Đào tạo nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân: Chú trọng chất lượng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Theo các chuyên gia, hạn chế lớn của Việt Nam khi bắt tay xây dựng công nghiệp điện hạt nhân (ĐHN) chính là việc thiếu hụt số lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao. Để tìm lời giải cho bài toán trên, 3 năm trở lại đây, công tác đào tạo nhân lực ĐHN được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

Nhân lực đi trước một bước

Theo Quyết định số 1558 của Thủ tướng Chính phủ ngày 18-8-2010 về phê duyệt đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (NLNT)", Bộ GD-ĐT đã xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT bảo đảm về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu chương trình phát triển ĐHN, yêu cầu ứng dụng an toàn, an ninh NLNT trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đến nay, nước ta đã phê duyệt kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực ĐHN tại các trường: Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Lạt, Đại học Điện lực và Trung tâm Đào tạo hạt nhân tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Nhu cầu nhân lực cho chương trình ĐHN ở giai đoạn đầu từ nay đến năm 2020 của Việt Nam khá lớn, bao gồm nguồn nhân lực cho quản lý, giám sát và xây dựng các nhà máy ĐHN; nguồn nhân lực cho thực hiện các hoạt động nghiên cứu, triển khai và hỗ trợ kỹ thuật; nguồn nhân lực cho các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và cho cơ quan quản lý an toàn bức xạ hạt nhân nói riêng; nguồn nhân lực cho các hoạt động giáo dục và đào tạo hạt nhân; nguồn nhân lực cho vận hành và bảo trì nhà máy ĐHN…

Sinh viên Việt Nam đang học tập về chuyên ngành điện hạt nhân tại Nga. Ảnh: Nhật Nga

Đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực nói trên là Đại học Đà Lạt. Từ năm 1976, khi nước ta chưa có các cơ sở đào tạo về lĩnh vực hạt nhân, Đại học Đà Lạt đã được giao nhiệm vụ đào tạo 3 chuyên ngành, đó là: Vật lý hạt nhân, hóa phóng xạ và sinh học phóng xạ. Đến năm học 2014-2015, trường đã có 3 khóa đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hạt nhân với số lượng khoảng 40 sinh viên/năm, điểm tuyển sinh đầu vào năm sau luôn cao hơn năm trước.

PGS.TS Nguyễn Đức Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt nhấn mạnh: Đến nay, lĩnh vực đào tạo ngành kỹ thuật hạt nhân của trường là chương trình đào tạo hoàn chỉnh nhất của Việt Nam về kỹ thuật hạt nhân, được cơ sở nước ngoài thẩm định và Bộ GD-ĐT phê duyệt. Chương trình được đào tạo lồng ghép với thực hành phong phú và dự kiến đến kỳ cuối, sinh viên sẽ được thực tập tại một số cơ sở hạt nhân của Hàn Quốc, Nhật Bản. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển ĐHN trong những năm tới, Đại học Đà Lạt đã xây dựng định hướng đào tạo theo 3 chuyên ngành chính là: Tính toán lò phản ứng hạt nhân, an toàn bức xạ và kiểm soát phóng xạ môi trường, ứng dụng chùm bức xạ trong đời sống...

Cũng như Đại học Đà Lạt, các cơ sở đào tạo về NLNT trong nước cũng đang đẩy mạnh chiêu sinh đào tạo hệ đại học cho các chuyên ngành liên quan đến ĐHN nhằm có được đội ngũ nhân lực đủ trình độ tham gia vào quá trình xây dựng, vận hành nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam sắp tới.

"Quốc tế hóa" đào tạo nhân lực

Trong đào tạo nhân lực ĐHN, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức quốc tế và các cường quốc trong lĩnh vực NLNT. Đến nay, các nước như Nga, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Hungary, Pháp… và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã giúp đỡ nước ta đào tạo về NLNT nói chung và ĐHN nói riêng ở cả quy mô ngắn hạn lẫn dài hạn.

Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - chủ đầu tư dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 - cho biết, để chuẩn bị nhân lực cho việc vận hành các nhà máy ĐHN sắp tới, từ năm 2004 đến nay, EVN đã cử gần 200 lượt cán bộ tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về nhiều lĩnh vực khác nhau tại các quốc gia có kinh nghiệm xây dựng, vận hành và bảo dưỡng nhà máy ĐHN như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp… EVN cũng lựa chọn và cử cán bộ, nhân viên ngành điện có thành tích học tập tốt đi đào tạo kỹ sư chuyên ngành ĐHN tại Đại học Năng lượng Mátxcơva (Nga).

Đặc biệt, từ nhiều năm qua, với vai trò là đối tác xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1, Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) đã đẩy mạnh các kế hoạch đào tạo nhân lực ĐHN cho Việt Nam. Đến nay, sự hợp tác giữa hai bên diễn ra trên 3 lĩnh vực: Nâng cao kỹ năng chuyên môn và đào tạo chuyên sâu đối với các chuyên gia trong lĩnh vực NLNT; đào tạo sinh viên đại học và sau đại học; phát triển hợp tác liên đại học. Theo đó, hàng chục chuyên gia Việt Nam được học tập, nâng cao kỹ năng tại Viện GD-ĐT thường xuyên ROSATOM. Giai đoạn 2010-2014, 341 sinh viên Việt Nam cũng đã đến học tập tại Nga về chuyên ngành "nhà máy ĐHN: Thiết kế, vận hành và kỹ thuật"; cũng như chương trình sau đại học "quản lý nhà máy ĐHN". Trong năm 2015, tiếp tục có 80 sinh viên Việt Nam sẽ theo học các chương trình về ĐHN tại Đại học Liên bang Viễn Đông, Đại học Bách khoa Tomsk của Nga.

Trong khi đó, tháng 1-2015, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Westinghouse (Mỹ) cũng đã ký thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Sự kiện này là bước triển khai cụ thể, tạo ra một bước tiến mới trong quá trình hợp tác đào tạo chuyên gia cho lĩnh vực NLNT, sau khi Việt Nam - Mỹ đã đạt được bản Thỏa thuận hạt nhân dân sự hồi tháng 5-2014.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ bắt tay vào xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên với công suất khoảng 1.000 MW. Kinh phí đào tạo nhân lực sẽ chiếm khoảng từ 2% đến 5% tổng kinh phí của một dự án ĐHN, trong đó lấy mục tiêu vận hành an toàn nhà máy là nhiệm vụ hàng đầu.


  • 20/08/2015 04:33
  • Theo Hà Nội Mới
  • 4687


Gửi nhận xét