EVNHANOI cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn

Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) sau 4 năm tiếp nhận và quản lý lưới điện của tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, cuộc sống dân sinh, cũng như nhu cầu về văn hóa giải trí của người dân được nâng lên rõ rệt. Nhưng đằng sau thành quả cao quý đó, là những giọt mồ hôi, công sức hằng ngày, hằng giờ của biết bao thợ điện Thủ đô - những người thắp lên niềm tin và ánh sáng cho nhân dân.

Lưới điện ổn định, đời sống người dân được cải thiện

Từ 2008 đến nay, sau khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội đã tiếp nhận 332 xã, phường, thị trấn với 803.370 hộ dân. Sau khi tiếp nhận, công tác đầu tư cải tạo lưới điện đã được Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội quan tâm triển khai thực hiện, cụ thể như: Thay mới được 864.051 công tơ (bao gồm việc thay công tơ, hòm công tơ, dây dẫn và phụ kiện với tổng chi phí hơn 625 tỷ đồng), tỷ lệ thay mới đạt 96,85%.

Tổng công ty đã kịp thời xử lý các điểm mất an toàn trên lưới, cải tạo và đầu tư xây dựng mới các đoạn đường dây trung áp, hạ áp, bổ sung và nâng công suất trạm biến áp bảo đảm đủ công suất cấp điện với trị giá đầu tư hơn 411 tỷ đồng.

Bên cạnh việc đầu tư, cải tạo lưới điện, Tổng công ty đã và đang thực hiện tuyên truyền đến các hộ sử dụng điện ở nông thôn các biện pháp an toàn và sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Đây được coi là một trong các biện pháp giảm chi phí đầu tư, giảm sự cố mang lại hiệu quả cao và lâu dài.

Sau khi triển khai đồng bộ các biện pháp trên, tổn thất lưới điện khu vực nông thôn đã giảm từ khoảng 30% (lúc trước tiếp nhận) xuống còn 11,25%, giảm được tổn thất điện năng kỹ thuật, thương mại xuống mức hợp lý, giảm bớt gánh nặng đầu tư xây dựng thêm các nhà máy điện.

Kiểm tra an toàn lưới điện nông thôn

Ông Hoàng Phương, Chủ tịch UBND xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội cho biết: “Sau khi được cải tạo hệ thống lưới điện từ quý II năm 2012, xã Yên Trung đã hoàn chỉnh hệ thống lưới điện. Song, mừng nhất là nhờ có điện thắp sáng mà phong trào học tập được nhân rộng, dẫn đến chất lượng học tập của các cháu học sinh trong xã nâng lên rõ rệt. Năm 2012, cả xã có 3 học sinh giỏi cấp thành phố...”.

Ông Nguyễn Văn Tám, người dân ở thôn Hội, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội chia sẻ: “Trước kia chưa có điện, người dân trong thôn chúng tôi phải đi rất xa để xay xát gạo, nhưng từ khi có lưới điện đến nay, họ không phải đi xa. Đặc biệt là từ khi có điện lưới ổn định, chúng tôi có điều kiện tiếp xúc với báo đài, ti-vi, đời sống tinh thần cũng như ý thức của người dân tăng lên rõ rệt”.

Còn không ít khó khăn

Ông Trần Đức Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội chia sẻ: Khi tiếp nhận quản lý, khai thác lưới điện khu vực nông thôn, ngành Điện phải đối mặt với không ít khó khăn, phức tạp. Thời gian đầu, nơi này, nơi kia vẫn còn xảy ra tình trạng "câu móc" trộm điện. Nhưng đáng ngại nhất là hệ thống cột điện ở khu vực này quá cũ, xuống cấp, vào mùa mưa, bão thường xuyên bị đổ. Chính vì vậy, ngành lại phải đầu tư nâng cấp toàn bộ hệ thống cột điện, dây tải điện. Cùng với đó, ngành đã chỉ đạo các chi nhánh bố trí người trực thường xuyên để phát hiện, khắc phục kịp thời mọi sự cố xảy ra.

Ông Trần Đức Hùng cho biết thêm: Điều trăn trở của ngành điện Thủ đô hiện nay là quá trình bàn giao lưới điện nông thôn còn quá chậm. Một số nơi, chủ cũ không nhất trí lập hồ sơ hoàn trả lưới điện trung áp theo các hướng dẫn của ngành, nếu có bàn giao thì  theo từng thôn, từng khu. Thêm vào đó là việc xác định giá trị còn lại của vật tư thiết bị hoàn trả lưới điện hạ áp (LĐHA) giữa hai bên giao nhận vẫn đang gặp vướng mắc do bộ đơn giá vật tư thiết bị thời điểm bàn giao và thời điểm hoàn trả có sự chênh lệch. Một số hợp tác xã tuy đã bàn giao, nhưng không công nhận kết quả phê duyệt của hội đồng định giá. Rồi có những nơi đã bàn giao lưới điện cho Tổng công ty  từ năm 2009, năm 2010, năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán xong tiền điện với lý do khi nào hoàn trả xong LĐHA thì mới trả tiền điện. Do vậy, tình trạng nợ tiền điện tại công tơ tổng vẫn còn xảy ra.

Việc đầu tư mọi nguồn lực của ngành điện Thủ đô, sự nỗ lực của hơn 7.600 cán bộ công nhân viên Tổng công ty Điện lực Hà Nội  đã và đang từng ngày, từng giờ góp phần nâng cao chất lượng lưới điện nói chung và lưới điện nông thôn nói riêng. Tuy nhiên, vẫn còn đó muôn vàn khó khăn mà toàn ngành đang phải đối mặt. Để giải bài toán này, chính quyền các địa phương cần chủ động phối hợp với ngành điện để cùng tháo gỡ. Trong đó việc làm quan trọng nhất là ngành điện và chính quyền địa phương các cấp phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ việc kiểm tra, giám sát, bảo vệ hành lang an toàn LĐHA, duy trì ổn định nguồn điện thắp sáng và phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt cũng như sản xuất cho mọi người dân.


  • 09/10/2012 10:40
  • Theo Quân đội nhân dân - Online
  • 3377


Gửi nhận xét