Quyết tâm xây dựng "Văn hóa an toàn trong EVNSPC"

Văn hóa an toàn đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của văn hóa doanh nghiệp Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC).

Xây dựng văn hóa an toàn lao động là yêu cầu không thể thiếu

Văn hóa an toàn của một đơn vị là kết quả tổng hợp của các yếu tố: chuẩn mực, nhận thức của các cấp quản lý và người lao động đối với công tác an toàn, quan điểm, thái độ của các cấp quản lý và người lao động về an toàn; những bài học về các trường hợp mất an toàn; áp lực của tiến độ công việc và những mục tiêu cần đạt được gắn kết với các yêu cầu về an toàn cho người lao động; những hành động đối với các hành vi gây mất an toàn; công tác huấn luyện về an toàn cho người lao động; sự tham gia của người lao động trong các công tác đó.

Trong một đơn vị có văn hóa an toàn vững mạnh, mọi người đều cảm thấy có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn và luôn nỗ lực để đạt được điều đó mỗi ngày; người lao động không chỉ hoàn thành phận sự của mình mà còn tự động nhận diện các rủi ro và hành vi thiếu an toàn; tham gia vào việc điều chỉnh, khắc phục chúng. Các đồng nghiệp sẽ thường xuyên quan tâm lẫn nhau và chỉ ra những hành vi không an toàn của nhau.

Văn hóa an toàn lao động bao gồm các yếu tố về pháp luật và đạo đức. Yếu tố pháp luật là hệ thống pháp luật, quy định hoàn chỉnh của Nhà nước, của đơn vị, trong đó có những quy trình, quy phạm về an toàn và bảo hộ lao động. Yếu tố đạo đức là cái tâm của người quản lý đơn vị đối với người lao động, thể hiện ở việc thực thi nghiêm chỉnh những quy trình, quy phạm về an toàn, bảo hộ lao động; chăm lo đời sống, tình cảm của người lao động đối với đơn vị.

Thực hiện văn hóa an toàn là giúp đơn vị tạo ra môi trường lao động tốt, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, một môi trường văn hóa lành mạnh, vui tươi, phấn khởi cho người lao động an tâm sản xuất, cuộc sống vật chất ổn định và đem lại lợi ích to lớn cho đơn vị. Đặc biệt tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, đối tác an tâm liên doanh liên kết với đơn vị, giúp Tổng công ty, đơn vị phát triển một cách bền vững.

Vì vậy, việc xây dựng nền tảng văn hóa an toàn vững chắc sẽ tác động mạnh mẽ tới việc giảm thiểu tai nạn lao động trong toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với EVNSPC, các công ty điện lực thành viên và tất cả đơn vị cùng bản thân, gia đình người lao động của Tổng công ty.

EVNSPC thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu dương, khen thưởng đội ngũ CBCNV làm tốt công tác an toàn điện. Nguồn ảnh: EVNSPC.

Quyết tâm đạt mục tiêu xây dựng Văn hóa an toàn 

Việc xây dựng và duy trì văn hóa an toàn và vệ sinh lao động mang tính phòng ngừa, đòi hỏi cần phải tận dụng tất cả các phương tiện sẵn có nhằm nâng cao hiểu biết, kiến thức và nhận thức chung về những khái niệm về các nguy cơ, rủi ro cũng như cách phòng ngừa và kiểm soát nguy cơ rủi ro.

An toàn và vệ sinh lao động, bao gồm cả việc tuân thủ yêu cầu về an toàn và vệ sinh lao động theo luật và các quy định về an toàn của đơn vị là trách nhiệm và nghĩa vụ của người quản lý đơn vị. Người quản lý, người đứng đầu đơn vị phải chỉ đạo và cam kết thực hiện các hoạt động về an toàn và vệ sinh lao động trong đơn vị và thực hiện những sắp xếp tổ chức thích hợp nhằm thiết lập một hệ thống quản lý an toàn và vệ sinh lao động.

