Chỉ số đời sống

Ngày mới vào nghề báo, mỗi lần đi công tác đến một địa phương nào đó tôi đều chăm chăm câu hỏi: Tỷ lệ hộ nghèo của xã là bao nhiêu, so với những năm trước thế nào? Địa phương có nghề phụ không? Tóm lại là hỏi để biết người dân vùng đó giàu hay nghèo. Nhưng số liệu thống kê không phải lúc nào cũng phản ánh đúng.

Để tránh tình trạng số liệu nghĩa là “liệu mà cho số”, tôi lần ra chợ. Cứ loanh quanh ở đó nửa giờ là có thể hình dung về đời sống của người dân trong vùng. Và nếu thực hiện những chuyến “thăm nhà dân bất kỳ”, tôi sẽ có thêm những góc cận cảnh ấn tượng: Đó có thể là ngôi nhà trống với chiếc giường ọp ẹp, tài sản lớn nhất là mấy cái xoong nấu ăn; đó là chia sẻ nhói lòng của người dân ngày cận Tết: “Mong có mỡ ăn hàng ngày”.

Lại nhớ đến bữa cơm ngày xưa. Một hạt cơm cõng mấy lát sắn, cơm trắng trộn muối và mỡ là ước mơ xa xỉ. Rồi điện lưới kéo về, đời sống dần dần đổi thay. Thời gian đầu, nhà nào cũng chỉ lắp một hai bóng đèn thắp sáng. Vậy mà cả làng hơn trăm nóc nhà cũng chỉ tiêu thụ hết vài trăm số điện. Tiền điện như thế thì cả trăm năm chắc gì ngành Điện đã thu hồi được vốn đầu tư?!

 Bây giờ, nhiều gia đình ở nông thôn, miền núi có ti vi, quạt máy, một số hộ còn sắm máy giặt, tủ lạnh, điều hòa… Vừa rồi, tôi đến bản Lác- Mai Châu- Hòa Bình, hỏi trưởng bản tên Mầng mỗi tháng trung bình một hộ dân ở đây sử dụng bao nhiêu số (kWh) điện? Anh Mầng cho biết, địa phương làm du lịch, dịch vụ nên nhà nào cũng có bình nóng lạnh, máy giặt, tủ lạnh… bình quân mỗi hộ sử dụng khoảng 500 số điện/tháng. Vậy đó, bây giờ một gia đình ở bản Lác sử dụng điện bằng cả làng tôi dùng điện ngày xưa.

Các chỉ số sử dụng điện ngày càng phản ánh sát thực đời sống. Thế nên, thay vì hỏi tỷ lệ hộ nghèo, các nhà báo hoàn toàn có thể “bắt mạch” đời sống của người dân một vùng quê nào đó bằng mức tiêu thụ điện năng bình quân của mỗi hộ. Chúng ta sẽ hình dung được mức sống khá thiếu thốn của một gia đình nếu mỗi tháng chỉ sử dụng dưới 30 số điện; và nếu con số ấy là 500, mọi người cũng sẽ liên tưởng tới đời sống của một gia đình khá giả với khá nhiều thiết bị hiện đại… Ở cấp độ quốc gia, để đánh giá sự phát triển, giàu hay nghèo… ngoài  mức tiêu thụ điện bình quân, người ta có thể tham khảo những bức ảnh vệ tinh chụp vào ban đêm. Nơi nào rực rỡ ánh điện, nơi ấy phát triển; ngược lại nếu chỉ có lác đác vài đốm sáng, còn lại là… tối thui thì nơi đó chắc còn nhiều hạn chế.

Tất nhiên, những bức ảnh chỉ có giá trị tham khảo tương đối. Để “mổ xẻ” thực chất nền kinh tế của một đất nước cần rất nhiều tiêu chí với những góc nhìn đa chiều. Một đất nước rực sáng về đêm do sử dụng điện lãng phí, có hệ số đàn hồi điện/GDP cao… chắc chắn đó là biểu hiện của sự tụt hậu chứ không minh chứng cho sự phát triển. Và bây giờ, nếu ai đó hỏi tôi chỉ số nào phản ánh đời sống, tôi sẽ không thể vội vàng trả lời  “nơi nào dùng nhiều điện, nơi đó phát triển. Tôi không muốn mắc sai lầm ở tam đoạn luận nổi tiếng: “Tất cả rừng nguyên sinh đều là rừng. Vậy tất cả rừng đều là rừng nguyên sinh”...


  • 03/10/2014 10:11
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 2489


Gửi nhận xét