Chất lượng nguồn điện - “Trái tim” khỏe để công nghiệp phía Nam phát triển

Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng và phát triển khu công nghiệp (KCN) mạnh cả về số lượng và khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài với nhiều dự án có qui mô vốn lớn từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.  Tuy nhiên, để đưa Đồng Nai vươn lên, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các KCN; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 12,8%/năm... là cả một nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ và và chính quyền các cấp trong tỉnh cùng với sự đồng thuận của người dân. Trong đó, không thể không nhắc đến sự đồng hành của ngành Điện, được ví như “bánh mỳ”của ngành công nghiệp.

Đồng Nai - Cánh chim đầu đàn công nghiệp phía Nam
 
Là một trong những doanh nghiệp có mặt đầu tiên trên đất Biên Hòa - Đồng Nai, đồng thời cũng là doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn thứ 2 ở Đồng Nai, Công ty Hóa chất Biên Hòa đã không ngừng đổi mới và lớn mạnh. Ông Trần Văn Trách - Phó Giám đốc Kỹ thuật Công ty Hóa chất Biên Hòa cho biết: Công ty chuyên sản xuất xút và clo, sự ổn định của nguồn điện đóng vai trò quan trọng trong khâu sản xuất. Từ những dây chuyền sản xuất lạc hậu ban đầu, Nhà máy Hóa chất Biên Hòa đã liên tục đổi mới công nghệ và tăng công suất từ vài trăm tấn xút/năm lên con số vài ngàn tấn. Đến nay, nhờ đổi mới dây chuyền công nghệ hiện đại, công suất của Nhà máy đã được nâng lên 30.000 tấn xút/năm, tăng gấp 6 lần so với 15 năm trước. Chi phí cho điện năng cũng tăng từ 20 tỷ đồng năm 2000, đến nay đã tăng  lên 110 tỷ đồng, với sản lượng điện tiêu thụ hàng năm lên đến 84 triệu kWh. 
 
Nhờ chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ cho các KCN, đặc biệt là sự đảm bảo về cung cấp điện năng, các doanh nghiệp ở Đồng Nai đã yên tâm mở rộng sản xuất, áp dụng công nghệ mới, hiện đại, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo an toàn cho người lao động. Yếu tố có tính quyết định ở đây chính là nguồn điện ổn định. Vì chỉ cần một sự cố mất điện trong tích tắc, toàn bộ dây chuyền sẽ ngừng hoạt động và phải mất nhiều thời gian để khởi động lại. Nếu xét trên quy mô KCN, những sự cố mất điện có thể gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. 
 

Xây dựng lưới điện tại Bình Dương. Ảnh: Mai Hoa

 
Bình Dương “lột xác”
 
Chứng kiến sự vận hành chuyên nghiệp của hệ thống các khu - cụm CN với kết cấu hạ tầng hiện đại, ít người có thể mường tượng rằng, cách đây khoảng hai mươi năm, Bình Dương vẫn còn là một tỉnh thuần nông. Với dân số chỉ bằng một quận vùng ven của TP. HCM và gần như hoàn toàn không có hạ tầng công nghiệp, Bình Dương đã có bước bứt phá ngoạn mục khi trở thành một tỉnh công nghiệp năng động, với tỷ trọng công nghiệp chiếm đến 63% trong GDP, giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động địa phương và các nơi khác chuyển về. 
 
Có nhiều KCN đã được lấp đầy như Sóng Thần, VSIP. Môi trường đầu tư với thủ tục hành chính ở đây được đổi mới, thông thoáng hơn nhiều, hệ thống giao thông đồng bộ, hệ thống kết cấu hạ tầng dịch vụ được đầu tư hoàn chỉnh... chính là ưu thế giúp Bình Dương sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư. Trong đó, vai trò quan trọng là đảm bảo cung cấp điện ổn định với các đường dây và trạm biến áp công suất lớn được đầu tư tại các KCN.  
 
Ông Võ Thiện Trường - Trưởng ban Quản lý điện VSIP cho biết, không có điện thì mọi hoạt động sản xuất đều đình trệ. Điện KCN được cung cấp từ lưới điện 110 kV quốc gia cho 2 trạm 110 của VSIP, lưới điện trung áp 22 kV cung cấp cho khách hàng trong KCN. Nhu cầu điện ở KCN khá cao, tổng sản lượng điện tiêu thụ bình quân hàng năm khoảng 600 triệu kWh. 
 
Chính chiến lược đầu tư mang tính bền vững, phục vụ tốt mọi nhu cầu của doanh nghiệp đã giúp Bình Dương luôn đảm bảo tốc độ tăng trưởng công nghiệp từ 15 – 20%/năm và đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư công nghiệp, với các nhà đầu tư khó tính đến từ Mỹ, Nhật, Singapore... Từ khu công nghiệp Sóng Thần đầu tiên năm 1995, đến nay, Bình Dương đã có 28 khu công nghiệp với diện tích gần 10 nghìn ha, thu hút gần 1000 doanh nghiệp đầu tư sản xuất. 
 
Không chỉ thu hút đầu tư theo chiều rộng, Bình Dương đang tập trung phát triển về chiều sâu với những KCN ngày càng hiện đại, giúp các doanh nghiệp an tâm khi cần đầu tư với quy mô lớn và dây chuyền sản xuất công nghệ cao. Nằm trong KCN Mỹ Phước ở Bến Cát, Bình Dương, Nhà máy Sữa Việt Nam Vinamilk là một minh chứng cho sự thành công và phát triển theo chiều sâu, chuyên môn hóa cao.
 
Ông Lý Tuấn Dũng - Giám đốc kỹ thuật Nhà máy sữa Việt Nam Vinamilk chia sẻ: Nhà máy tiêu thụ điện năng rất lớn với tổng công suất trên 8400 kVA. Có 3 tổ biến áp và máy phát điện dự phòng với yêu cầu ngặt nghèo: Dao động điện áp chỉ trong ± 5V, chỉ cần gián đoạn 1/100s thì quy trình công nghệ sẽ dừng lại, theo yêu cầu công nghệ phải tiến hành lại từ khâu đầu tiên, gây tổn hại rất lớn. Nhưng với nguồn điện cung cấp khá ổn định và sự phối hợp chặt chẽ của ngành ngành Điện, Nhà máy luôn đạt hiệu quả kinh tế cao.
 
Từ một tỉnh tái lập muộn và thuần nông, với những chính sách đầu tư đúng đắn và hợp lý, Bình Dương đã hoàn toàn thay đổi diện mạo trở thành địa phương năng động về công nghiệp và kinh tế. Nếu không có nguồn điện ổn định, giữ vai trò huyết mạch đảm bảo duy trì hoạt động quá trình sản xuất, có lẽ công nghiệp Bình Dương khó có thể đạt được những thành tựu to lớn như hiện nay. 
 
Ông Toshio Kazama - Tổng Giám đốc Công ty TNHH phát triển KCN Long Bình cho biết: “Nguồn cung cấp điện cũng quan trọng như trái tim trong cơ thể của mỗi người vậy. Khi sự cố điện xảy ra, các khách hàng của chúng tôi không thể sản xuất được. Rất may mắn, ở Đồng Nai chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của ngành Điện. Mỗi khi có sự cố xảy ra, chúng tôi đều được cung cấp điện từ một nguồn dự phòng khác. Đó cũng là lợi ích lớn đối với khách hàng nói chung và ban quản lý KCN nói riêng”.
 


  • 15/10/2015 10:37
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 6253


Gửi nhận xét