Vẹn nguyên một tình yêu với ngành Điện

Nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) Bùi Thức Khiết là người đã gắn liền với nhiều công trình điện, đặc biệt là công trình thủy điện Thác Bà và Hòa Bình. Nói về tình yêu với ngành Điện, ông gõ bàn, hát cho chúng tôi nghe ca khúc về Thủy điện Hòa Bình do chính ông viết lại lời từ bài hát Nga “Tổ quốc ơi ta mến yêu người...”.

Đi cùng bão đạn, mưa bom...

Ông Bùi Thức Khiết sinh năm 1938 tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1955, cậu học trò Bùi Thức Khiết chân đất, đội mũ cói đi thi vào Trường Bách nghệ Đông Dương. Thử tài cùng gần 2.000 thí sinh và vượt qua nhiều người, kể cả lứa tú tài toàn phần Hà Nội, ông trúng tuyển vào lớp kỹ thuật đào tạo cơ bản khóa đầu tiên của trường.

Tốt nghiệp năm 1956, ông vào làm việc tại ngành Điện còn rất non trẻ với di sản lưới điện do thực dân Pháp để lại. Lúc đó, chỉ là lưới điện 35kV Hà Nội - Nam Định và với 4 nhà máy điện Yên Phụ, Thượng Lý (Hải Phòng), Nam Định và Hòn Gai, tổng công suất chỉ 10MW, tương đương một nhà máy thủy điện cỡ nhỏ hiện nay. Ông Khiết được điều về tham gia xây dựng 4 cụm lò hơi do Ba Lan tài trợ, phục vụ cho 4 nhà máy điện xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Sau đó, ông chuyển sang làm việc tại Nhà máy điện Nam Định. 

Năm 1965, Mỹ đánh phá miền Bắc, tập trung đánh vào nhà máy điện. Bản thân ông Khiết đã cũng từng “ngồi cột cờ, đếm tiếng bom” nhằm phát hiện trong loạt bom Mỹ dội xuống nhà máy, quả nào đã nổ, quả nào chưa để xử lý kịp thời. Có lần phát hiện một quả bom không nổ chôn sâu 4-5m dưới băng chuyền than, ông cùng anh em công nhân đào bới kéo lên, chuyển ra quảng trường, giữ an toàn cho nhà máy.

Thời gian công tác tại Nhà máy Thủy điện Thác Bà, ông Khiết vẫn còn nhớ như in những trận rải bom bi của Mỹ. “Ngày 10/6/1972, Mỹ ném xuống 24 quả bom, trong đó có tới 22 quả trúng khiến cả nhà máy gần như tan tành. Những người vận hành nhà máy như tôi lúc ấy hoang mang vô cùng, bởi chuyên gia Liên Xô giúp xây dựng nhà máy đã rút, chỉ còn lại các kỹ sư và công nhân người Việt Nam, trong khi nhà máy hư hỏng nặng”- ông Khiết kể. 

Nhưng trong lúc khó khăn nhất, ông Khiết vẫn có niềm tin sẽ khôi phục được nhà máy. Khi đó với vai trò là cán bộ kỹ thuật, ông đã trình bày với lãnh đạo nhà máy khả năng khôi phục tổ máy 2. Và thực tế, dù không có sự trợ giúp của chuyên gia Liên Xô nhưng chỉ sau 62 ngày, tổ máy 2 đã vận hành trở lại. Hơn 2.000 vết thương trên máy, những kỹ sư, công nhân Thác Bà khi ấy đã chữa đi, chữa lại ngày đêm để duy trì hoạt động của tổ máy 2. Với việc nhanh chóng khôi phục được tổ máy 2, Thủy điện Thác Bà đã trở thành nguồn cung cấp điện chính cho Hà Nội trong suốt 72 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, góp một phần không nhỏ vào chiến thắng.

Ông Bùi Đức Khiết (người tóc bạc) trao đổi cùng các kỹ sư lắp máy tại Thủy Điện Sơn La

 Gian nan hành trình tìm 3 chiếc nan hoa thất lạc

Sau những năm tháng gắn bó với Nhà máy Thủy điện Thác Bà, ông được cử đi làm chuyên gia, giúp nước bạn Lào quản lý vận hành một nhà máy thủy điện, sau đó được sang Liên Xô thực tập, nâng cao trình độ quản lý, trước khi trở về nước tham gia xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Thời kỳ này, ngành Điện đã phát triển rất nhanh: miền Nam xây dựng Thủy điện Trị An, miền Bắc xây dựng Thủy điện Hòa Bình, Nhiệt điện Phả Lại. 

