Công ty Điện lực Lạng Sơn: Tiếp tục đổi mới để phát triển

Ngày 18/8/2013, Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Công ty Điện lực Lạng Sơn để đánh giá công tác quản lý vận hành, kinh doanh bán điện và việc chuyển đổi nâng cấp các Điện lực trực thuộc theo quyết định 212/QĐ-EVN của EVN.

Đổi mới để đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ chính trị

Báo cáo với đoàn công tác, ông Vi Lê Thành, Giám đốc Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết: Lạng Sơn là tỉnh biên giới, nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam. Diện tích tự nhiên hơn 8.327 km2, dân số khoảng 800 ngàn người, trong đó có 7 dân tộc sinh sống trên địa bàn...

Hiện nay Lạng Sơn đang sử dụng nguồn điện lưới quốc gia với 3 trạm 110 kV công suất 121 MVA. Điện lưới quốc gia được cấp đến 100% các xã phường, thị trấn, số hộ dân có điện lưới quốc gia là 178.481 hộ, đạt 94,96%. Tuy nhiên, tỉnh Lạng Sơn vẫn còn khoảng 6% các thôn bản chưa có điện lưới quốc gia. Đây cũng là mục tiêu mà Lạng Sơn đang phấn đấu để đến năm 2020 hoàn thành cấp điện tới 99,6% số hộ dân trong toàn tỉnh.

Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh phát biểu tại buổi làm việc với Công ty Điện lực Lạng Sơn ngày 18/8/2013

Mặc dù quản lý hệ thống lưới điện với quy mô lớn về chiều dài đường dây các loại, trong đó có 2.400 km đường dây trung thế, gần 5.000 km đường dây hạ thế; bán điện cho 175.280 khách hàng... tuy nhiên Lạng Sơn vẫn là một trong số những đơn vị ở miền Bắc có sản lượng điện thương phẩm ở mức thấp, trên 300 triệu kWh/năm, giá bán điện và truyền tải thấp hơn giá quy định do đó phải bù lỗ hàng năm khoảng 150 tỷ đồng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh miền núi.

Công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng được tập trung quản lý, cải tạo và hoàn thiện 6/12 phòng giao dịch khách hàng. Phân cấp cho các Điện lực trực thuộc tự in hóa đơn điện để giảm chi phí và rút ngắn thời phát hành. Từ tháng 4/2013 áp dụng công nghệ phần mềm thu tiền điện và chấm xóa nợ bằng công nghệ mã vạch tại các đơn vị trực thuộc. Công ty cũng thực hiện việc đơn giản hóa 6 loại hình dịch vụ, niêm yết công khai các quy định tại phòng giao dịch khách hàng, gửi hơn 22.360 tin nhắn tới khách hàng. Việc tiếp nhận thông tin của khách hàng qua hệ thống điện thoại ghi âm, lắp đặt camera giám sát tại các quầy thu tiền điện để nâng cao dịch vụ khách hàng.

Thực hiện quyết định của EVN, Công ty Điện lực Lạng Sơn hoàn thiện chuyển đổi 13 Điện lực trực thuộc. Qua báo cáo đánh giá của các đơn vị  cho thấy, bước chuyển đổi là chủ trương đúng đắn đáp ứng nhiệm vụ của EVN trong thời gian tới. Tuy nhiên, tại các Điện lực còn chưa chủ động trong việc đề xuất các phương án tổ chức và phân cấp cho các đơn vị trong quản lý vận hành, kinh doanh bán điện. Một số Điện lực vẫn đang trong tình trạng “bình cũ rượu mới” là nhận xét của đoàn công tác về sự chuyển đổi này, trong số những khó khăn ở các đơn vị Điện lực miền núi tương đối giống nhau đó là nguồn nhân lực còn thiếu cán bộ có trình độ cao, công tác đào tạo, luân chuyển và sắp xếp cán bộ còn bất cập.

Cần không ngừng quan tâm tới đời sống người lao động

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh ghi nhận những kết quả cố gắng của tập thể CBCNV Công ty Điện lực Lạng Sơn trong những năm qua về đảm bảo điện an toàn liên tục cho nhiệm vụ chính trị xã hội tại địa phương nơi biên giới của tổ quốc.

Tổng giám đốc cho rằng, Lạng Sơn vẫn là tỉnh khó khăn, sản lượng điện bình quân tính trên đầu người mới đạt 400 kWh/người/năm, thấp hơn 1/3 so với trung bình cả nước (1.200 kWh/người/năm). Điện dành cho sản xuất công nghiệp ở mức thấp (34%), trong khi đó điện cho sinh hoạt và tiêu dùng chiếm trên 65% do đó năng suất lao động bình quân thấp (500.000 kWh/người/năm). Việc bù lỗ cho các Công ty Điện lực khó khăn như Lạng Sơn là nhiệm vụ chính trị bắt buộc thể hiện trách nhiệm của EVN trong việc đảm bảo an sinh xã hội. 

"Thời gian tới, Công ty Điện lực Lạng Sơn cần phải nỗ lực hơn nữa trong công tác quản lý vận hành hệ thống lưới điện, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, nâng tầm quản lý về doanh nghiệp từ cấp Công ty đến các Điện lực trực thuộc" - Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh nhấn mạnh.

Tổng giám đốc cho rằng, một quốc gia không thể thiếu Luật, một đơn vị không thể thiếu các nội quy quy định để điều hành tổ chức sản xuất, kinh doanh. Khách hàng đến với chúng ta là mối quan hệ cung cầu, hoạt động tại các Điện lực phải đáp ứng “ngày càng cao, dịch vụ ngày càng hoàn hảo” đúng với khẩu hiệu EVN đang hướng tới đó là “Thắp sáng niềm tin”.

Về đề xuất của các đơn vị trong việc hỗ trợ xây nhà cho người lao động thuê để ở và làm việc, Tổng giám đốc hứa sẽ cùng Đảng ủy Tập đoàn, Công đoàn Điện lực Việt Nam và Công đoàn các cấp sớm ra Nghị quyết để hỗ trợ, chung tay với đơn vị địa phương giải quyết. Mục tiêu chính không để người lao động khó khăn, yên tâm công tác. Tổng giám đốc nhấn mạnh: “EVN đã làm rất tốt công tác an sinh xã hội, với người lao động trong ngành Điện thì không thể để anh em phải đi thuê trọ và nằm đất”.


  • 19/08/2013 09:37
  • Văn Lương
  • 9153