Bàn về văn hóa đoàn kết

Đoàn kết là tinh hoa bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam

Trong bài thơ “Lịch sử nước ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1942 đã tổng kết truyền thống văn hoá đoàn kết của dân tộc Việt Nam:

“Hỡi ai con cháu Rồng Tiên

Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau.

… Dân ta xin nhớ chữ đồng

Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.

Mặt khác, Người cũng chỉ ra tai họa của dân tộc khi có sự mất đoàn kết giữa nhân dân và lãnh tụ và trong nội bộ tầng lớp phong kiến lãnh đạo đất nước: “Kể gần sáu trăm năm giời/Ta không đoàn kết bị người tính thôn”…“Vì dân đoàn kết chưa sâu/ Cho nên thất bại trước sau mấy lần”.

Ảnh minh họa.

Vai trò, sức mạnh của văn hoá đoàn kết dân tộc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mở rộng phạm vi trong công tác đối ngoại, kinh tế, văn hoá, chính trị với bạn bè quốc tế và được tổng kết trong một triết lý và phương châm hành động phổ quát: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đoàn kết đã trở thành một nguồn sức mạnh nội sinh, đặc tính của bản sắc dân tộc, là một giá trị văn hoá tinh hoa mà mọi con người, tổ chức, địa phương, tộc người Việt Nam cần trân quý, giữ gìn “như con ngươi của mắt mình” (Hồ Chí Minh) và cố gắng thực hiện, phát huy trong đời sống và hành động để đạt được mục tiêu và lợi ích chung tốt đẹp.

Nhận thức đúng và đủ về đoàn kết

Đoàn kết là một từ Hán - Việt  (danh từ/động từ hoặc cả hai) được định nghĩa trong Từ điển “Từ và ngữ Hán - Việt” của GS. Nguyễn Lân là sự kết hợp giữa hai từ đơn: (1) Đoàn: Kết hợp lại; kết: Rèn, kết thắt buộc lại. “Đại từ điển tiếng Việt” do GS. Nguyễn Như Ý làm chủ biên (1998) cũng đã giải thích rõ nghĩa của từ “đoàn” là (1) tôi, rèn (sắt, thép). (2): rèn luyện, đào luyện. Và nghĩa chung của “đoàn kết” là “Kết thành một khối, thống nhất ý chí, không mâu thuẫn, chống đối nhau”.

Quan niệm và tư duy của người Việt truyền thống đã được phản ánh đúng trong hai cuốn từ điển nêu trên là: hoạt động đoàn kết không tự có, thực hiện không dễ dàng, nó đòi hỏi phải có sự rèn luyện, đào tạo chủ động, tích cực, gian khó thì mới thực sự thành đoàn kết. Đối với doanh nghiệp (DN) hay loại hình tổ chức khác, hoạt động đoàn kết đều không dễ dàng tự có, mà cần biết cách khai thác, phát huy, giáo dục, đào tạo, huấn luyện, truyền thông, thực hành lâu dài và hàng ngày… 

Nói cách khác, văn hoá đoàn kết là kết quả của một quá trình lao động, học hỏi, rèn luyện lâu dài kỳ công, gian khổ của tổ chức có sự lãnh đạo, quản trị đúng. Quá trình hành động này đã được Bác Hồ tổng kết gồm nhiều giai đoạn và khía cạnh khác nhau trong bài thơ “Lịch sử nước ta”. Đó là sự thống nhất, nhất trí chung về quan điểm, thái độ, sức mạnh, hành động, tình cảm, quan hệ, ứng xử… Thời kỳ chiến tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc, đoàn kết tạo ra sức mạnh dân tộc, kết tinh thành nghệ thuật và văn hoá “chiến tranh nhân dân” vô địch; thời kỳ hiện nay đoàn kết trở thành nền tảng và chìa khoá thành công và sự phát triển bền vững của DN.

Đoàn kết chân chính và đoàn kết ngụy tạo

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, muốn thực sự đoàn kết thì người lãnh đạo và bộ máy quản trị phải thực sự công tâm, gương mẫu, đối xử công bằng, bình đẳng và nhân ái với mọi thành viên. Tuy nhiên, việc kiến tạo phát triển văn hoá đoàn kết hiện nay đã có điểm khác, điểm khó so với các thời kỳ kháng chiến trước đây. Hiện nay nguồn nhân lực của DN không chỉ có sự khác nhau về năng lực, tính cách mà còn có sự khác nhau, phức tạp hơn về hoàn cảnh, nhu cầu, lợi ích, quyền lực, mức thu nhập, thụ hưởng, địa vị xã hội… Bên cạnh sự đoàn kết chân chính, còn tồn tại các dạng đoàn kết “bằng mặt nhưng không bằng lòng” xuôi chiều, một chiều nhằm che đậy sự thật, trốn tránh hoặc thủ tiêu mâu thuẫn chạy theo hình thức, lợi ích nhóm…

Trước những biểu hiện đó, lãnh đạo và tất cả các thành viên trong DN cần nói không và cương quyết chống lại các kiểu đoàn kết dễ dãi, nguỵ tạo, giả dối.

Doanh nghiệp cần tiếp tục kế thừa các truyền thống tốt đẹp, mặt khác tìm cách loại bỏ những hạn chế, cụ thể:

a. Thực hành sự nêu gương của bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp cao nhất trở xuống nhằm củng cố, phát triển niềm tin và sức mạnh của sự đoàn kết và phát triển bền vững.

b. Chú trọng phương pháp lựa chọn, bồi dưỡng, phát triển và nhân rộng các cá nhân, bộ phận, đơn vị tiên tiến, xuất sắc về VH đoàn kết và VHDN; bình chọn các “đại sứ VHDN” của doanh nghiệp.

c. Sáng tạo nội dung, hình thức thể hiện VHDN trẻ trung, vui vẻ, hài hước thông qua việc tổ chức nhóm sở thích, các sự kiện văn hoá, văn nghệ, thể thao… phù hợp với lứa tuổi trẻ… Biến hành trình xây dựng VHDN là một quá trình khám phá, trải nghiệm mới mẻ, phát triển niềm vui, hạnh phúc và sự gắn kết, chia sẻ cho mọi thành viên. Ứng dụng và làm chủ các nền tảng số, mạng xã hội, phần mềm quản trị DN… giúp cho công việc quản trị VHDN có tính chia sẻ, lan toả mạnh và hiệu quả cao hơn.

d. Lãnh đạo kiểm tra, đánh giá chính xác kết quả thực hiện công việc, nhiệm vụ của đề án, kế hoạch hành động để kịp thời ra các quyết định khen thưởng, kỷ luật công bằng, bình đẳng, công khai.


  • 10/07/2023 04:57
  • Theo Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3960