệu hóa thạch), nhờ thế môi trường sống của chúng ta sẽ được cải thiện rất nhiều.

Theo giới thiệu, chỉ cần 5 viên Pavegentile là đủ phát ra điện năng chiếu sáng một trạm chờ xe bus suốt một đêm.  

 


  • 03/08/2012 10:15
  • Theo Tạp chí Tia sáng
  • 45402


Gửi nhận xét