Sau khi về nước, ông Khiết lên Hòa Bình năm 1983, khi “công trình thế kỷ” đang bước vào giai đoạn ngăn sông đợt 1. Công việc ngổn ngang, bề bộn. Theo kế hoạch, tháng 12/1987, tổ máy 1 phải phát điện nhưng do khó khăn, đến cuối năm 1988 mới tiến hành chạy thử. Hơn 50 phóng viên ngày đêm túc trực trên công trường, theo dõi mọi diễn biến chạy thử tổ máy 1, kịp thời đưa tin. Đúng 20 giờ 21 phút ngày 30/12/1988, lần đầu tiên dòng điện của Nhà máy được phát lên lưới điện quốc gia và ông Khiết là người ấn nút đầu tiên đưa điện lên lưới. 

Ông Khiết chia sẻ, trong suốt cả tuần chạy thử tổ máy 1, ông và các CBCNV trên công trường chỉ ngủ rất ít, nhiều đêm thức trắng. Thời gian này, bất kể ngày hay đêm, công trường lúc nào cũng sáng ánh đèn. Và từ đó, cứ 6 tháng, các kỹ sư, công nhân lại đưa thêm một tổ máy của Hòa Bình hòa vào lưới điện quốc gia, cung cấp nguồn điện cho cả miền Bắc.

Khi thi công lắp đặt những tổ máy cuối cùng của Thủy điện Hòa Bình, tiến độ của công trình đang ở thế “nước rút” thì cả công trường “tá hỏa” khi lô hàng ba nan hoa của roto phát điện, mỗi chiếc nặng 21 tấn lại… chưa thấy về công trường. Là Phó Ban Quản lý, ông Bùi Thức Khiết lúc ấy đã tình nguyện sang Liên Xô để tìm 3 chiếc nan hoa này.

Truy dấu vết quá trình vận chuyển 3 chiếc nan hoa qua nhiều bến cảng nhưng không có kết quả, ông Khiết đã tìm tới cảng Odessa thuộc Ukraina, xem lại số hàng hóa cao ngút ngàn tại các kho nằm trong cảng. Ông Khiết có một linh cảm, rất có thể 3 chiếc nan hoa khổng lồ ấy bị thất lạc ở đây. Ông Khiết đã mang bức ký họa 3 chiếc nan hoa photo thành nhiều bản và mạnh dạn bỏ một ngàn Rúp “tiền túi” treo thưởng cho người tìm thấy lô hàng này.

Chuyện tưởng như đùa ở một cảng biển phức tạp ở Liên Xô thời kỳ đó nhưng cuối cùng ông Khiết đã thành công. Tại đây, ông Khiết đã tìm được ba chiếc nan hoa, đưa về Nhà máy Thủy điện Hòa Bình giúp “công trình thế kỷ” hoàn thành đúng tiến độ. Sự ra đời của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình khi đó và đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 đã hoàn tất việc kết nối toàn bộ hệ thống điện Việt Nam thành khối thống nhất, cũng là tiền đề ra đời Tổng công ty Điện lực Việt Nam năm 1995, ông Khiết được bổ nhiệm làm Phó tổng Giám đốc ngay sau khi Tổng công ty được thành lập.

Sau khi hoàn thành công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, đội ngũ những người làm thủy điện Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Những năm sau đó, nhiều nhà máy thủy điện ra đời, trong đó, ông Khiết được bổ nhiệm làm cố vấn, theo dõi việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Ialy.

Năm 2006, đến tuổi được nghỉ hưu theo chế độ, ông Khiết vẫn được mời làm việc với tư cách là chuyên gia cao của cấp Hội đồng Nghiệm thu nhà nước. Tính đến nay, ông Bùi Thức Khiết có hơn 60 năm làm việc trong ngành Điện. Trong ngôi nhà bình dị của mình, ông tự tay làm một mô hình thủy điện nhỏ. Ông luôn tự hào, hạnh phúc với nghề nghiệp mình đã chọn và gắn bó suốt cuộc đời. 


  • 03/02/2021 04:59
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 914