Cán bộ, nhân viên, công nhân có trách nhiệm phối hợp với người quản lý đơn vị của mình trong việc tạo ra và duy trì văn hoá phòng ngừa tai nạn tại nơi làm việc và tham gia tích cực vào hệ thống quản lý an toàn và vệ sinh lao động của đơn vị. Công nhân được tư vấn, được thông báo và đào tạo về an toàn và vệ sinh lao động.

Sự tham gia của cán bộ, nhân viên, công nhân là một nhân tố quan trọng của hệ thống quản lý an toàn và vệ sinh lao động trong một tổ chức (đơn vị, đội sản xuất, tổ, nhóm sản xuất…). Cần thẳng thắn nhìn nhận hiện trạng Văn hóa an toàn của đơn vị để xác định những yêu cầu khắc phục, có thể chia theo các mức độ sau:

  • Kém: Đó là những đơn vị mà trách nhiệm về an toàn không rõ ràng, an toàn chỉ tồn tại về mặt hình thức. Các quy định về an toàn không được phổ biến và làm theo, những người có trách nhiệm nói một đằng làm một nẻo, những vi phạm về an toàn xảy ra hoặc là bị kỷ luật hoặc là che giấu mà không được báo cáo theo quy định và không được phổ biến đến người lao động trong đơn vị để phòng tránh.
  • Thụ động: Như câu nói “mất bò mới lo làm chuồng”. Chỉ sau khi xảy ra sự cố, tai nạn mới tiến hành khắc phục những khiếm khuyết và lỗ hổng trong vấn đề an toàn nhưng ở mức cục bộ, không giải quyết vấn đề ở mức độ cao hơn là lỗi hệ thống của đơn vị.
  • Tích cực: Đó là văn hóa an toàn ăn sâu vào trong hoạt động của đơn vị, với một hệ thống quản lý an toàn được áp dụng một cách tích cực trong các hoạt động hằng ngày, lực lượng lao động và quản lý có hiểu biết sâu sắc về an toàn công nghệ và an toàn cá nhân. Mỗi một hành động của mỗi cá nhân và của đơn vị đều có dấu ấn của văn hóa an toàn. (Ví dụ, nhóm công tác đường dây chấp nhận rủi ro bị đánh giá không đảm bảo tiến độ thi công khi tiến hành kiểm tra lại cách điện sào thao tác nếu phát hiện dấu hiệu bất thường mặc dù đã được thử nghiệm định kỳ).

Để xây dựng nên văn hóa an toàn trong Tổng công ty Điện lực miền Nam, phải quan tâm và chú trọng đến xây dựng văn hóa an toàn của mỗi cá nhân và văn hóa của cả đơn vị.

EVNSPC tổ chức các buổi tuyên truyền đến các đối tượng người dân về sử dụng điện an toàn và các cách sơ cứu người bị điện giật. Nguồn ảnh: EVNSPC.

Văn hóa an toàn của mỗi cá nhân được củng cố trước hết bởi những quy định về an toàn chung của đơn vị, yêu cầu về ứng xử an toàn đối với mỗi CBCNV, chương trình đào tạo an toàn, ảnh hưởng rất lớn từ cách ứng xử của những người đứng đầu đơn vị đối với vấn đề an toàn. Văn hóa an toàn của đơn vị được hình thành là một quá trình, là một phần trong tổng thể chung của văn hóa đơn vị, cần sự nỗ lực kiên quyết của người quản lý lao động và sự tuân thủ triệt để về an toàn lao động của người lao động.

Văn hóa an toàn là tự giác chấp hành quy trình an toàn và trình tự công việc theo quy định của đơn vị, là mục tiêu phải đạt được đối với tất cả thành viên của Tổng công ty và phải là quyết tâm từ người đứng đầu đơn vị đến tất cả thành viên của đội sản xuất, tổ công tác trong toàn Tổng công ty.


  • 01/09/2020 09:28
  • Nguyễn Phước Đức - Tổng giám đốc EVNSPC
  • 1760