Văn hóa "buôn chuyện" nơi công sở

Nếu như mọi người chỉ đến cơ quan lặng lẽ làm việc rồi ra về, hẳn là sẽ rất tẻ nhạt. Vì thế cần lắm những câu chuyện nơi công sở. Song để tránh những “biến tướng” tiêu cực, cần buôn chuyện một cách có văn hóa để từ đó góp phần tạo ra sợi dây gắn kết đồng nghiệp, giúp giải tỏa stress sau những giờ làm việc căng thẳng, tạo hứng khởi và tăng hiệu suất công việc.

Buôn chuyện nơi công sở một cách có văn hóa cũng mang lại nhiều lợi ích.

Trước hết cần xác định “buôn chuyện” là một cách để giao tiếp cùng đồng nghiệp, trao đổi những thông tin bên lề công việc, về xã hội, chuyện cá nhân, giúp mọi người hiểu biết, gần gũi và thân thiện với nhau hơn… Đôi khi chủ đề chỉ là những câu chuyện vui, những vấn đề nhỏ nhặt trong cuộc sống. Hoặc, câu chuyện sẽ là sự góp ý chân thành để đồng nghiệp của mình thay đổi và trở nên tốt hơn.

Theo chị Phạm Phương Anh, nhân viên kinh doanh một công ty tài chính, chị may mắn được làm việc trong một công ty có môi trường rất tốt, đồng nghiệp thân thiết như anh em trong gia đình, những lúc rảnh rỗi có thể tâm sự và chia sẻ với nhau cả trong công việc và cuộc sống. Sếp cũng không phản đối buôn chuyện nơi công sở, miễn là không ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Đi làm mỗi ngày là một ngày vui, nên mặc dù khối lượng công việc khá lớn song tâm trạng mọi người vẫn rất thoải mái, nỗ lực làm việc hết mình.

Chị Nguyễn Bích Ngọc, nhân viên văn phòng một công ty bất động sản ở Hà Nội chia sẻ: “Chỉ cần 20 phút tám chuyện giờ nghỉ trưa cùng đồng nghiệp, tôi có thể cập nhật nhiều tin tức nóng hổi bên trong và bên ngoài công ty. Chẳng hạn, nhờ “hành lang vỉa hè”, bạn có thể biết chuyện ai sắp rời công ty hoặc sắp được thăng chức và nếu việc đó có liên quan trực tiếp tới bạn, có thể chuẩn bị trước tinh thần để ứng biến trước mọi tình huống. Hoặc đơn giản, bạn có thể “hóng” để chuẩn bị món quà chu đáo cho đồng nghiệp hoặc sếp trong ngày sinh nhật,… tất cả việc này đều trở nên hữu ích nhờ “buôn chuyện”.

Để buôn chuyện có văn hóa cần phải xác định rõ các nội dung nên và không nên bàn luận nơi công sở. Cần chú ý tới sở thích của người quản lý hoặc đồng nghiệp, những lĩnh vực mà họ quan tâm, môn thể thao yêu thích, các hoạt động xã hội, các CLB mà họ tham gia, họ có bao nhiêu đứa con, con họ bao nhiêu tuổi, học trường gì, họ chăm sóc chúng ra sao… Những chủ đề cần tránh là những thông tin tiêu cực, chuyện riêng tư của người khác như giới tính, tôn giáo, sức khỏe, dị tật, chuyện yêu đương, thói quen kỳ lạ, chuyện gia đình của người khác…

Bên cạnh đó, cần lắng nghe, chọn lọc những thông tin có ích, tiếp nhận thay vì phát tán chúng. Đặc biệt, tránh xa các tin đồn. Không nên đưa ra thông tin “hot” trong khi chưa đảm bảo tính chính xác. Nếu sai, bạn sẽ mang tiếng xấu là dựng chuyện và diễn biến thật khó lường. Nếu có thể, hãy tránh những câu chuyện phiếm liên quan đến công việc và chọn thời gian buôn chuyện phù hợp.

Là nam giới nhưng lại làm việc tại phòng tài chính kế toán rất đông chị em, anh Nguyễn Bình tâm sự, ngồi làm việc cùng với các chị em rất vui và thú vị. Mỗi ngày đến công ty gần như anh được cập nhật tình hình thời sự trong nước và thế giới, đặc biệt là những chuyện chợ búa, thực phẩm, quán ăn, thời trang hay các câu chuyện thường nhật… khỏi mất công đọc báo. Khi cần tư vấn quà tặng cho bà xã, anh được giúp đỡ tận tình và xem ra rất hiệu quả. Tuy nhiên, anh không thích các chị em ở chỗ: có nhiều câu chuyện đi quá xa, đôi khi sự việc hay thông tin chưa được kiểm chứng nhưng lại được phát ngôn như thật,…

Những cuộc nói chuyện sau những giờ làm việc mệt mỏi hay trong lúc nghỉ ngơi sẽ giúp đồng nghiệp thấu hiểu và xích lại gần nhau hơn, nhưng "buôn chuyện" cũng cần văn minh, không buôn chuyện quá nhiều và đặc biệt không làm ảnh hưởng đến công việc.

 

 

 

 

 


  • 22/09/2020 03:44
  • Thảo Nguyên
  • 2855