DHD với Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim

Cùng với việc vận hành hiệu quả cụm thủy điện Đa Nhim – Sông Pha và Hàm Thuận – Đa Mi, Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DHD) đã và đang chuẩn bị sẵn sàng để mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim nhằm  nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, khai thác tối đa nguồn nước hết sức thuận lợi từ hồ thủy điện Đơn Dương.

Vận hành hiệu quả các nhà máy hiện hữu

DHD là đơn vị thành viên của Tổng công ty Phát điện 1 (GENCO 1), đang quản lý vận hành 4 nhà máy, gồm 13 tổ máy, với tổng công suất 642,5 MW. Riêng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, qua 50 năm vận hành, đã cung cấp cho hệ thống điện quốc gia 38 tỷ kWh, ngoài ra còn tham gia điều tiết lũ cho vùng hạ du hồ Đơn Dương và cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của dân sinh tỉnh Ninh Thuận.

Năm 2010, DHD thành lập Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật với nhiệm vụ chính là thường xuyên chăm lo chu đáo “sức khỏe” của 13 “đứa con” (13 tổ máy), bảo đảm cho chúng luôn khỏe mạnh, để tập trung vào công việc sản xuất - kinh doanh điện năng có hiệu quả, với doanh thu và lợi nhuận cao. Ngoài ra, từ năm 2005 đến tháng 6/2014 Công ty đã ký 73 hợp đồng kinh tế,  tham gia thẩm tra thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu; Thương thảo hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ… tại nhiều dự án nguồn điện như: Thủy điện ĐăkRtih, Đồng Nai 2; Đồng Nai 3, Đồng Nai 5;  Srepok 4,, An Khê – Ka Nak, tổ hợp bôxit nhôm Lâm Đồng…

Bằng chính nguồn nhân lực tại chỗ, có sự giám sát và hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia Nhật Bản và các nhà thầu,  DHD đã thực hiện dự án phục hồi, đại tu toàn bộ thiết bị cơ điện Nhà máy Thủy điện Đa Nhim bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (có giá trị 620 tỷ đồng) trong các năm 2004 – 2006.

Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim sẽ phát huy hết lợi thế hồ thủy điện Đơn Dương - Ảnh X.Tiến

DHD là đơn vị đi tiên phong thực hiện mô hình điều khiển tập trung. Hệ thống điều khiển và giám sát các thông số của các nhà máy đang vận hành đã được lắp đặt và đưa vào hoạt động. Từ văn phòng của Công ty tại thành phố Bảo Lộc, có thể điều khiển và đo lường được tất cả các thông số của từng nhà máy nằm rải rác ở 3 tỉnh. Hệ thống thông tin liên lạc đã được kết nối với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Nam (A2). Các lệnh điều độ sản xuất - kinh doanh điện năng cũng được thực hiện từ hệ thống điều khiển tập trung này.

Từ những thành công về kỹ thuật và kinh tế tại các dự án, chương trình kể trên đã khẳng định trình độ về lý thuyết, tay nghề của đội ngũ kỹ sư, công nhân, năng lực tổ chức, quản lý cũng như nâng cao vị thế, thương hiệu của DHD trong các đơn vị thuộc EVN và các đối tác  khác.

Thực hiện vai trò Chủ đầu tư Dự án mở rộng Thủy điện Đa Nhim

Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, đã được bổ sung vào Quy hoạch điện VII tại Quyết định số 7467/VPCP-KTN ngày 21/9/2012 của Văn phòng Chính phủ, đồng thời đã được Thủ tướng đưa vào danh mục các dự án vay vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản đợt I, tài khóa 2013. Dự án đầu tư xây dựng công trình đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 6934/QĐ-BCT ngày 24/9/2013. Ngày 03/10/2014, được sự đồng ý của Bộ Công Thương, Tổng cục Năng lượng đã có văn bản số 1323/TCNL- TĐ  về  kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng công trình mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim tại hai tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận. DHD được giao nhiệm vụ là Chủ đầu tư Dự án.

Mục tiêu đầu tư xây dựng mở rộng nhà máy thủy điện Đa Nhim nhằm cung cấp điện năng cho hệ thống điện Quốc gia với công suất lắp máy 80 MW, sản lượng điện tăng thêm cho toàn nhà máy bình quân hàng năm 99 triệu kWh. Chuyển đổi chế độ vận hành nhà máy từ chạy đáy sang chạy đỉnh, góp phần tăng tính ổn định cho hệ thống điện quốc gia, tận dụng lợi thế về thủy văn trong khu vực, với hồ chứa có dung tích 165 triệu m3, điều tiết hàng năm.

Những thế hệ cũ và thế hệ mới Nhà máy Thủy điện Đa Nhim bàn kế hoạch mở rộng Nhà máy - Ảnh X.Tiến

Dự án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi (ODA) của Chính phủ Nhật Bản nên chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt theo các quy định của bên cho vay thông qua sự tham vấn của JICA trong suốt quá trình thực hiện các bước của dự án. Từ khâu lập báo cáo tiền khả thi, lập thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ mời thầu theo phương thức “một giai đoạn hai túi hồ sơ” (kỹ thuật và tài chính), đánh giá hồ sơ dự thầu, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng, và thực hiện quy trình giải ngân.

Tổng mức đầu tư được phê duyệt tại Quyết định của Bộ Công Thương là 1.952,6 tỷ đồng, trong đó 85% nguồn vốn vay ưu đãi được sử dụng để thực hiện các gói thầu: Thuê tư vấn giám sát kỹ thuật tại hiện trường; Xây dựng và kiến trúc, Cung cấp thiết bị cơ khí thủy công và Cung cấp thiết bị cơ - điện. 15% nguồn vốn đối ứng được sử dụng cho các gói thầu phụ trợ: Đường giao thông, điện – nước phục vụ thi công, chuẩn bị kho; bãi tập kết thiết bị công nghệ, đền bù, trồng rừng thay thế, rà phá bom mìn,…

Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim có thuận lợi là không phải mở rộng xây dựng các hạng mục mới như hồ chứa nước, đập dâng và đập tràn mà chỉ mở rộng tuyến năng lượng và nhà máy. Vì vậy, việc sử dụng tần suất lũ thiết kế P = 0,5 %, tần suất lũ kiểm tra P = 0,1 % như đối với nhà máy hiện hữu đang vận hành, để tính toán thiết kế là hợp lý đối với tổ máy mở rộng.

Đến nay, thiết kế kỹ thuật của Dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt Chủ đầu tư đã hoàn tất việc lập hồ sơ mời thầu cho 4 gói thầu sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi và sẽ bán hồ sơ mời thầu trong cuối năm 2014.

 Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 10/2015. Sau 26 tháng kể từ ngày khởi công, tổ máy sẽ được hòa lưới điện quốc gia và cuối tháng 2/2018 sẽ đưa vào vận hành thương mại.
 


  • 29/11/2014 11:13
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 5999


Gửi nhận xét