Khi nhân viên mới bị dồn nhiều việc

Hiền lành, ít nói, Quang bị đồng nghiệp dồn cho rất nhiều việc, nhân viên mới đều âm thầm thực hiện, không tỏ bất kỳ thái độ nào. Càng ngày anh càng được sếp tin tưởng, giao nhiều việc hơn…

Quang vừa mới được tuyển vào một công ty. Vốn hiền lành, thật thà, Quang bị một đồng nghiệp tên là Đạt coi như tên ngốc, tất cả mọi việc đều dồn hết cho cậu ta làm. Đạt là người có chuyên môn giỏi, được đào tạo cơ bản, luôn sáng tạo trong công việc và dần dần giành được sự tín nhiệm của sếp và đồng nghiệp. Tuy nhiên, do quá tự tin về bản thân, thay vì tận dụng lợi thế của một người được trao cơ hội, Đạt lại không muốn học hỏi, phấn đấu vươn lên. Có việc gì nặng nhọc anh đều đẩy sang cho Quang. Đạt thường vỗ ngực: “Mấy việc cỏn con đó, không xứng để tôi động tay vào”.

Ảnh minh họa.

Trong một lần làm việc với đối tác nước ngoài, đáng lẽ phần phân tích số liệu về tình hình kinh doanh của đối tác Đạt phải đảm nhận, nhưng vì mải xem bóng đá, Đạt đẩy xuống cho Quang làm. Dù Quang đã thoái thác bởi không đúng chuyên môn của mình, nhưng Đạt vẫn cố nài Quang làm giúp. Kết quả, trước giờ họp chính thức, Đạt tá hỏa phát hiện ra những lỗi sai tai hại, nhưng còn quá ít thời gian để xoay xở, sửa chữa. Khi bị sếp quở trách, Đạt viện dẫn nhiều lý do để bao biện, đổ lỗi cho thời gian gấp gáp, đổ lỗi cho bộ phận gửi báo cáo tài chính chậm trễ, đổ lỗi cho Quang kém cỏi không biết “đọc” số liệu… Còn Quang chỉ biết cúi mặt nhận lỗi. Ngày hôm ấy, Quang đã ở lại cơ quan, làm thêm giờ, nhanh chóng tổng hợp lại bảng số liệu một cách chính xác, giúp buổi làm việc hôm sau đạt được kết quả tốt. Qua lần ấy, tuy bị khiển trách, nhưng mọi người bắt đầu để ý tới sự cố gắng của Quang.

Người quản lý chủ động giao khá nhiều hạng mục công việc cho Quang thử sức. Điều đáng nói là, chẳng bao giờ Quang từ chối, thậm chí công việc luôn hoàn thành một cách tốt nhất. Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, đến một ngày, lãnh đạo Công ty quyết định thành lập một chi nhánh mới. Người được bổ nhiệm phụ trách Chi nhánh mới đã đã chủ động đề xuất với cấp trên xin Quang về làm phó. Ngay lập tức, những lời bàn ra tán vào xôn xao khắp nơi vì ai cũng nghĩ vị trí ấy phải thuộc về Đạt, một người giỏi chuyên môn, lại có thâm niên công tác. Riêng Đạt, anh không hài lòng và tìm gặp hỏi thẳng người quản lý. Người quản lý cũng không e ngại mà trả lời rằng: Quang là người không sợ bị thua thiệt, luôn âm thầm khiêm tốn học hỏi. Còn Đạt, lúc nào cũng sợ bị thiệt thòi, trong giờ còn tranh thủ làm việc cá nhân, hay đùn đẩy việc cho người khác. … Nghe giải thích xong, Đạt chỉ biết im lặng.

Câu chuyện trên cho thấy, có nhiều lúc chúng ta không nên so bì hơn thiệt. Tất cả những gì chúng ta đang làm đều là mở hướng cho tương lai. Có thể bạn phải chịu khổ hơn người khác nhưng sau này bạn nhất định sẽ thành công dễ dàng hơn so với những người sợ việc, so đo đùn đẩy. Sẽ có một ngày, bạn cảm thấy tất cả những gì bạn đã làm đều có giá trị. Bất luận bạn ở đâu, nếu như bạn sợ thua thiệt, sợ vất vả khổ sở, cả đời bạn sẽ chỉ là một nhân viên quèn, làm công ăn lương bình thường. Bạn cần phải tự mình suy ngẫm tại sao đồng nghiệp được thăng chức, được mọi người ngưỡng mộ, được nhận lương cao hơn mình? Thành công của mỗi người là kết quả cả một quá trình nỗ lực vươn lên không ngừng nghỉ. Không có một ai vừa bắt tay vào việc đã thành công ngay. Tâm thái của bạn hiện tại sẽ quyết định tương lai của bạn. Đường đời, không bao giờ là chật chội. Hãy cố gắng hết sức, trái ngọt sẽ ở chính trong tầm tay bạn!

Những nguyên tắc giúp bạn chủ động hơn trong công việc:

- Công việc không nuôi người nhàn hạ, tập thể không nuôi những kẻ lười.

- Vào làm việc ở bất kỳ nơi nào, bạn đừng chỉ chăm chăm kiếm tiền, trước hết, hãy học cách biến mình thành người đáng giá.

- Không có công việc nào là dễ kiếm tiền.

- Trong công việc, không có nơi nào hoàn toàn thuận lợi, bực dọc, khó chịu là chuyện bình thường.

- Không kiếm được tiền, thì kiếm được kiến thức. Không kiếm được kiến thức thì kiếm được kinh nghiệm. Không kiếm được kinh nghiệm, thì kiếm được trải nghiệm. Khi kiếm được những thứ trên rồi, thì không sợ không kiếm được tiền.

- Chỉ có thay đổi thái độ và hành động của bản thân, bạn mới có thể thay đổi được vị trí của mình trong nghề nghiệp và chỗ đứng trong xã hội.

- Nguyên nhân khiến con người ta cảm thấy mơ hồ chỉ có một. Đó là nghĩ quá nhiều, làm quá ít thay vì ngược lại.


  • 10/05/2019 03:29
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 6173